Làm giả mỹ phẩm bằng "thập cẩm thuốc"

Làm giả mỹ phẩm bằng "thập cẩm thuốc"
Theo lời khai của chủ cơ sở “sản xuất”, nguyên liệu để "sản xuất" là kem sâm, Halog, vitamin B1, PP và vitamin B2, cho vào chậu khuấy đều, bơm vào các lọ và dán nhãn hiệu kem dưỡng da Bảo Lâm.
Làm giả mỹ phẩm bằng "thập cẩm thuốc" ảnh 1
Dụng cụ sản xuất mỹ phẩm là... chậu và xô

9h sáng 17/8, các cán bộ Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ ập vào số nhà 7, ngõ 91, đường Hoàng Mai, Hà Nội bắt quả tang chủ nhà cùng một số người làm thuê đang làm giả lượng mỹ phẩm lớn, nhái thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc và sản phẩm kem dưỡng da Bảo Lâm ở Hải Phòng.

Chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả là Phí Thị Giang, 30 tuổi, trú ở số 8T, tổ 4 Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Theo lời khai của Giang, “sản phẩm” được bán trôi nổi trên tất cả các cửa hàng mỹ phẩm, nhất là ở các kiốt tại chợ Đồng Xuân với giá 6 nghìn đồng/lọ.

Tang vật mà cơ quan Quản lý thị trường thu được gồm dụng cụ đóng gói, máy pha trộn, chậu nhựa to dùng pha chế, xoong nhôm để trộn nguyên liệu, 11kg nguyên liệu đã trộn chưa kịp đóng gói, 20kg tem nhãn mác các loại, 177kg vỏ hộp các loại, 3,5kg vỏ nguyên liệu đã qua sử dụng, 3 thùng các tông thuốc không có hoá đơn là Fluocinonide do Trung Quốc sản xuất, kem chiết xuất từ ngọc trai, của Công ty Dược Hậu Giang...

Mặc dù, trên mạng internet trước đó đã khuyến cáo sử dụng kem dưỡng da giả của Bảo Lâm sẽ làm sạm da, gây viêm da, dị ứng, mẩn ngứa, nhưng rất nhiều chị em đã mua "nhầm" và chuốc lấy hậu quả.

Cơ sở Bảo Lâm thật hiện đã ngừng sản xuất hơn một năm nay cũng vì lý do trên. Số hàng hiện còn, Bảo Lâm phải thay đổi mẫu tem chống hàng giả hình tròn chứ không phải là mẫu tem hình chữ nhật như trước mà cơ sở làm giả vẫn sử dụng.

MỚI - NÓNG