Lĩnh án vì lợi dụng dự án giãn dân chiếm đoạt gần 170 tỷ đồng

Các bị cáo Nguyễn Đức Thắng (bìa trái) và Nguyễn Đức Lợi tại tòa.
Các bị cáo Nguyễn Đức Thắng (bìa trái) và Nguyễn Đức Lợi tại tòa.
TPO - Dù dự án xây nhà, giãn dân phố cổ Hà Nội chưa được thông qua nhưng các bị cáo vẫn lợi dụng văn bản do UBND quận Hoàn Kiếm cấp để huy động vốn trái pháp luật.

Ngày 18/3, TAND TP Hà Nội tuyên phạt  Nguyễn Đức Thắng (SN 1950) án 18 năm tù; Nguyễn Đức Lợi (SN 1955) – nguyên TGĐ Cty CP phát triển kinh tế Hà Nội (gọi tắt Cty Hà Nội) án 12 năm tù.

Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958) – Nguyên Phó TGĐ Cty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe) lĩnh 8 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, từ năm 2000, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư Dự án gián dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) với số vốn giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thấy vậy, Nguyễn Đức Thắng đã môi giới cho Cty Hà Nội do em trai mình làm Tổng giám đốc với UBND quận Hoàn Kiếm để được xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân.

Năm 2009, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký công văn chấp thuận việc Cty Hà Nội được bỏ kinh phí xây dựng 1.800 căn hộ phục vụ giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng.

Sau đó, Nguyễn Đức Thắng lại môi giới cho Trần Ứng Thanh – nguyên TGĐ Cty Hồng Hà để thực hiện dự án. Theo thỏa thuận, ông Thanh sẽ “lại quả” 7% (khoảng 280 tỷ đồng) tiền đầu tư cho Thắng và Cty Hà Nội. Trong đó, Thắng phải dùng 5% để đi quan hệ cho Cty Hồng Hà được thi công toàn bộ dự án và hưởng các ưu đãi.

Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định giao Cty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và đầu tư dự án giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng. Trần Ứng Thanh khai nhận, đã dùng tiền vào việc quan hệ, quà biếu để Cty Hồng Hà có được quyết định này và được hưởng các ưu đãi như mua 100 căn hộ tại dự án; có 25% số căn hộ để kinh doanh; được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch…

Tuy nhiên, phải đến năm 2012, Thành ủy Hà Nội mới thông qua và giao UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và thi công phục vụ giãn dân phố cổ.

Mặc dù vậy, Cty Hồng Hà vẫn sử dụng các văn bản được UBND quận Hoàn Kiếm cấp để giới thiệu mình là chủ đầu tư dự án, mời khách hàng mua căn hộ. Tổng cộng, từ 2010 – 2012, Cty Hồng Hà đã nhận đặt cọc của 146 người, thu hơn 169 tỷ đồng (hiện mới trả được 32 tỷ đồng).

Quá trình giải quyết vụ án, bị can Trần Ứng Thanh đã chết khi đang chấp hành án phạt tù (vụ án đã trải qua xét xử nhưng bị hủy án - PV).

Từ các hành vi trên, VKSND truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, tòa án cho rằng hành vi của họ thỏa mãn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội danh này có khung hình phạt cao nhất 20 năm tù (thấp hơn tội lừa đảo) nên quyết định áp dụng tình tiết có lợi cho các bị cáo.

Về phần dân sự, HĐXX quyết định các bị cáo là người của Cty Hồng Hà nên Cty này phải trả lại tiền cho các bị hại. Cty Hồng Hà có thể kiện các bị cáo trong một vụ án khác để đòi tiền.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.