Luật sư chỉ định, có như không?

Luật sư chỉ định, có như không?
TP - Chế định “luật sư chỉ định” được đánh giá mang tính nhân văn, nhân đạo đối với những trường hợp phạm tội hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều luật sư chỉ định dường như chỉ ngồi cho “đủ mâm đủ bát”, chất lượng bào chữa thấp.

> Cần sớm thay thế biện pháp tạm giam

Trong khi kiểm sát viên kết luận và đề xuất mức án cho bị cáo, vị nữ luật sư chỉ định phớt lờ, lấy điện thoại ra sử dụng
Trong khi kiểm sát viên kết luận và đề xuất mức án cho bị cáo, vị nữ luật sư chỉ định phớt lờ, lấy điện thoại ra sử dụng.

Không tranh luận, chỉ xin giảm nhẹ

“Kính thưa HĐXX, tôi là luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo... Về tội danh, tôi không tranh luận với truy tố của Viện kiểm sát trong cáo trạng, chỉ mong HĐXX xem xét đến các tình tiết, như phạm tội lần đầu; đã khắc phục một phần hậu quả; gia đình có công... để giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của tôi. Tôi xin cảm ơn HĐXX và vị kiểm sát viên đã lắng nghe”.

Đây là lời bào chữa gần như thành “công thức” được hầu hết các luật sư tham gia án chỉ định dùng trong các phiên toà hình sự.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, thực tế cho thấy các luật sư chỉ định hầu như không tham gia xét hỏi, tranh tụng qua loa và chỉ “chăm” đề nghị toà giảm án cho thân chủ bằng các tình tiết giảm nhẹ.

Nếu nếu không có luật sư, những tình tiết giảm nhẹ này cũng sẽ được công tố viên nhắc tới trong phần kết luận vụ án.

Phần tranh tụng được coi là một giai đoạn quan trọng góp phần làm sáng tỏ bản chất vụ án qua việc “đấu lý” giữa đại diện cơ quan công tố và luật sư, HĐXX sẽ căn cứ vào kết quả này để đưa ra mức án với từng bị cáo.

Tuy nhiên, giữa luật sư chỉ định và công tố viên hầu như rất ít thấy những trận “thi đấu” căng thẳng về luật học và những tình tiết pháp lý của vụ án.

Mới đây, trong một án giết người do TAND TP Hà Nội xét xử, một nữ luật sư được chỉ định bào chữa không xét hỏi bị cáo lấy một câu.

Đến khi vị kiểm sát viên kết luận, đề xuất mức án, luật sư này lại mang điện thoại ra, không rõ nhắn tin hay chơi game... Chứng kiến cảnh này, cánh phóng viên và không ít người dự toà cùng lắc đầu ngao ngán.

Thù lao hẻo, thời gian gấp

Thực tế cho thấy, cũng có nhiều luật sư thật sự tâm huyết với nghề dù là án chỉ định. Nhưng trong hầu hết các vụ án có sự tham gia của luật sư chỉ định, có thể thấy chất lượng bào chữa rất thấp. Thậm chí, nhiều luật sư miễn cưỡng tham gia vụ án theo yêu cầu của lãnh đạo Đoàn luật sư. Thực tế đáng buồn này bắt nguồn từ nhiều căn nguyên...

“Một vụ án thông thường, các luật sư thường nhận được hàng chục triệu đồng tiền thù lao, nhưng với các vụ án chỉ định tối đa chúng tôi nhận được không quá 300.000 đồng. Trong khi đó, phải chạy xuôi chạy ngược hết cơ quan này đến cơ quan khác, riêng tiền xăng xe cũng mất quá nửa thù lao, chưa kể phải làm cả tá thủ tục rườm rà với các cơ quan tố tụng” – luật sư Nguyễn Quang Tiến (Cty Luật Bảo Thiên, Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ.

Theo luật sư Tiến, hiện các luật sư chỉ định chỉ được trả thù lao 120.000 đồng/ ngày xét xử, đây là quy định được áp dụng từ năm 2007.Ở giai đoạn điều tra cũng như truy tố, các luật sư hầu như không được thanh toán thù lao.

Tiếp tục ý kiến về thù lao, một luật sư có thâm niên nói: “Giờ giá xăng dầu liên tục tăng, lương cũng tăng, mọi chi tiêu trong gia đình, ngoài xã hội đều tăng vọt, nhưng thù lao của chúng tôi thì vẫn giữ nguyên nhiều năm nay. Thử hỏi, luật sư hết mình sao được?”.

Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) bổ sung: “Nếu làm án chỉ định theo dạng trợ giúp pháp lý, chúng tôi còn “tươm” hơn chút khi được thanh toán 1,2 triệu đồng/vụ. Nhưng cũng phải nói cho rõ, đây là án có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, thường áp dụng cho toà cấp huyện”.

Ngoài chuyện thù lao hẻo, theo nhiều luật sư, một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng bào chữa chính là sự thiếu hợp tác từ các cơ quan tố tụng.

Với các án chỉ định, luật sư thường được tiếp cận hồ sơ khi đã kết thúc điều tra. “Rất khó cho chúng tôi trong việc gặp gỡ thân chủ trong quá trình điều tra, đặc biệt các án từ liên quan đến ma tuý. Và như vậy, chúng tôi thật tâm muốn giúp thân chủ cũng như cho chính cơ quan xét xử làm rõ bản chất vụ án cũng rất khó khăn” – luật sư Tiến tiếp lời.

“Cũng dễ hiểu khi các luật sư chỉ định thường dùng “luật im lặng” trong quá trình xét xử. Bởi họ thường không có thời gian nghiên cứu hồ sơ và không được tạo điều kiện để nghiên cứu hồ sơ. Nhiều vụ án chỉ định, luật sư chỉ được cung cấp bản cáo trạng trước ngày mở toà. Bởi thế, họ không dám nói nhiều vì sợ... hớ. Giải pháp an toàn chính là “đồng ý với cáo trạng, với quan điểm của kiểm sát viên” – luật sư Phạm Tùng nói.

Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự; b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG