Lộn xộn khám sức khỏe: Dân biết nghe ai?

Trung tâm giám định y khoa Gia Lai.
Trung tâm giám định y khoa Gia Lai.
TP - Bà Phan Thị Lưu (sinh năm 1973, trú phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) đăng ký học bằng lái xe máy ở Trung tâm sát hạch và đào tạo lái xe Gia Lai lớp đầu năm 2016. Ngày 5/1, bà đến Trung tâm Giám định Y Khoa Gia Lai khám sức khỏe đóng lệ phí 86.000 đồng. Khám xong cầm giấy chứng nhận ghi “đủ sức khỏe lái xe hạng A1” đi nộp thì bị từ chối.

Cán bộ Trung tâm sát hạch và đào tạo lái xe Gia Lai (TTSH&ĐTLX) giải thích rằng, giấy chứng nhận sức khỏe mà bà Lưu vừa được cấp không còn giá trị theo quy định hiện hành. Vài ngày sau, bà Lưu quay lại Trung tâm Giám định Y Khoa Gia Lai (TTGĐYK) đề nghị cán bộ ở đây sao toàn bộ kết quả đã khám vào mẫu mới nhưng không được. “Họ nhất định yêu cầu tôi phải thực hiện khám lại hoàn toàn theo những tiêu chí trong mẫu mới và phải nộp đầy đủ lệ phí là 175.000 đồng. Tôi chỉ đồng ý nếu tính thêm phần tiền khám cận lâm sàng, chứ bắt đóng mới hoàn toàn thì tôi không chịu!”- bà Lưu bức xúc phản ánh.

Về vấn đề này, ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái-Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cho biết, ngày 21/8/2015, liên Bộ Y tế - Giao thông Vận tải ra Thông tư liên tịch số 24 quy định về “tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe”. Tuy thông tư này có hiệu lực thi hành vào ngày 10/10/2015, song vì các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn vẫn chưa được trang bị đầy đủ vật tư để áp dụng một số xét nghiệm theo mẫu mới, nên được phép thực hiện như cũ đến hết ngày 31/12/2015. Sau ngày này, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các TTSH&ĐTLX phải thực hiện đúng hướng dẫn của Thông tư số 24.

Tuy nhiên, cán bộ báo về vẫn thấy nhiều giấy khám sức khỏe của người dân được làm trên mẫu cũ. “Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, nếu ngành Y tế không thực hiện theo Thông tư số 24 thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan bộ chủ quản, sở không đủ thẩm quyền du di nữa”- ông Kiên nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc TTGĐYK xác nhận đã biết Thông tư 24 có hiệu lực thi hành vào ngày 10/10/2015. Do trung tâm chưa đủ vật tư tiến hành khám cận lâm sàng nên đến ngày 11/1/2016 mới có thể bắt đầu thực hiện. Về việc của bà Lưu, do trung tâm thực hiện chốt tài chính từng ngày nên giờ làm theo ý bà thì không hợp lý trong sổ sách kế toán. Vì vậy, bà Lưu phải thực hiện đóng lệ phí 175.000 đồng để khám lại theo mẫu mới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai lại cho biết, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 951 yêu cầu các cơ sở được phép khám sức khỏe lái xe phải hoàn thiện hồ sơ công bố gửi về Sở y tế trước ngày 1/1/2016. Theo ông Tuấn, TTGĐYK Gia Lai đã làm sai, bên cạnh đó còn tự gây khó khăn cho mình trong quá trình quản lý. Ngoài ra, không loại trừ khả năng, các cơ sở khám chữa bệnh cố tình làm việc này để gian lận về tài chính. Đến ngày 29/1/2016, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ công bố, Sở đã phê duyệt để các đơn vị này có thể khám sức khỏe theo quy định của Thông tư số 24.

“Mức phí khám sức khỏe lái xe đã ấn định là 175.000 đồng, người dân chỉ còn thiếu phần khám cận lâm sàng thì chỉ cần tính tiền thêm phần này. Không thể có chuyện đã làm sai rồi còn bắt dân phải chịu”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, đang có tình trạng môi giới mạo nhận nhân viên của các cơ sở khám chữa bệnh bán giấy khám sức khỏe giả. Có nơi vẫn còn tình trạng phân công một bác sĩ khám rất nhiều chuyên khoa hoặc không đúng theo phạm vi hoạt động chuyên môn đã ghi trong chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

MỚI - NÓNG