Lâm tặc đại náo - Kỳ 2

Lâm tặc làm chủ Rào Tre

Lâm tặc làm chủ Rào Tre
TP - Chỉ cách trung tâm xã Trọng Hóa, Quảng Bình khoảng bảy kilômét đường chim bay, khu vực Rào Tre được xem là địa điểm khai thác gỗ trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở huyện Minh Hóa.

>> Kỳ 1: Rỗng ruột rừng Ca Xai

Tận mắt chứng kiến hệ thống đường kéo gỗ chằng chịt như ô bàn cờ và hàng chục bãi tập kết gỗ lớn, tỷ lệ thuận với những cánh rừng phòng hộ nơi đây, mới thấy lõi rừng phòng hộ đầu nguồn đang chỉ còn một lớp vỏ bao.

Lâm tặc làm chủ Rào Tre ảnh 1
Khu vực tập kết gỗ lậu của lâm tặc - Ảnh: Minh Toản

Giữa sáng, chúng tôi mới từ Quốc lộ 12 vào đến được bản Lòm. Từ bản Lòm, xã Trọng Hóa, men theo Khe Vàng rồi vượt đỉnh núi Cà Xen cao gần 500m so với mực nước biển, chúng tôi trực chỉ đến khu vực Rào Tre, nơi được xem là địa điểm khai thác gỗ trái phép lớn nhất ở huyện Minh Hóa.

Đến cuối chiều, khi ánh mặt trời hắt những tia nắng cuối cùng xuống rừng đại ngàn, chúng tôi mới tìm đến địa điểm dựng lán của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đang vào đây để kiểm tra và truy quét lâm tặc.

Được biết, khu vực Rào Tre thuộc tiểu khu 37 và đang được sự quản lý bảo vệ của ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa.

Tại đây, có suối Rào Tre bắt nguồn từ Cù Ne, huyện Nà Kai, tỉnh Khăm Muộn (Lào) chảy qua địa phận của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Do địa hình tương đối phức tạp và hiểm trở, lâm tặc ở Hà Tĩnh dễ dàng xâm nhập khu vực Rào Tre để biến nơi đây trở thành một đại công trường khai thác gỗ lý tưởng rất bài bản và quy mô.

Ở khu vực Rào Tre, lâm tặc xây dựng nên một hệ thống đường vận chuyển gỗ liên kết với nhau như ô bàn cờ, mỗi chặng đều có trạm dừng chân và khu vực tập kết gỗ với khối lượng lớn.

Điểm dừng của tất cả các tuyến đường vận chuyển gỗ đều ở ven khe Rào Tre. Đặc biệt, ở một số điểm tập kết gỗ, lâm tặc còn đào hố, trữ nước cho trâu tắm để lấy lại sức sau một ngày vất vả kéo gỗ.

Anh Hồ Xuân, phó xã đội trưởng, xã Trọng Hóa, cho biết: “Tui vào Rào Tre từ ngày 28/6/2009, sau khi nghe tin lâm tặc đang tập kết một số lượng gỗ rất lớn để chuẩn bị vận chuyển ra Hương Khê. Với địa hình và thời tiết ở khu vực này, lâm tặc đang ra sức tận thu gỗ để đợi nước lên rồi mới đóng bè thả gỗ xuôi dòng Rào Tre”.

Anh H. (người dẫn đường cho chúng tôi) là dân bản địa, đi rừng có thâm niên, cho hay: “Để khai thác được một khối lượng gỗ lớn như vậy, lâm tặc đã cho người vào khảo sát trữ lượng gỗ ở khu vực Rào Tre. Sau đó, chúng thuê người vào mở đường vận chuyển, lập lán để phân chia lãnh địa và đưa trâu vào để kéo gỗ. Lương thực, thực phẩm và cỏ cho trâu ăn đã có lực lượng đông đảo chuyên vận chuyển mang vác”.

Tại một điểm tập kết gỗ cách lán trại của đoàn kiểm tra liên ngành không xa, chúng tôi thấy hàng trăm súc gỗ dỗi, chua, re, vàng tâm, được lâm tặc cưa xẻ rất công phu với đầy đủ kích thước.

Chúng tôi dùng tay đo thử, có hàng trăm tấm gỗ dỗi có bề mặt rộng 35 cm, dài 2,6 m và dày 20 cm, cùng hàng chục cột gỗ dỗi có đường kính khoảng 35cm, dài 4,5 m (dân sơn tràng nói rằng các chủ nậu đặt hàng để về làm nhà rường hai tầng).

Ngay dưới khe Rào Tre, có hàng chục súc gỗ được lâm tặc dùng can nhựa làm phao chằng néo bằng mây rừng rất cẩn thận và chắc chắn để sẵn sàng cho việc vận chuyển.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Tỉnh, cho hay: “Sau khi nhận được tin báo, tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng, UBND huyện Minh Hóa, Công an huyện Minh Hóa và Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa vào ngay hiện trường”.

Theo đánh giá ban đầu của Đoàn kiểm tra liên ngành, khối lượng gỗ lâm tặc khai thác còn bỏ lại ở khu vực Rào Tre vào khoảng 150 m3 với nhiều chủng loại và kích thước khác nhau.

Lâm tặc làm chủ Rào Tre ảnh 2 Rào Tre là một khu vực giáp ranh giữa Quảng Bình - Hà Tĩnh và nước bạn Lào. Đây là vùng rừng giàu đầu nguồn. Địa hình phức tạp, khó kiểm soát. Các cơ quan chức năng của mỗi bên thường ngại những vùng nhạy cảm này. Vụ việc này đặt ra vấn đề phối hợp của các cơ quan hữu trách liên tỉnh, liên quốc gia, để bảo vệ tài nguyên chungLâm tặc làm chủ Rào Tre ảnh 3 - Ông Nguyễn Viết Nhung

Tại các bãi tập kết dọc theo Rào Tre, gỗ được kê kích rất bài bản để chống mối mọt mà thường thấy trong các nhà máy cưa xẻ gỗ hợp pháp.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, gỗ ở đây được lâm tặc khai thác khá lâu mới bị các cơ quan chức năng phát hiện, bởi vì, phần lớn số lượng gỗ bị thu giữ đều đã khô cong. Theo đánh giá của một chuyên gia lâm sinh, hiện trường này cho thấy lâm tặc đã định cư ở vùng này không dưới một năm nay.

Trên đường trở ra bản Lòm, chúng tôi phát hiện rất nhiều điểm tập kết mà gỗ vẫn chưa được lực lượng liên ngành tìm ra để đánh số, tập hợp khối lượng và số lượng.

Hiện tại, để xử lý số lượng gỗ khai thác trái phép ở khu vực Rào Tre, UBND tỉnh giao Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa lập phương án, kinh phí vận chuyển. Tuy nhiên, với địa hình rất phức tạp, việc vận chuyển gỗ bằng đường thủy theo khe Rào Tre đang được xem là phương án tối ưu.

Những gì mà các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đang tận thấy tại hiện trường chỉ mới là mặt nổi của một vụ phá rừng quy mô đại công trường, có thâm niên tồn tại.

Theo thông tin riêng của chúng tôi, những cánh rừng quanh khu vực Rào Tre cơ bản được lâm tặc thanh toán gọn và làm chủ hoàn toàn cho đến thời điểm bị các cơ quan chức năng phát hiện. Gần 200 m3 gỗ mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi, vì là số gỗ xấu nên ưu tiên vận chuyển sau, là minh chứng cho quy mô tàn sát ở vùng rừng lõi này.

Hai vùng rừng mà chúng tôi phản ánh là rừng phòng hộ đầu nguồn tuyệt đối cấm chặt phá, khai thác. Thế nhưng, ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn vẫn là lực lượng chạy sau, giải quyết hậu quả khi sự việc nghiêm trọng đã rồi.

Câu hỏi đặt ra là, lực lượng hữu trách nơi đây không biết hay cố tình làm ngơ, cùng bắt tay với lâm tặc và các chủ nậu gỗ để phá rừng phòng hộ? Họ có vô can trước tài sản của quốc gia giao cho họ ngày một cạn kiệt, và để cho một nhóm nhỏ ngang nhiên trục lợi?

Chiều 23/7, trao đổi với chúng tôi về việc xử lý số gỗ đã được phát hiện và thu giữ ở Rào Tre như thế nào, ông Nguyễn Viết Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết:

“Chúng tôi vừa có báo cáo trình UBND tỉnh (ngày 23/7), xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Cái khó hiện giờ là làm sao đưa được gỗ ra khỏi rừng.

Có hai con đường, một là phải kéo về địa phận Hà Tĩnh xa 70 km; hai, về địa phận Quảng Bình dài 101 km.

Giá thị trường các loại gỗ được thu giữ ở Rào Tre hiện tại dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng/m3. Nhưng để kéo được gỗ về, giá đội lên gần năm triệu đồng/m3. Bội chi cho gần 200 m3 khoảng ba tỷ đồng.

Có phương án bán rẻ lại số gỗ trên cho doanh nghiệp có chức năng chế biến gỗ, nhưng phương án đó cũng cần được bàn kỹ”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.