Liệu có chuyện 'huyện cưỡng chế xã'?

Liệu có chuyện 'huyện cưỡng chế xã'?
TP - Tháng 5/2008, Cty TNHH Triển Hoa được UBND tỉnh Hà Tây giao 2,6 ha đất thuộc xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) để xây dựng Nhà máy chế biến nông sản. Đã hơn 5 năm, Cty Triển Hoa chưa giải phóng xong mặt bằng, điều oái oăm diện tích còn “vướng” thuộc quỹ đất công ích của xã Cam Thượng.

Giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ”

Diện tích đất Cty Triển Hoa thực hiện dự án Nhà máy chế biến nông sản nguyên là đất sản xuất nông nghiệp của xã Cam Thượng, gồm đất quỹ 1 (giao cho các hộ dân) và đất quỹ 2 (đất công ích do xã quản lý). Toàn bộ khu vực này đã được quy hoạch thành Cụm công nghiệp Cam Thượng của huyện Ba Vì.

 Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố thống nhất quan điểm là đối với các hộ dân đang sử dụng đất (kể cả đất công ích) không chấp hành Quyết định thu hồi đất đang có hiệu lực thi hành thì UBND huyện cần chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất 

Trích Công văn số 945 ngày 20/12/2012 của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội

Sau khi Cty Triển Hoa được giao đất, tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, khung giá đất cũng thay đổi theo. Đây là khó khăn khách quan khiến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) bị chậm, do phải áp giá lại các mức bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ các hộ dân có đất quỹ 1 và một phần hộ dân nhận thầu canh tác trên đất quỹ 2 đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Hiện tại chỉ còn hơn ba chục hộ dân vẫn tiếp tục canh tác trên đất dự án, toàn bộ số này đều thuộc đất quỹ 2. “Chúng tôi đã cắt hợp đồng thầu khoán của họ từ năm 2008” - ông Nguyễn Minh Tường, Phó chủ tịch UBND xã Cam Thượng khẳng định - “Việc họ tiếp tục canh tác trên đất này là trái pháp luật. Đầu năm 2012, khi họ tiếp tục cày cấy, chúng tôi đã ra các quyết định xử phạt hành chính tất cả các hộ này, mỗi hộ bị phạt năm trăm ngàn đồng”.

“Cưỡng chế” hay “bảo vệ thi công”?

Từ cuối năm 2011, UBND huyện Ba Vì và các cơ quan tham mưu đã họp bàn nhiều lần về việc GPMB cho dự án của Cty Triển Hoa. Nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức cưỡng chế hành chính theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, một số người cho rằng diệna tích chưa được giải phóng thuộc xã quản lý, nếu cưỡng chế hóa ra “huyện cưỡng chế xã”?! Những người này phân tích, trên giấy tờ thì xã và huyện đã bàn giao toàn bộ diện tích đất này cho Cty Triển Hoa. Vì vậy, không cần tổ chức cưỡng chế, chỉ cần tổ chức các lực lượng bảo vệ cho Cty Triển Hoa tổ chức thi công (đổ đất san nền) là xong.

Do còn có ý kiến khác nhau, UBND huyện Ba Vì đã gửi văn bản xin chỉ đạo của Ban chỉ đạo GPMB và UBND TP Hà Nội. Các cơ quan này đều đã có nhiều văn bản phúc đáp huyện Ba Vì, yêu cầu thực hiện theo phương án cưỡng chế để GPMB. Tuy nhiên, theo tìn hiểu của các PV, đến thời điểm này, cuộc tranh cãi giữa “cưỡng chế” và “bảo vệ thi công” vẫn chưa có hồi kết!

Cơ sở pháp lý?

Ông Phùng Hoài Điệp, Phó trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Ba Vì cho biết, trong một hội nghị tổ chức đầu tháng 4/2013, có sự tham gia của các cơ quan từ xã, huyện đến thành phố, các ý kiến tưởng đã chốt lại được, cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ. Vì vậy mà cuộc cưỡng chế vẫn chưa được tổ chức.

Về cơ sở pháp lý, phương án “cưỡng chế” dựa trên cơ sở Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; còn phương án “bảo vệ thi công” thì căn cứ vào Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

“Do chưa ngã ngũ, nên ngày 08/4/2013, huyện Ba Vì đã có văn bản gửi thành phố, và mới đây, ngày 17/5, huyện Ba Vì lại có thêm văn bản gửi thành phố, tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo, song đến nay chúng tôi chưa nhận được văn bản trả lời” - ông Điệp cho biết.

Luật sư, thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Quảng Ninh):

“Theo tôi, trường hợp này cần áp dụng quy định tại Nghị định số 69/2009/ NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ để tổ chức cưỡng chế GPMB. Ở đây không có chuyện “huyện cưỡng chế xã”, bởi đối tượng bị cưỡng chế không nhất thiết phải là chủ sử dụng đất, mà là tất cả những người có hành vi cản trở GPMB, như những người đang canh tác, quản lý, sử dụng… trên diện tích đất đã được cấp có thẩm quyền thu hồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.