Lao động nữ được nghỉ thoải mái khi 'đèn đỏ'?

Chế độ ưu ái đối với lao động nữ, cũng như tính nhân văn trong quá trình sử dụng lao động. Ảnh: Ngọc Châu
Chế độ ưu ái đối với lao động nữ, cũng như tính nhân văn trong quá trình sử dụng lao động. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Quy định lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày/tháng khi “đèn đỏ” là một trong những chế định đang gây nhiều tranh cãi của Nghị định 85/2015, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động.

Ưu ái lao động nữ

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, Nghị định 85 thể hiện sự gần gũi của văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống, với nhiều chế độ ưu ái đối với lao động nữ, cũng như tính nhân văn trong quá trình sử dụng lao động.

Luật sư Minh Thu, Giám đốc Cty Luật TNHH Minh Thu (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Khoan bàn về kỹ thuật soạn thảo văn bản, tôi thấy đây là văn bản hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ. Dù nội dung có nhiều chế định khá tế nhị, song, đó là câu chuyện hết sức thực tế”.

Theo luật sư Minh Thu, Điều 6 của văn bản đã nêu rõ các điều kiện nhằm cải thiện môi trường lao động đối với lao động nữ. Cụ thể, người sử dụng lao động đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp với nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế. Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động.

Cũng là một phụ nữ, luật sư Nguyễn Hồng Hạnh (Đoàn luật sư Hà Nội) đồng quan điểm với ý kiến đồng nghiệp nêu trên, đồng thời bổ sung:  “Đây là văn bản rất gần gũi khi đưa ra các quy định ủng hộ, tạo điều kiện cho các lao động nữ bảo vệ sức khoẻ trong quá trình lao động”. Theo đó, tại Điều 7 của Nghị định 85 đã quy định, khi khám sức khoẻ định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo  danh mục do Bộ Y tế ban hành. Ngoài ra, trong kỳ “đèn đỏ”, các nữ lao động được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày một tháng.

“Tính nhân văn được thể hiện rất rõ nét khi trong thời gian nghỉ ấy, các lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” - tiến sỹ tâm lý  Dương Thị Loan (Đại học Luật Hà Nội) nói thêm.

Tiếp tục ghi nhận những chế độ ưu tiên đối với lao động nữ, tiến sỹ Loan cho hay, bà rất hài lòng khi văn bản đã đưa ra những quy định ưu tiên đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tại chế định này, các lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú, vắt, trữ sữa và nghỉ ngơi.

Cũng như quy định nói trên, các chị em được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ. Và để tạo điều kiện cho “một nửa thế giới” thuận lợi khi chăm con, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, yêu cầu người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa.

Khó khả thi, dễ bị lạm dụng

Dù được đánh giá có nhiều chế định ưu việt, đặc biệt là sự quan tâm đến sức khoẻ và những “đặc thù” của phụ nữ, nhưng Nghị định 85 lại bị nhiều chuyên gia pháp luật cho là thiếu tính khả thi và dễ bị lạm dụng.

Luật sư Nguyễn Hồng Hạnh nói, các nữ lao động được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú sữa, nhưng trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp đều chưa có nhà trẻ, hoặc nơi để gửi con nhỏ của các lao động. “Ngoài ra, có phải gia đình nào cũng có điều kiện ở gần nơi làm việc. Giờ, luật cho họ nghỉ 60 phút để cho con bú, trữ, vắt sữa và nghỉ ngơi, vậy liệu họ có kịp chạy về nhà rồi lại chạy lên cơ quan hay không? Đấy là chưa nói đến việc, mỗi ngày lao động, các nhân viên đương nhiên được nghỉ ngơi giữa ca để ăn uống, vệ sinh cá nhân. Vậy quy định nói trên còn hợp lý hay không?” - bà Hạnh nói.

Ở góc độ khác, luật sư Minh Thu cho rằng, Nghị định 85 có nhiều chế định chưa rõ ràng, dễ tạo tuỳ nghi. Đơn cử như quy định các nữ lao động được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiếu 3 ngày trong thời kỳ “đèn đỏ”. “Tôi lấy làm lạ, thay vì quy định thời gian tối đa, Nghị định lại quy định thời gian tối thiểu. Nghĩa là, mỗi tháng, ít nhất mỗi nữ lao động sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày, còn nhiều nhất là bao nhiêu?” - luật sư Minh Thu nói.

Ở góc độ tâm lý, tiến sỹ Dương Thị Loan nghi ngại khi đặt tình huống chủ doanh nghiệp là nam giới, phụ trách một công ty dệt may, phần lớn lao động là nữ. “Hằng tháng chị em đều qua giai đoạn “khó nói”, nếu là một doanh nghiệp với hàng ngàn nữ lao động, vậy, có khả thi không khi mỗi ngày, vị lãnh đạo, chủ doanh nghiệp phải đứng ra giải quyết chế độ nghỉ ngơi cho chị em. Kể cả có thể thông qua công đoàn, nhưng nếu cán bộ công đoàn cũng là nam giới, và rồi công tác kiểm soát, kiểm tra liệu có được tiến hành?” – tiến sỹ Loan
phân tích.   

Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

1. Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.

2. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:

a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;

                (trích Nghị định 85/2015)

MỚI - NÓNG