'Loạn' thu, chi tài chính, của công biến thành 'của tư'

'Loạn' thu, chi tài chính, của công biến thành 'của tư'
TP - Bà Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thị Bình đã bộc lộ nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, cố ý làm trái các quy định của nhà nước, có dấu hiệu tham ô.

>> Những việc làm lạ kỳ của bà giám đốc

'Loạn' thu, chi tài chính, của công biến thành 'của tư' ảnh 1
Dù có bưng bít song những sai phạm ở Trung tâm này vẫn bị đưa ra ánh sáng

Như Tiền phong đã thông tin, đêm ngày 13, rạng sáng 14/5/2004, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Trung tâm) bị kẻ gian đột nhập vào phòng Tài vụ mở két sắt “khoắng” sạch số tiền 50.035.400 đồng.

Công an đã khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra nhưng hơn 3 năm trôi qua vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Ngày 31/8/2006, bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm đã ký quyết định “xử lý trách nhiệm vật chất trong thi hành công vụ”, yêu cầu bà Triệu Thị Bích (thủ quỹ cơ quan) phải chịu trách nhiệm tạm bồi hoàn toàn bộ số tiền đã bị mất.

Bà Bích không chịu, làm nhiều đơn gửi Trung tâm cũng như Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn kêu cứu vì bà cho rằng khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng tại sao lại bắt bà đền tiền?

Bà Bích so sánh: Kỳ nghỉ hè năm học 2004 - 2005 kẻ gian lẻn vào cơ quan lấy hết 400 chiếc ghế nhựa học sinh sao ông bảo vệ không bị quy trách nhiệm, để rồi cơ quan phải bỏ tiền công quỹ ra để sắm lại?

Bà Bích cho hay, ông bảo vệ Trần Duy Thiệp là bác họ của giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Bình nên được ưu ái, ngược lại bà bị đối xử bất công.

Điều đáng lưu ý, trong ngày kẻ gian “tấn công” trước đó vài giờ, cơ quan rút 30 triệu tiền mặt từ Kho bạc về quỹ. Và theo xác minh thì bà Mai Thị Thúy (kế toán đơn vị) là người rời cơ quan sau cùng.

Trong lúc mọi người “mải” đi tìm thủ phạm thì bà giám đốc Nguyễn Thị Bình bí mật chỉ đạo lấy hơn 50 triệu đồng tiền học phí của lớp Đại học Cơ điện (liên kết giữa Trung tâm và trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên) để “đắp” vào khoản tiền đã mất. Mặt khác, Trung tâm ra sức thúc giục bà Bích phải nộp số tiền kẻ gian đã lấy mất.

Quá nhiều sai phạm về kinh tế về quản lý kinh tế

Thấy giám đốc “làm liều” nên “thuộc hạ” mạnh ai nấy “khoắng” tài sản công. Các vật tư, tài sản quý hiếm lần lượt rời cơ quan ra ngoài, ví như máy vi tính, máy quét được ông Nguyễn Ngọc Thạch (giáo viên bộ môn nghề) mang về nhà riêng. Số tiền 178 USD do chuyên gia người Đức (trong dự án DED) chuyển cho Trung tâm bị kế toán Mai Thị Thúy “biển thủ”.

Việc quản lý thu, chi học phí, lệ phí cũng rất bát nháo, lớp Đại học Công nghệ Thông tin khoá 2002 - 2007 (đào tạo liên kết với trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên), ngoài số tiền học phí đã đóng đều đặn mỗi năm 2,2 triệu đồng/học viên, Trung tâm yêu cầu phải đóng thêm tiền “hành chính phí” 20.000 đồng/người/tháng với lý do để mua nước uống, trông xe, “tiền thầy”.

Hơn một tháng sau, nước uống không có, bảo vệ trông xe cũng “nghỉ” nên học viên đã thôi đóng tiền. Nhưng đến đầu năm 2007, bà Bình đã “truy thu” mỗi học viên 300.000 đồng với lời dọa “ai không nộp sẽ không được thi tốt nghiệp”.

Một cán bộ Tỉnh ủy Lạng Sơn tham gia khóa học bức xúc nói: “Không hiểu Trung tâm thu khoản tiền này để làm gì, hơn nữa chúng tôi đề nghị lập phiếu thu Trung tâm cũng không đáp ứng”.

Chưa hết, sau khi tốt nghiệp khoá học nhiều tháng, trường ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn không cấp bằng, hỏi ra mới biết vì Trung tâm chưa chuyển hết tiền học phí nên bị “giam” bằng.

Thực ra, qua tìm hiểu, số tiền trên đã được bà giám đốc chỉ đạo những người thân tín mang đi gửi ngân hàng. Cụ thể, ngày 8/12/2006 gửi 50 triệu đồng, ngày 21/12/2006 gửi 75 triệu đồng và chiều 20/4/2007 gửi 40 triệu đồng. Số tiền gửi tiết kiệm này, Hội đồng nhà trường không hề hay biết.

Trong việc sửa chữa “lớp học gốc đa” và tường rào tại Trung tâm (đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) với tổng dự toán là 123.290.111 đồng, Trung tâm “không cần” thông qua cơ quan chức năng thẩm định dự toán, một số hạng mục công trình có dự toán nhưng chưa được phê duyệt. Hợp đồng bên A chưa ký nhưng đã được thi công, đến nay các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thanh quyết toán...

Những sai phạm nối tiếp nhau của bà Giám đốc Nguyễn Thị Bình lần lượt bị phanh phui. Nay đã đến lúc cần phải làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm đó, lấy lại sự công bằng và niềm tin cho cán bộ, giáo viên tỉnh Lạng Sơn.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.