Day dứt hậu án oan - Bài 1:

Kỳ án 'cha giết con' chôn xác trong vườn

Vợ chồng ông Thành mỗi tháng gửi 48 lá đơn đến cơ quan chức năng để đòi lại tài sản. Ảnh: Đình Đình.
Vợ chồng ông Thành mỗi tháng gửi 48 lá đơn đến cơ quan chức năng để đòi lại tài sản. Ảnh: Đình Đình.
TP - "12 năm qua, tui gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu nhưng không cơ quan nào giải quyết”, ông Phạm Văn Thành (SN 1946, ngụ tổ 3, ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) kể.

Tại hội nghị tổng kết của ngành kiểm sát tuần qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  tiếp tục yêu cầu  ngăn chặn chuyện lạm quyền của cơ quan thực thi pháp luật, kiên quyết không làm oan người vô tội.

Việc phòng chống oan sai là cấp thiết và giải quyết hậu oan sai để người dân  hòa nhập được  với cuộc sống cũng cần kíp không kém. Nhân dịp này, Tiền Phong gặp lại những nạn nhân oan sai một thời để tìm hiểu về cuộc sống của họ.

“Nếu thằng Tuyền không về thì tui mang nỗi hận xuống địa phủ. Tuy được minh oan sau 14 năm “phạm tội”, nhưng thời điểm tui bị bắt vào năm 1989, chính quyền địa phương tạm giữ tài sản của tôi đến nay vẫn không chịu trả. 12 năm qua, tui gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu nhưng không cơ quan nào giải quyết”, ông Phạm Văn Thành (SN 1946, ngụ tổ 3, ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) kể.

Người đàn ông khập khiễng ra mở cánh cổng sắt đã sét gỉ mời khách vào nhà. Ngồi đối diện chúng tôi là người có tiếng giàu nhất Tiền Giang một thời với khuôn mặt buồn, đôi mắt đầy mệt mỏi, trong tay lúc nào cũng cầm bịch thuốc để ngừa những cơn đau tim thường xuất hiện đột ngột.  

Họa vô đơn chí

Ông Thành thều thào: “Sự việc xảy ra gần 26 năm, nhưng tui không bao giờ quên cái ngày 17/9/1989 định mệnh ấy. Cái ngày oan nghiệt mà cơ quan chức năng sở tại gán cho tui “tội giết con chôn xác trong vườn”. Khoảng 5 giờ sáng hôm đó, tui đang ngủ thì giật mình thức giấc bởi giọng nói của ông bí thư xã Hòa Tịnh phát ra liên tục từ chiếc loa phóng thanh. Tui chạy ra mở cửa thì thấy cả ngàn người dân chen chân đứng kín xung quanh nhà, nhiều người hiếu kì ở Long An, Vĩnh Long, Bến Tre... nghe thông tin tui giết con cũng đón xe đò lên để tận mắt xem mặt người cha độc ác”.

Chuyện bắt đầu từ khi Phạm Thanh Tuyền (con trai ông Thành, SN 1973, lúc đó 16 tuổi) mất tích. Nghi vấn ông Thành giết con rồi chôn xác phi tang, cơ quan chức năng xã Hòa Tịnh và huyện Chợ Gạo cho đào gần 200 cái hố lớn nhỏ quanh vườn để tìm chứng cứ. Trước cáo buộc về tội “giết người”, ông Thành “xin chính quyền một tuần” đi tìm con. Tìm không có kết quả, về nhà ông Thành bị bắt về tội “giết con, vu khống, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân”. Khi bắt ông Thành, các cán bộ thực thi pháp luật không có lệnh bắt hay quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bởi chưa có bằng chứng chứng minh ông Thành phạm tội, nhưng tại trại tạm giam công an huyện Chợ Gạo, ông Thành bị giam như một trọng phạm.

Theo lời ông Thành, suốt 13 tháng tại trại giam, ông chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Mỗi khi lấy lời khai, các điều tra viên đều dùng nhục hình buộc ông nhận tội “giết con”. Thời gian này, sức khỏe của ông bị giảm sút trầm trọng. Tháng 8/1990, công an huyện Chợ Gạo đưa ông Thành vào bệnh viện đa khoa huyện để điều trị và đánh tiếng với người thân đến bảo lãnh về. Trước khi bị bắt, ông Thành là người khỏe mạnh, nhưng khi về nhà sút gần 30 kg, hai chân bị liệt...

Ngày 25/8/1990, Công an huyện Chợ Gạo đình chỉ điều tra với ông Thành. Thời gian này ông đem không biết bao nhiêu lá đơn đến gõ cửa các cơ quan chức năng từ huyện tới tỉnh để khiếu nại về việc mình bị bắt oan sai, nhưng không cơ quan nào hồi đáp.

“Người chết” trở về

Khoảng 10 giờ sáng 27/12/1992, người dân ở ấp Hòa Ninh giật mình khi thấy Tuyền đi bộ từ ngoài đường lộ vào làng. Thông tin đứa con trai bị người cha “giết, chôn xác trong vườn” bỗng dưng xuất hiện nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Lúc này người dân vây lấy Tuyền, họ kể lại câu chuyện anh bỏ nhà ra đi khiến người cha khổ tâm phải gánh chịu cảnh tù tội, bệnh tật. Nghe tin con trở về, ông Thành với đôi chân teo tóp cố lết ra bậc thềm đợi con. Thấy người cha gầy guộc, Tuyền quỳ xuống lạy ông Thành từ đầu ngõ vào, hai cha con ôm nhau khóc dưới sự chứng kiến của hàng trăm người dân.

“Nhiều lần đã mời ông Thành lên trả lời vụ việc không còn nằm trong thẩm quyền của địa phương nhưng ông vẫn cứ tiếp tục gửi đơn đi thưa nhiều nơi lắm. Nếu ông Thành tiếp tục khiếu nại thì gửi đơn lên xã, xã sẽ trả lời nếu ngoài thẩm quyền thì sẽ chuyển lên huyện”.

Ông Nguyễn Phú Hải, Bí thư xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết

Theo lời Tuyền, lúc đó có một số người lạ rỉ tai, “nếu xuống Mộc Hóa, Long An làm việc một thời gian ngắn là được chủ trả vàng, trâu và gả cho vợ xinh đẹp”, mừng quá nên Tuyền đi theo nhóm người này mà quên báo cho gia đình biết. Gần 4 năm miệt mài làm việc, Tuyền không thấy chủ trả vàng, trâu và gả vợ đẹp, trong lúc nghĩ quẩn, Tuyền đập đầu vào tường tự tử nhưng không chết, sau đó lại tiếp tục dùng dây thừng cột vào đọt cây tre tự tử. Một phụ nữ phát hiện, dùng dao chặt đứt dây cứu sống Tuyền rồi cho  tiền để đón xe trở về nhà.

Tuyền trở về, ông Thành dắt con đến chính quyền địa phương trình báo, chứng minh mình vô tội.

Năm 2003, Bộ Công an phản hồi sẽ minh oan cho ông. Ngày 7/6/2004, công an tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 662/QĐGQ-KN ghi rõ: “Việc công an huyện Chợ Gạo bắt ông Phạm Văn Thành về hành vi vu khống, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân là oan sai, do nóng vội, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật. Công an huyện Chợ Gạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý cụ thể đối với số cán bộ có liên quan đến việc bắt oan ông Thành. Đồng thời công an tỉnh xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Thành”. Tháng 7/2004, ông Thành được cơ quan sở tại xin lỗi và bồi thường gần 85 triệu đồng.

Mặc dù công lý đã được trả lại, nhưng theo ông Thành, từ khi ông bị bắt tạm giam, người dân khu vực chiếm của ông 29.600m2 đất. Ngoài ra, năm 1989, UBND xã Hòa Tịnh kí biên nhận thu giữ tài sản của ông gồm: 200 con dê mẹ và 40 con dê con (dê mẹ trị giá 5 chỉ vàng/con, dê con trị giá 1 chỉ vàng/con, một máy tuốt lúa trị giá 1 lượng vàng, một máy cole 4 trị giá 5 chỉ vàng, một bình xịt trị giá 1 chỉ vàng, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa trả lại cho ông.

Về việc này, ông Nguyễn Phú Hải, Bí thư xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho rằng vụ việc của ông Phạm Văn Thành rất lùm xùm, đã xảy ra từ rất lâu, từ những đời lãnh đạo trước đó nên hiện giờ hồ sơ, giấy tờ không biết nằm ở đâu. Chính quyền địa phương có nhận đơn, hồ sơ của ông Thành khiếu nại nhưng qua xác minh thì có nhiều giấy tờ không phù hợp, thiếu chứng cứ, thiếu xác thực.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG