Lại “quây” doanh nghiệp, đòi nợ 200 tỷ đồng

Lại “quây” doanh nghiệp, đòi nợ 200 tỷ đồng
TP - Qua rà soát, Công an các huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Hoài Đức, Sơn Tây… phát hiện một số cá nhân, cơ sở kinh doanh trong quá trình làm ăn có huy động tiền của dân, đến nay không có khả năng thanh toán. Trong đó, một trường hợp có nguy cơ vỡ nợ hơn 200 tỷ đồng.

Hà Nội: Thêm vụ vỡ nợ hơn 260 tỷ đồng

Từ việc mất khả năng thanh toán hơn một trăm tỷ đồng của vợ chồng Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng Tạ Viết Quang và Đỗ Thị Quyên (ở thị Trấn Phùng, huyện Đan Phượng), cơn bão vỡ nợ dồn dập ập về nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Lãnh đạo Công an Hà Nội chỉ đạo công an các quận, huyện tiến hành rà soát, nắm tình hình các vụ vay tiền, để có biện pháp phòng ngừa ngăn hậu quả xấu. Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, đến nay có khoảng 20 vụ vỡ nợ và còn tiềm ẩn nhiều vụ vỡ nợ khác.

Điển hình, thời gian gần đây, có nhiều người thường xuyên đến cơ cở kinh doanh vàng đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ do ông N.Đ. (SN 1964, ở Hòa Bình) làm chủ để đòi tiền, vàng đã cho vay và ký gửi. Công an huyện xác định, ngoài kinh doanh vàng, ông N.Đ. còn hoạt động cầm cố xe máy, bất động sản và tham gia một số dự án xây dựng. Theo đó, ông N.Đ đã rót hàng trăm tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản, trong đó có hơn 200 tỷ huy động của dân. Gần đây, do có thông tin doanh nghiệp của ông N.Đ đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều người đã kéo đến đòi lại tiền, vàng nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản gốc đã vay mượn.

Một trường hợp khác là N.Đ.Ng. (SN 1960, hoạt động cầm đồ ở Chương Mỹ) đã huy động hàng chục tỷ đồng của khoảng 30 hộ dân rồi đem cho một đối tượng tên Hương vay lại với lãi ngày mỗi triệu đồng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/ngày nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Hiện Hương không còn khả năng trả lại tiền gốc, N.Đ.Ng. đứng trước nguy cơ vỡ nợ khoảng 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Công an huyện Ứng Hòa phát hiện một chủ cửa hàng vàng ở Vân Đình vay nợ khoảng 40 tỷ đồng, nay mất khả năng thanh toán.

Cán bộ nhà nước cũng vỡ nợ, bỏ trốn

Công an Thị xã Sơn Tây cũng vừa nhận được đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo Đỗ Anh Đức (SN 1976, cán bộ Phòng Tài chính thị xã Sơn Tây) và vợ là Trần Thị Phương Thảo (SN 1977, cán bộ Ban Đầu tư dự án thị xã Sơn Tây) đã lừa họ góp vốn vào các dự án, vay tiền trả lãi suất cao, mượn sổ đỏ đem thế chấp… Qua xác minh, đến nay công an mới làm rõ vợ chồng Đức-Thảo đã vay, thế chấp sổ đỏ của 3 cá nhân với số tiền gần 3,5 tỷ đồng, rồi bỏ trốn.

Một trường hợp khác, Phạm Thị Thu (SN 1975, ở Chương Mỹ, vợ của một giảng viên trường trung cấp) đã huy động vốn của dân từ để kinh doanh bất động sản. Do bị đòi nợ ráo riết, bà Thu đã phải bán một ngôi nhà nghỉ để trả nhưng vẫn còn khoảng 6-7 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1974, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, giáo viên một trường THCS) cũng vay nợ khoảng 10 tỷ đồng, đã bỏ trốn do bị các chủ nợ đòi ráo riết.

Ngày 21-12, Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội phá vụ bắt giữ người trái pháp luật tại khách sạn Thái Bình Dương (ở huyện Thạch Thất), bắt 7 đối tượng liên quan. Qua điều tra, chủ khách sạn là Nguyễn Diệu Linh (SN 1970) vay của Nguyễn Văn Tuấn (SN 1978, ở xã Sơn Đông, Sơn Tây) 11 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, Tuấn cho người đến khách sạn, giữ bà Linh ở tại phòng làm việc, ép phải trả tiền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG