Lạng Sơn: Phóng viên Tiền phong bị giữ trái pháp luật

Lạng Sơn: Phóng viên Tiền phong bị giữ trái pháp luật
TP - Ngày 12/2, PV Nguyễn Duy Chiến của báo Tiền phong tác nghiệp tại Hội Đền Bắc Nga (xã Gia Cát, Cao Lộc) đã bị Công an huyện Cao Lộc giữ, thu máy ảnh...

Đến 20 giờ 30 cùng ngày, sau rất nhiều nỗ lực liên lạc từ tòa soạn, chúng tôi mới liên lạc được với phóng viên Duy Chiến.

Theo tường trình từ UBND xã qua điện thoại, phóng viên Chiến cho biết:  Khoảng 17 giờ, tại khu vực lễ hội Đền Bắc Nga có xảy ra vụ va chạm của một nhóm thanh niên, CA huyện Cao Lộc đã có mặt để xử lý vụ việc. PV Duy Chiến đã chụp ảnh hiện trường.

Ngay lập tức, ông Hoàng Sự – Trưởng Công an huyện Cao Lộc đã ra lệnh thu giữ máy ảnh, sau đó đưa người về CA huyện Cao Lộc rồi đưa trở lại trụ sở UBND xã Gia Cát để lấy lời khai.

Lúc bị thu giữ phương tiện, PV Tiền phong đã bị một số cán bộ CA huyện Cao Lộc áp đảo, bẻ quặt tay ấn lên xe cùng với những thanh niên gây ra vụ lộn xộn.

PV Chiến đã bị một cán bộ CA đấm vào bụng. Khi PV Tiền phong trình Thẻ Nhà báo, ông Hoàng Sự đã có những lời lẽ thách thức. Khi PV Tiền phong yêu cầu CA huyện Cao Lộc trả lại máy ảnh, ông Trưởng CA đã phủ nhận việc thu giữ.

Khi Tòa soạn liên lạc được với lãnh đạo xã Gia Cát, qua điện thoại, ông Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy xã - cho rằng sự việc xuất phát từ sự hiểu lầm do PV Nguyễn Duy Chiến đã có những lời lẽ không đúng mực.

Tuy nhiên, PV Chiến khẳng định không hề có những hành động hay lời lẽ ngăn trở hoặc xúc phạm người thi hành công vụ.

Chứng kiến sự việc tại trụ sở UBND xã Gia Cát có phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Lạng Sơn, báo Lạng Sơn và một số người dân trong xã.

Đến 21 giờ 40 cùng ngày, PV Tiền phong vẫn bị giữ tại UBND xã Gia Cát. 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Trần Minh Tuấn; Email: hantam2003@yahoo.com

Tôi rất bất bình với hành xử của Công an huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) khi đọc bài viết này trên Tiền phong.

Thời gian qua, việc hành hung, cản trở tác nghiệp của nhà báo đã xảy ra khá nhiều, trong đó có cả hành vi của những những người làm trong cơ quan hành chính nhà nước.

Việc làm này là vi phạm luật pháp, không những cần phải lên án mà phải được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm. Có như vậy, các nhà báo mới yên tâm chống tiêu cực được.

Ở khía cạnh thứ hai, Tiền phong cũng nên xem xét lại hành vi của PV. Đặc biệt là quy trình tác nghiệp. Nếu PV không tuân theo chỉ dẫn của Công an trong lúc họ làm nhiệm vụ hoặc hoạt động trong phạm vi hiện trường bị phong toả thì việc "cản trở" của công an là cần thiết.

Dĩ nhiên, việc đối xử với nhà báo không thể bằng "tay chân" hoặc thu giữ tài liệu, phương tiện hành nghề, vì Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ.

Tôi cũng xin lưu ý, Luật Báo chí cũng như các văn bản có liên quan bảo hộ đối với nhà báo. Những người hoạt động báo chí mà chưa được Bộ Văn hoá Thông tin cấp thẻ sẽ không được bảo hộ theo văn bản này.

Tôi hy vọng vụ việc này sẽ nhanh chóng được làm rõ, Tiền phong nên liên tục cập nhật để bạn đọc rõ. Xin trân trọng.

MỚI - NÓNG