Luật trẻ em có hiệu lực: Không được tự ý đưa ảnh trẻ em lên mạng

Những hình ảnh hoạt động vui chơi công cộng của trẻ vẫn có thể được chia sẻ. Ảnh minh họa: Thanh Hà.
Những hình ảnh hoạt động vui chơi công cộng của trẻ vẫn có thể được chia sẻ. Ảnh minh họa: Thanh Hà.
TP - Từ ngày hôm nay, 1/6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực và có nhiều điểm mới nhằm bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.

Tiết lộ thông tin của trẻ từ đủ 7 tuổi, phải hỏi ý kiến trẻ

Luật Trẻ em đã quy định rất rõ quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;…

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Trẻ em nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em và trong đó có rất nhiều quy định được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời điểm hiện nay. Đây là sự cần thiết để trẻ em được bảo vệ một cách toàn diện trước việc nguy cơ bị xâm phạm về uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng như đời sống riêng tư.

“Một số điểm đáng chú ý trong Luật Trẻ em là quy định cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do vậy, nếu các bậc phụ huynh hoặc ai đó đăng hình ảnh, thông tin cá nhân, kết quả học tập của trẻ lên mạng xã hội hoặc phương tiện thông tin đại chúng thì phải có sự xin phép tức là có sự đồng ý của trẻ. Nếu tự ý làm việc này mà trẻ không đồng ý thì có thể phải hầu tòa hay đối mặt với việc bị khởi kiện về hành vi xâm phạm đời tư của trẻ” – luật sư Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn Anh cho rằng, câu chuyện bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em không phải là mới và đây không phải lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Trẻ em. Trong Hiến pháp và Luật Dân sự đã quy định rất rõ mọi công dân được pháp luật bảo vệ, bảo hộ về quyền đối với hình ảnh và thông tin cá nhân. Như vậy, Luật Trẻ em chỉ cụ thể hóa cho đối tượng là trẻ em và trẻ em sẽ được bảo vệ như thế nào.

“Nếu trong trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi, bị người khác chụp ảnh đăng lên mạng xã hội như facebook mà không có sự đồng ý của trẻ thì cá nhân trẻ làm cách nào để bảo vệ được mình. Trẻ em cũng không thể đi gửi đơn đến tòa án để yêu cầu gỡ hình ảnh đó được, bởi trẻ dưới 16 tuổi không được là chủ đơn khởi kiện và tòa án sẽ không thụ lý. Trong trường hợp này thì bố mẹ chính là người giám hộ của trẻ và sẽ làm điều đó thay trẻ” - luật sư Tuấn Anh nói.

Cha mẹ cần thay đổi nhận thức để bảo vệ trẻ

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, để có thể phổ biến được rộng rãi Luật Trẻ em khi có hiệu lực thì truyền thông cần phải đi đầu để tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ. “Thông thường họ chỉ thay đổi khi đã xảy ra sự việc làm nguy hại đến chính con em của mình giống như việc “mất bò mới lo làm chuồng”, trong khi đó trẻ em có thể chưa nhận thức được đó là quyền của mình và phản kháng lại các hành vi xâm phạm, gây nguy hiểm” - chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra ví dụ, khi cha mẹ chụp những bức ảnh con lúc 5 tuổi không mặc quần áo đưa lên mạng xã hội như facebook thực chất, những hình ảnh không đẹp này được bố mẹ đăng tải trên mạng mang tính chất trêu đùa cho mọi người bấm like và rồi đến lúc lớn lên vẫn còn ở trên mạng, bạn bè nhìn thấy sẽ cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, những hình ảnh gia đình đầm ấm quây quần ăn cơm đoàn kết thì hoàn toàn có thể đăng tải chia sẻ lên mạng.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Trẻ em có hiệu lực quy định rõ về các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó đề cập cụ thể vấn đề bảo vệ quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ.

“Trong Luật Trẻ em cũng quy định rõ mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục”- ông Nam nói.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, khi trẻ bị xâm hại thì cha mẹ hay người chăm sóc trẻ phải mạnh dạn tố cáo, biết cách tố cáo và phải biết tố cáo đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ để đưa vụ việc ra pháp luật mà vẫn không làm tổn thương trẻ, đảm bảo quyền của trẻ em được thực thi một cách cụ thể.

MỚI - NÓNG