Luật sư nói gì sau vụ kiện tranh chấp 'Tinh hoa Bắc bộ'?

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo.
Theo luật sư, vụ kiện là câu chuyện buồn trong công tác nghệ thuật khi những người đam mê với loại hình thực cảnh lại phải gặp nhau tại tòa. Vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhưng gốc của nó là tranh chấp hợp đồng giữa 2 bên.

Ngày 20/3, TAND TP Hà Nội ra phán quyết vụ kiện tranh chấp vở diễn Ngày xưa hay còn gọi Thuở ấy xứ Đoài giữa nguyên đơn Cty Tuần Châu Hà Nội và bị đơn Cty truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.

Theo bản án, 2 bên đã ký hợp đồng thỏa thuận việc DS sản xuất vở diễn thực cảnh Ngày xưa cho Tuần Châu Hà Nội khai thác. Vì vậy, người đứng tên, giữ quyền nhân thân cho vở diễn chỉ có thể là đạo diễn Việt Tú nhưng Tuần Châu Hà Nội mới được giữ quyền sở hữu tác phẩm.

Đánh giá vụ việc, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Cty Luật TAT Law Firm) – người đại diện cho Cty Tuần Châu Hà Nội cho rằng đây là câu chuyện buồn khi chủ đầu tư và đạo diễn đều là những người rất có đam mê với nghệ thuật nhưng phải gặp nhau tại tòa. Nữ luật sư đã có cuộc trao đổi với phóng viên:

Qua vụ kiện, bà có thể nêu quan điểm của mình về Tuần Châu cũng như đạo diễn Việt Tú?

Ở Việt Nam, gần như không có đại gia bất động sản nào chọn đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật bởi sự tốn kém, phức tạp và dễ gặp rủi do như ta thấy ở phiên tòa hiện nay. Riêng Tuần Châu Hà Nội đã bỏ ra diện tích đất lớn để theo đuổi nghệ thuật và có thể coi đây là đam mê, là “thú chơi” của họ bởi việc này rất ít lợi nhuận về mặt kinh doanh.

Ngược lại, cá nhân mình cũng rất tin Việt Tú không đến tòa vì tiền như anh ấy chia sẻ với báo chí. Anh Việt Tú là đạo diễn nổi tiếng nhưng có cá tính nghệ sĩ rất lớn và đây là một nguyên nhân khiến 2 bên không tìm được tiếng nói chung.

Ban đầu, phía mình đã nhiều lần gửi công văn đề nghị được làm việc với anh Tú nhưng anh ấy nói bận hoặc không nhận công văn. Do các bên không hợp tác với nhau nên mình buộc phải tư vấn cho Tuần Châu khởi kiện ra tòa nhằm nhiều mục đích trong đó tối thượng là đòi quyền sở hữu vở diễn Ngày xưa.

Một điều đặc biệt trong vụ án này là 2 bên cùng nhau xây dựng chương trình thực cảnh – một loại hình rất mới ở Việt Nam. Hiện nay, chương trình Tinh hoa Bắc Bộ đang nhận nhiều lời khen của công chúng và những nhà nghệ thuật, nhà văn hóa đều có đánh giá tích cực. Chính quyền địa phương cũng vui với dự án vì đã quảng bá văn hóa và giải quyết công ăn việc làm, đưa những nông dân làm diễn viên.

Luật sư nói gì sau vụ kiện tranh chấp 'Tinh hoa Bắc bộ'? ảnh 1

 Đạo diễn Việt Tú khẳng định không đến tòa vì tiền.

Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu, theo bà vụ kiện này có được coi là thắng lợi và phía Tuần Châu có kháng cáo?

Về hình thức, chúng tôi đánh giá Tuần Châu đã giành lợi thế. Ngay tại tòa, trước những chứng cứ và căn cứ pháp luật, tòa đã tuyên Cty DS phải trả vở diễn cho Tuần Châu nên chủ đích ban đầu đã đạt được.

Nhiều người không hiểu bản chất vụ kiện, thậm chí có ý kiến cho rằng một “ông lớn” doanh nghiệp đang kiện một đạo diễn yếu thế nhưng đây đơn thuần là vụ tranh chấp hợp đồng giữa 2 bên, Tuần Châu Hà Nội không muốn và không thể tranh chấp quyền nhân thân với Việt Tú. Tuy vậy, Tuần Châu bỏ tiền ra thuê, mua vở diễn của Việt Tú nên phải được quyền sở hữu như tòa đã tuyên.

Đương nhiên, có nhiều tình huống đan xen khác nhau nhưng vụ việc đã đi theo đúng nhận định của tôi về dư luận, luật pháp… Bản án có thể đã làm hài lòng một số người nhưng không đồng nghĩa với 1 trong số các bên sẽ dừng lại ở đây. Chúng tôi sẽ tham vấn Tuần Châu Hà Nội việc ứng xử ra sao sau phiên sơ thẩm này và có quyết định trong 15 ngày theo thời hạn luật định.

Chúng tôi đánh giá hồ sơ vụ việc không phức tạp, đơn thuần là 2 bên tranh chấp nhau trên cơ sở hợp đồng đã ký nhưng không thể nói chuyện với nhau. Vụ việc phức tạp ở những thứ bên ngoài hồ sơ, ở việc một bên là doanh nghiệp rất lớn, một bên cũng là đạo diễn nổi tiếng và các bên đều có ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông.

Bà có thể giải thích tại sao Việt Tú sáng tác vở diễn nhưng Tuần Châu Hà Nội lại có quyền sở hữu? Ngoài ra, đạo diễn Việt Tú cũng có bằng chứng việc đề nghị Tuần Châu cùng đăng ký sở hữu?

Căn cứ hợp đồng đã ký và các quy định của pháp luật, Việt Tú nhận tiền để xây dựng vở diễn cho Tuần Châu biểu diễn, khai thác nên đương nhiên Tuần Châu có quyền sở hữu. Đây là quyền tài sản, được hiến pháp quy định và không thể nói anh mượn, cầm tài sản của người khác rồi gọi nhưng người đó chưa đến lấy nên tài sản đó là của anh.

Các luật sư cũng lấy ví dụ tại tòa về việc chiếc điện thoại, tôi đã bỏ tiền ra mua Iphone nên quyền sở hữu là của tôi, không ai có thể xâm phạm. Thậm chí Apple có quyền sở hữu công nghiệp trong sản phẩm nhưng Apple đến đây cũng không thể đòi điện thoại của tôi.

Việc tòa tuyên anh Tú đi đăng ký tác quyền có một phần lỗi của Tuần Châu là nhận định của tòa, chúng tôi không bình luận quan điểm đó nhưng chắc chắn không đồng ý. Ở đây, anh đạo diễn đã bê tài sản về nhà anh ấy và tòa cho rằng Tuần Châu có lỗi lơ là trông coi. Ngoài ra, Cty DS cũng không chuyên nghiệp khi gửi mail yêu cầu cùng đăng ký cho cá nhân, không gửi cho doanh nghiệp hoặc người được chỉ định trong hợp đồng.

Bà đánh giá thế nào việc Hội đồng xét xử tuyên vở Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa hay Thuở ấy xứ Đoài?

Chúng tôi không hiểu tại sao tòa đưa nhận định trên vào bản án bởi nội dung này sẽ được giải quyết tại một vụ kiện khác. Ban đầu, chúng tôi đề nghị gộp các nội dung vào một vụ để giải quyết cho triệt để và không được đồng ý nhưng trong nội dung vụ tranh chấp hợp đồng này, tòa án lại đưa ra.

Phải hiểu đây là một vụ việc xuất phát từ tranh chấp hợp đồng. Đương nhiên trong một vụ án có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhưng chúng ta cần xác định đâu là quan hệ gốc. Việc Tinh hoa Bắc Bộ có phải phái sinh hay không hoàn toàn không ảnh hưởng tới tranh chấp hiện nay giữa Tuần Châu và Việt Tú.

Quá trình giải quyết vụ án, chúng tôi cũng khảo sát và thấy 2 vở diễn rất khác biệt, chỉ giống nhau địa điểm thuộc Tuần Châu Hà Nội. Về tổng thể, các vở diễn này đã có trong đề án kinh doanh được thành phố phê duyệt trước đó rất lâu, ghi rõ là thực cảnh ngoài trời.

Phía Tuần Châu đã xây dựng sân khấu, mua may trang phục, thuê kỹ sư tự động hóa thiết kế thủy đình… nên “phần cứng” là của Tuần Châu. Đạo diễn Việt Tú chỉ có “phần mềm” và “phần mềm” của 2 vở diễn đang tranh cãi cũng khác nhau.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo tốt nghiệp Thạc sỹ Luật Kinh doanh quốc tế - Đại học Pantheon Assas (Paris II) nước Pháp. Luật sư Phương Thảo từng là Luật sư trưởng của Tổng Cty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, Trưởng bộ phận pháp chế Tổng Cty CP dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO). Bà Thảo cũng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học ở TP.HCM. Từ 2016, luật sư Phương Thảo đầu quân cho Cty Luật TAT Law firm. Luật sư Phương Thảo thông thạo 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức và có chuyên môn tốt về Tư vấn doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm; Tư vấn pháp chế doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp thương mại. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.