Kỳ án 'giết mẹ' vì 1,5 chỉ vàng: Vi Văn Phượng lần thứ ba nhận án tử hình

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa hôm 19/8
Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa hôm 19/8
TP - Bị cáo có một số lời khai thừa nhận “giết mẹ” nhưng chính các lời khai này cũng mâu thuẫn về thời gian, diễn biến và động cơ phạm tội. Tuy vậy, tòa án khẳng định bị cáo “giết mẹ” vì nợ nần nên phải nhận án tử hình. Bị cáo và gia đình cho biết sẽ tiếp tục kêu oan.

Có bức cung nhục hình hay không?

Ngày 19/8, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình đối với Vi Văn Phượng (SN 1968, ở Lục Nam, Bắc Giang) về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là giết mẹ đẻ - tức bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926).  Đây là vụ án xảy ra năm 2012, ông Phượng từng 2 lần bị tuyên tử hình nhưng năm 2016, Hội đồng thẩm phán hủy các bản án này, yêu cầu điều tra lại.

Cụ thể, theo Hội đồng thẩm phán, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ phạm tội; thời gian nạn nhân bị giết; có bức cung nhục hình hay không… mới có thể kết luận chính xác. Được biết, việc điều tra lại gặp khó khăn vì các chứng cứ trong vụ án đã bị tiêu hủy. Kết luận giám định được ban hành cũng chỉ dựa trên bản ảnh chụp hiện trường…

Năm 2018, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng, tái khẳng định sáng 5/10/2012, Vi Văn Phượng mặc hai chiếc áo gồm màu trắng (bên trong) và màu xanh bên ngoài để đi làm rồi ăn uống tại nhà người quen. Khoảng 11h15 cùng ngày, Phượng về trước rồi rẽ vào quán tạp hóa mua mỳ tôm về nấu cho bà Vui. Tới nhà, Phượng cởi áo xanh ra, lấy dao quắm chém nạn nhân rất nhiều nhát. Sau đó, bị cáo mang dao dựng vào chỗ cũ, cởi áo dính máu, mặc lại áo màu xanh và ngồi hút thuốc trước khi thông báo cho mọi người vào 11h30.

Tại các phiên tòa tiếp đó, bị cáo Phượng liên tục kêu oan, nói bị tra khảo nên mới có một số lời khai nhận tội. Ngược lại, kiểm sát viên khẳng định việc nhận tội của bị cáo trong giai đoạn điều tra phù hợp với chứng cứ, lời khai của nhân chứng. Bị cáo sát hại mẹ vì hoàn cảnh khó khăn; khi mua mỳ tôm cho mẹ đã thể hiện sự bực tức, tâm sự anh trai không có trách nhiệm chăm mẹ cho chủ quán nghe…

Truy tố chỉ dựa vào lời khai

Tại phần tranh luận, các luật sư bảo vệ ông Phượng cho rằng việc truy tố bị cáo hoàn toàn chỉ dựa vào một số lời khai nhận tội nhưng chính các lời khai này cũng mâu thuẫn. Ví dụ, ban đầu Phượng khai đang đi làm rồi bỏ về “giết mẹ” xong ra làm tiếp nhưng sau khai lại như cáo trạng nói trên. Các bản cung nhận tội của bị cáo cũng thay đổi liên tục về động cơ “giết mẹ”; diễn biến lúc sát hại…

Bên cạnh đó, các chứng cứ trong vụ án phần nhiều có tính gỡ tội cho bị cáo như trên cán dao quắm không có dấu vân tay; dấu vết máu của nạn nhân đã khô, đen lúc các nhân chứng có mặt; nhiều nhân chứng đều khai Phượng chỉ mặc 1 áo màu xanh vào hôm vụ án xảy ra. Chỉ 1 người thay đổi lời khai, nói bị cáo mặc 2 áo nhưng việc thay đổi lời khai này diễn ra sau khi có án Giám đốc thẩm năm 2016 và có dấu hiệu không khách quan…

Cũng tại tòa, bà chủ tạp hóa bán mỳ tôm cho bị cáo trước khi về nhà đã khẳng định Phượng không có biểu hiện bực tức. Anh trai bị cáo cho biết, Phượng chăm mẹ hàng chục năm nhưng không hề phàn nàn. Tiếp đến, thời điểm bà Vui bị giết, vợ con Phượng đi xuất khẩu lao động bắt đầu gửi tiền về và cũng chưa đến thời điểm trả nợ ngân hàng nên lý do giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng không chính xác…

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, cuối năm 2009 vợ chồng Phượng vay vàng của bà Vui để lo cho người con lớn đi xuất khẩu lao động. Trong lúc gia đình vẫn đang nợ nần, bà Vui không hiểu cho con trai và nhiều lần đòi vàng. Tháng 9/2012, Phượng đi mua 1,5 chỉ vàng về trả cho mẹ nhưng lại bị nghi ngờ mua vàng giả để lừa người mù nên xảy ra cãi vã. Chủ tọa kết luận: “Động cơ gây án của bị cáo là do nợ nần”.

Các luật sư đồng tình quan điểm, người có thần kinh bình thường dù tàn ác giết mẹ cũng không thể chém nạn nhân nhiều nhát tới mức thi thể biến dạng. Về việc này, kiểm sát viên lại cho rằng Phượng chém mẹ như vậy “để không ai nghĩ mình là hung thủ”.  

“Phượng uống rượu xong còn nhớ mua mỳ về cho mẹ. Với lương tâm như thế, tôi không tin em tôi giết mẹ tôi” – ông Vi Văn Sáng, anh trai bị cáo trả lời chủ tọa.

MỚI - NÓNG