Lật tẩy đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia - Kỳ 3

Lật tẩy đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia - Kỳ 3
TP - Chỉ ba ngày sau khi Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam và Cục Kiểm lâm cấp giấy xác nhận trại khỉ ở Kà Tum, từ mùng 10-18/5/2007, Công ty Trung Việt xuất sang Trung Quốc liên tiếp 6 lô hàng khỉ đuôi dài, với tổng cộng 900 con đóng trong 192 kiện từ trại khỉ vừa được xếp hạng kia. 

Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi xác minh ở Lào ngày càng làm mảng đen trong hồ sơ nhập khỉ vào trại Kà Tum loang rộng hơn.

Tìm sự thật từ đầu mối doanh nghiệp Lào

Từ Vientiane, tôi theo con đường xuyên Lào, nhằm hướng tỉnh Bolikhamxay, cách thủ đô 200 km về phía nam. Tôi nhờ một anh và chị người Lào đưa đến Cty Xuất - Nhập khẩu Thương mại Xayasa Co. Ltd vì doanh nghiệp này có địa chỉ rõ ràng, số 174 bản Una Sonxay, huyện Pakxan, tỉnh Bolikhamxay.

Chỉ tính riêng năm bộ hồ sơ, từ 633 đến 638 (thiếu hồ sơ số 636), do ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, ký ngày 5/7/2005, Cty Xayasa của Lào đã xuất cho Trung Việt 1.700 khỉ đuôi dài. Rất tiếc chúng tôi không tìm thấy Cty Xayasa dù mất cả một buổi.

Chuyển sang tìm Cty Xuất - Nhập khẩu Xay Savang không địa chỉ cụ thể ở tỉnh miền trung mênh mông này của nước Lào, chợt thấy một khách sạn mang tên Xay Savang ẩn sâu bên đường. May thay, chủ khách sạn mới mở này chính là chủ nhân Cty Xuất - Nhập khẩu Thương mại Xay Savang ở tỉnh Bolikhamxay.

Tôi đợi ông Vixay Keosavang, Giám đốc Công ty Xuất-Nhập khẩu Thương mại Xay Savang, trong khuôn viên Khách sạn Xay Savang dễ đến hai tiếng đồng hồ. Nhập nhoạng, tôi thấy một xe tải phóng vào sân. Một trong ba người từ cabin nhảy xuống. Họ vừa từ trại nuôi động vật hoang dã trở về.

Dưới đây là một phần cuộc trao đổi với giám đốc Công ty Xay Savang qua anh phiên dịch người Lào:

Thưa ông, đã bao giờ công ty của ông tạm nhập tái xuất động vật hoang dã sang một nước thứ ba trong đó có Việt Nam chưa?

Chưa bao giờ.

Thế Cty ông đã từng xuất khẩu động vật hoang dã từ Lào với tư cách là nước xuất xứ sang nước khác chưa?

Chưa bao giờ.

Ông có đối tác ngoại quốc nào về buôn bán động vật hoang dã không?

Không, trừ một đối tác Trung Quốc gần đây hợp tác cùng chúng tôi phát triển trang trại 22 ha vừa được cấp phép hoạt động từ cuối năm 2005.

Ông có biết doanh nghiệp Việt Nam nào tên là Công ty Cổ phần Thương mại Biên mậu Trung Việt có trụ sở ở TP Hải Phòng không?

Tôi chưa từng nghe đến công ty này. Có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến đây để hợp tác với tôi trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu gỗ, sản phẩm tiêu dùng. Nhưng không có công ty nào có tên như thế.

Ông có biết bộ tài liệu này không?

(Tôi chuyển cho ông Vixay Keosavang xem bộ copy tài liệu lấy từ Cục Kiểm lâm Việt Nam, Giấy phép số 0652 ngày 12/4/2004, về thương vụ vận chuyển của Cty Xay Savang cho Công ty Trung Việt)

Tôi không biết bộ tài liệu này. Ai đó có thể mượn thương hiệu doanh nghiệp của tôi để thực hiện thương vụ chăng?

Tôi xin hỏi lại: Có bao giờ ông nghe, thấy hoặc nhận tài liệu đó không?

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

Ông có nghĩ đấy là tài liệu giả không?

Tôi nghĩ như vậy.

Ông làm ơn cho biết trang trại của ông có phải để xuất động vật hoang dã sang Việt Nam không?

Chúng tôi mới có nhưng chưa bao giờ xuất lô hàng nào sang Việt Nam.

Đối tác với ông có phải là phía Việt Nam không, thưa ông?

Không phải. Chúng tôi hợp tác với Trung Quốc. Họ góp 1 triệu USD. Chúng tôi góp 300.000 USD dưới dạng quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng.

Ông có biết ở tỉnh Bolikhamxay có bao nhiêu doanh nghiệp được cấp phép nuôi động vật hoang dã như của cty ông không?

Có hai doanh nghiệp. Ngoài Cty tôi, còn có Công ty Thương mại Vannaseng Co.Ltd

Ở 174 bản Una Sonxay, huyện Pakxan, có doanh nghiệp nào tên là Công ty Xuất-Nhập khẩu Thương mại Xayasa Co. Ltd không, thưa ông?

Không có công ty nào tên như thế cả.

Như vậy, một trong hai doanh nghiệp có thể là đầu mối xuất khẩu khỉ đuôi dài của Lào đã phủ nhận việc làm ăn với Trung Việt. Tuy nhiên trong tay tôi đang cầm hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp, trong đó có văn bản cho phép Cty Xay Savang xuất động vật hoang dã cho Trung Việt do Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông-Lâm Lào, cấp ngày 12/4/2004.

Ký giấy phép ấy, Giấy phép số 0652, là đương kim Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Lào đồng thời là đương kim Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền CITES Lào.

Nếu những trả lời trên của Giám đốc Vixay Keosavang là đúng thì giấy phép do ông Veunavang Bouthalath, hồi đó là Phó Cục trưởng cục Lâm nghiệp Lào, ký là giả mạo?

Lào chưa từng cấp phép xuất khẩu khỉ trực tiếp sang Việt Nam

Để làm rõ “trắng đen”, không còn cách nào khác, tôi phải làm việc với cơ quan công quyền Lào. Cuối cùng, tôi cũng liên lạc được với ông Athsaphangthong Siphandone, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, Bộ Tài chính Lào.

Tiếp tôi, ngoài ông Siphandone, còn có ông Vong Ratsachack, Trưởng phòng Kế hoạch & Thống kê; và ông Vongchanh Lawkhamphromtakoun, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế.

Về nguyên tắc, theo ông Siphandone, Cục Hải quan Lào chỉ cấp giấy phép thông quan cho doanh nghiệp nào xuất khẩu động vật hoang dã nếu doanh nghiệp có giấy phép của Cơ quan Thẩm quyền Khoa học, Cơ quan Thẩm quyền CITES, chứng nhận thú y, và giấy phép của Bộ Thương mại Lào.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong, ông Vongchanh nói, Cục Hải quan Lào chưa bao giờ cấp giấy phép thông quan cho bất cứ doanh nghiệp địa phương nào xuất động vật hoang dã từ Lào sang Việt Nam.

Trường hợp duy nhất và gần đây nhất, Cục Hải quan Lào cấp phép thông quan là cho doanh nghiệp Lào xuất khỉ sang Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Doanh nghiệp xuất là Cty Thương mại Vanaseng Co. Ltd, tỉnh Bolikhamxay. Tên doanh nghiệp này không có trong hồ sơ về đường dây nhập khẩu khỉ của ông Trần Quý.

Theo cấu trúc hành chính Lào, hoạt động hải quan được phân cấp cho hải quan địa phương. Vậy làm thế nào Cục Hải quan biết hải quan tỉnh chưa từng cấp phép thông quan cho doanh nghiệp nào để xuất thú hoang sang Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này, ông Vongchanh nói đúng là có cơ chế phân quyền. Nhưng Cục Hải quan Lào đã hỏi những người phụ trách hải quan các tỉnh qua điện thoại và thông tin nhận được là không có doanh nghiệp nào được cấp phép xuất khẩu khỉ đuôi dài sang Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo hàng năm của các địa phương cũng cho thấy không có hiện tượng cấp phép cho hoạt động đang được đề cập.

Ông Vongchanh sau đó chuyển cho tôi danh sách bằng tiếng Lào các vụ Cục Hải quan bắt giữ động vật hoang dã trên lãnh thổ Lào trong hai năm 2006 - 2007. Trong danh sách 13 vụ bắt giữ tổng trị giá 158 triệu kíp ấy không có vụ nào bắt được khỉ đuôi dài. “Không vận chuyển khỉ thì làm sao bắt được khỉ”, ông Vongchanh nở nụ cười thân thiện.

Để đảm bảo chắc chắn, ngoài Cục Hải quan Lào, tôi đăng ký làm việc với cả Cơ quan Thẩm quyền CITES Lào và Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông-Lâm Lào. Cuộc hẹn này cũng được thu xếp chu đáo mặc dù mất khá nhiều thời gian chờ đợi.

Tiếp phóng viên trong buổi làm việc vào một ngày giữa thu có ông Thongphath Vongmany, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, và ông Bouaphanh Phanthavong, quyền Trưởng phòng Bảo tồn Tài nguyên Lâm nghiệp.

Cũng giống quan chức Cục Hải quan Lào, hai quan chức Cục Lâm nghiệp Lào khẳng định không hề cấp giấy phép nào cho doanh nghiệp Lào nào để xuất khỉ đuôi dài, rắn, và rùa cho doanh nghiệp Việt Nam. Có chăng, theo ông Bouaphanh Phanthavong, Cục Lâm nghiệp Lào vừa cấp phép lập trại nuôi động vật hoang dã cho ba doanh nghiệp Lào mà thôi.

Theo ông Bouaphanh Phanthavong, để được Cục Lâm nghiệp cấp phép, bắt buộc phải có giấy phép của Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Lào. Như trình bày trước đó, phụ trách Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Lào thông tin cho tôi rằng, Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Lào chưa từng xem xét cấp phép cho doanh nghiệp Lào nào xuất thú hoang sang Việt Nam. Như vậy, nội dung trao đổi với quan chức Lào qua thư điện tử đã được bên thứ ba khẳng định.

Liên quan đến các số liệu xuất khỉ đuôi dài từ Lào sang Việt Nam đăng trên website của CITES Quốc tế, thật bất ngờ, cả hai ông cho biết không hề biết gì cho đến khi phóng viên Việt Nam thông báo.

Cả hai ông đều biết các vụ buôn lậu động vật hoang dã trên lãnh thổ Lào nhiều năm qua nhưng chưa nghe thấy vụ vận chuyển khỉ nào. Hơn nữa, không giống hải quan, Cục Kiểm lâm Lào chưa bắt được vụ nào do lực lượng quá mỏng.

Bất ngờ nữa là, toàn bộ văn bản cho phép Cty Xay Savang xuất trực tiếp gần 80.000 động vật hoang dã (trong đó có 5.000 con khỉ đuôi dài) cho Cty Trung Việt (mà Cục Kiểm lâm Việt Nam cung cấp cho chúng tôi bản copy) được ông Thongphath Vongmany, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, khẳng định là giả mạo.

Vậy thực chất đường dây nhập khẩu động vật hoang dã của ông Trần Quý nhập từ nước nào? Vì sao đường dây này lại làm giả hồ sơ nhập khẩu trực tiếp động vật từ Lào?

Những văn bản mà Cục Kiểm lâm Việt Nam cung cấp cho phóng viên bị phía Lào xác nhận là giả mạo, gồm:

1. Bản dịch tiếng Việt Giấy phép Xuất khẩu, số 0652/LN.04, Vientiane, ngày 12/6/2004, của FD Lào

2. Bản tiếng Lào văn bản trên

3. Danh mục hàng hóa bằng tiếng Anh đính kèm Giấy phép Xuất khẩu số 0652/LN.04 ngày 12/4/ 2004, và

4. Thư khẳng định bằng tiếng Anh ngày 29/4/2004 về giấy phép bằng tiếng Lào và tiếng Việt nói trên của ông Veunevang Bouttalath, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp Lào hồi đó, gửi TS Nguyễn Bá Thụ, Cục trưởng Kiểm lâm Việt Nam, đồng thời phụ trách Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam hồi đó.

Đối chiếu hai văn bản, một của Cục Kiểm lâm Việt Nam cung cấp cho phóng viên Tiền phong (tạm gọi là bản copy) và một là bản gốc của Cục Kiểm lâm Lào (tạm gọi là bản gốc), đều đề cập đến một hoạt động.

Đó là vận chuyển động vật hoang dã của một doanh nghiệp Lào cho một doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là của Công ty Xuất-Nhập khẩu Xay Savang tỉnh Bolikhamxay cho Công ty Cổ phần Thương mại Biên mậu Trung - Việt.

Danh mục hàng hóa ở hai văn bản cũng tương đối giống nhau về loại hàng. Tuy nhiên, vẫn theo Phó Cục trưởng Thongphath Vongmany, khác biệt ở hai văn bản lại rất cơ bản và làm thay đổi gần như hoàn toàn nội dung kinh doanh.

Thay vì bản gốc chỉ cho phép tạm nhập tái xuất hàng từ Malaysia sang Việt Nam, bản copy lại ghi cho phép doanh nghiệp Lào xuất trực tiếp động vật hoang dã khai thác từ Lào sang Việt Nam.

Hơn nữa, theo bản copy, lượng khỉ được xuất từ Lào qua Việt Nam lớn hơn nhiều so với lượng khỉ được phép tạm nhập tái xuất từ Malaysia sang Việt Nam.

Kỳ cuối: Sự thật phơi bày

Quốc Dũng

MỚI - NÓNG