Luật Bồi thường nhà nước: Vừa đá bóng vừa thổi còi?

Câu chuyện căn cứ bồi thường cho án oán Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn gây tranh cãi. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Câu chuyện căn cứ bồi thường cho án oán Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn gây tranh cãi. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định cơ quan nào sai, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường trên cơ sở thương lượng giữa các bên mà không phải thông qua bên thứ ba. Với nội dung này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, chẳng khác nào nói cơ quan sai phạm vừa đá bóng vừa thổi còi.

Nhiều thủ tục gây khó

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, để một người dân được xem xét bồi thường, phải trải qua hàng loạt thủ tục chặt chẽ. Điều 4 của luật quy định, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Cũng ở văn bản này, điều kiện để được xem xét bồi thường phải thỏa mãn tiêu chí: “Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định là hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ” – Điều 16 của luật.

Với điều kiện quá khắt khe như trên, các chuyên gia pháp lý nhận định, trên thực tế, không đơn giản để một công dân có được văn bản xác định lỗi của cán bộ, khẳng định những người này vi phạm pháp luật. Hoặc nếu có, cũng phải mất một thời gian khá dài chờ đợi. “Để có trong tay văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, sẽ phải trải qua hàng loạt quy trình phức tạp, thậm chí là không khả thi bởi đây đó vẫn còn biểu hiện né trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền” – luật sư Nguyễn Tiến Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ.

Cũng tại Điều 56 của luật khẳng định, người tiến hành tố tụng chỉ phải bồi hoàn khi xác định đó là lỗi cố ý. Trong khi đó, thực tiễn khẳng định hầu hết những lỗi này là vô ý. “Nếu nói phải chủ ý phạm lỗi mới phải bồi thường, vậy trong hình sự, các tình huống vô ý do quá tự tin, vô ý cho cẩu thả trong nghiệp vụ quy định là thừa?” - luật sư Hằng Nga (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Cũng theo các chuyên gia pháp lý, văn bản nói trên chỉ tập trung xác định những thiệt hại vật chất, dễ chứng minh, còn vấn đề thiệt hại về tinh thần, các tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng. “Tôi lấy trường hợp án oan Nguyễn Thanh Chấn. Cơ quan cơ thẩm quyền đã phải bồi hoàn hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ sở bồi thường tập trung nhiều vào ngày công lao động, là những thiệt hại vật chất có thể cân đo, đong đếm. Còn yếu tố thiệt hại về tinh thần vẫn còn bỏ ngỏ” – luật sư Nga nói thêm.

Cần có trọng tài

Trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định cơ quan nào làm sai, có cán bộ mắc lỗi, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác bồi thường. Về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, có dấu hiệu “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi thiếu một cơ quan thứ ba, khách quan. “Bạn vừa mắc lỗi, rồi bạn lại đi xử lý và giải quyết lỗi đó. Vậy, ai dám đảm bảo sẽ có một phán xét khách quan ở đây? Liệu có tránh được hiện tượng bảo vệ nhân viên của mình, cơ quan mình?” – luật sư Toàn đưa ra giả thiết.

Luật sư Toàn cho rằng, dứt khoát phải có một cơ quan thứ ba, độc lập, khách quan trong quá trình xem xét trách nhiệm bồi thường. “Nên xây dựng một đơn vị chuyên trách giải quyết công tác bồi thường dưới dạng hai cấp trung ương và địa phương. Làm được điều này sẽ tránh hiện tượng đùn đẩy giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan có trách nhiệm bồi hoàn. Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ giúp người dân được thuận lợi trong quá trình yêu cầu khắc phục thiệt hại” – luật sư Toàn hiến kế.

Bổ sung quan điểm này, luật sư Nguyễn Tiến Trung đưa ra lập luận, về bản chất, việc bồi thường do người thi hành công vụ gây ra chính là chế định bồi thường ngoài hợp đồng, trên nguyên tắc dân sự tự nguyện. Nghĩa là, hai bên (cơ quan nhà nước và người bị thiệt hại) sẽ ngồi lại với nhau để thương thảo mức độ bồi thường và mang đậm dấu ấn một xã hội dân sự. Chính vì lẽ đó, để người dân được đảm bảo các quyền yêu cầu theo luật định, tránh bị “yếu thế” trong quá trình thương lượng, cần có một cơ quan thứ ba đứng ra, thay mặt đơn vị gây thiệt hại để thương thảo.

Đã có kế hoạch sửa luật

Ngày 19/2, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho hay, dù tuổi thọ của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa cao, song, trên thực tiễn, đây là văn bản liên quan đến nhiều đạo luật căn bản, trong khi đó, những đạo luật này (Bộ luật hình sự, dân sự, hành chính…) đã sửa đổi, chỉnh lý, do vậy bản thân Luật Trách nhiệm bồi thường không còn phù hợp ở nhiều nội dung. Vì những lẽ trên, phía Cục Bồi thường cùng bộ phận chuyên môn đã bắt đầu nghiên cứu, phân tích và tìm ra những bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước để chỉnh sửa. Dự kiến, sẽ sớm có dự thảo luật để trình cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG