Lập trang web lừa đảo, “siêu lừa” lĩnh chín năm tù

Lập trang web lừa đảo, “siêu lừa” lĩnh chín năm tù
TPO - Vũ Đức Thọ lập ra trang web, huy động vốn của nhiều người với số tiền phạm pháp hàng tỷ đồng. Khi đang ung dung hưởng thành quả, Thọ bị bắt và sau đó bị tòa tuyên chín năm tù.
Lập trang web lừa đảo, “siêu lừa” lĩnh chín năm tù ảnh 1
Vũ Đức Thọ tại tòa. Ảnh: Bảo Thắng.

Hôm nay, 18 - 12, TAND thành phố Hà Nội mở phiên xét xử hình sự sơ thẩm đối với Vũ Đức Thọ (SN 1984), trú ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Qua việc lập trang web lừa đảo trên mạng, “siêu lừa” ẵm hàng tỷ đồng của gần 4.000 bị hại với chiêu thức: Huy động vốn lãi suất cao.

Để gom tiền từ các “nhà đầu tư”, Thọ lập ra Công ty Trí Việt do chính mình  làm Tổng giám đốc. Theo nội dung tự lăng xê, công ty Trí Việt hoạt động trong lĩnh vực: Tư vấn đầu tư trong nước, thiết lập và phát triển trang web điện tử, dịch vụ lưu trữ, truy cập thông tin thương mại, đại lý cung cấp các dịch vụ trên mạng điện thoại và Internet...

Theo xác định của cơ quan chức năng, công ty này không có chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng.

Để triển khai các hoạt động lừa đảo, cuối năm 2007, Thọ lập trang web: http//:Vip-Viet.com mang tên dự án Vip.Viet. Theo đó, công ty Vip -Viet kêu gọi những thành viên tham gia bằng hình thức kinh doanh tín dụng ngoại tệ đa cấp trên mạng Internet với lãi suất “trên trời” lên đến 30% một tháng, bao gồm sáu chương trình từ 30T đến 10.000T (T là đơn vị tiền ảo, Thọ tự quy định, với mức chuyển đổi 1T = 1USD = 16.000 đồng).

Cụ thể: Với chương trình 30T, các thành viên phải nộp vào công ty (hoặc mua của người khác đã tham gia) số tiền 30 USD. Trong vòng 50 ngày, người tham gia được trả lợi tức mỗi ngày vào tài khoản 1T liên tục trong 30 ngày. 20 ngày tiếp theo, mỗi ngày tham gia được hưởng 0,5T vào tài khoản; 0,5T vào tái đầu tư.

Không dừng lại ở đó, để thu hút người chơi, Thọ nghĩ ra “chiêu thức” thưởng phần trăm cho những người kêu gọi thêm các thành viên mới tham gia với mức khá hậu hĩnh (từ 1 đến 10%). Và để các thuyết phục các “con mồi”, “siêu lừa” quảng cáo, số tiền đóng góp trên sẽ được huy động để đầu tư vào các mục đích siêu lợi nhuận, như bất động sản, vui chơi giải trí, xây dựng bệnh viện... Nhưng thực tế, tất cả các “chiêu thức” này đều là “ảo”.

Thời gian đầu, để trả lãi và gốc, “tổng giám đốc” lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước. Bên cạnh đó, đế huy động thành viên, Thọ tổ chức các cuộc hội thảo với quy mô lớn, qua đó tuyên truyền, quảng cáo trá hình cho ác hoạt động bịp bợm của mình.

Trong hơn một tháng hoạt động từ 1 - 10 đến 12 - 11 - 2007, dự án Vip.Viet có 3.578 thành viên đăng ký tham gia, trong đó 1.456 thành viên mới đăng ký, chưa nộp tiền; 629 thành viên đã nộp tiền và hơn 400 thành viên ảo do Thọ tự tạo ra để thu hút người tham gia.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, chỉ trong 30 ngày, “siêu lừa” thu của 43 người tham gia với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Sau khi bị bắt, Thọ đã khắc phục một phần hậu quả cho các bị hại, và đây cũng là lý do “siêu lừa” được xem xét để giảm một phần hình phạt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.