Công bố bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

'Lượng hóa' hành vi quấy rối tình dục

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa
TP - Ngày 25/5, Bộ LĐ-TB&XH công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc. Bộ quy tắc chỉ rõ khái niệm, hình thức, biểu hiện của QRTD giúp người lao động (NLĐ) nhận biết, phòng tránh để tự bảo vệ mình.

Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng, ký kết với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

“Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của cả nam và nữ. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu”.

Khái niệm quấy rối tình dục trong Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Bộ luật Lao động 2012 quy định hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi QRTD. Từ đó khiến việc phòng chống, xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

“Trong bối cảnh đó, Bộ quy tắc đưa ra hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và NLĐ về thế nào là QRTD tại nơi làm việc; làm thế nào để phòng ngừa hành vi này và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi này diễn ra. Từ đó, xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống QRTD. Đồng thời phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất, chất lượng cao”, ông Huân cho biết.

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), các hành vi QRTD chưa đến mức nghiêm trọng không bị xử lý hình sự, nhưng cần phải lên án, ngăn chặn. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có quy định thái độ văn minh, lịch sự đối với nhân dân, với đồng nghiệp. Nhưng với doanh nghiệp (DN) chưa có văn bản quy định cụ thể, thiếu các tài liệu định hướng.

“Việc xây dựng Bộ quy tắc là cơ sở để DN và NLĐ cùng xây dựng, cam kết phòng chống các hành vi QRTD. NLĐ rất mong muốn có quy định để không bị quấy rầy để môi trường làm việc lành mạnh”, ông Bốn nói.

Bộ quy tắc cũng đưa ra tiêu chí cho những hành vi không bị coi là QRTD để khuyến khích quan hệ trợ giúp, giao lưu tình cảm giữa đồng nghiệp với nhau. DN cũng cần phổ biến, giới thiệu, tập huấn đầy đủ, chi tiết, đưa ra các ví dụ cụ thể nhận diện đúng hành vi QRTD, để xử lý được đúng người, đúng hành vi.

Người lao động hào hứng

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Mai Thị Diệu Huyền, Trưởng phòng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) cho biết, trong quá trình chuẩn bị dự thảo ban hành bộ quy tắc, VCCI đã thực hiện dự án thí điểm tại 24 DN trên cả nước.

“DN và NLĐ đánh giá rất cao bộ quy tắc này. NLĐ hào hứng vì được tiếp cận những điểm mới, nhìn nhận được các hành vi mình từng bị xâm phạm nhưng không biết đó là QRTD. Từ đó giúp NLĐ tự bảo vệ mình tốt hơn”, bà Huyền nói.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam, việc công bố Bộ quy tắc là bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.

“QRTD không chỉ gây căng thẳng về cảm xúc và thể chất của nạn nhân, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, mà còn làm giảm năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. ILO sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên con đường hoàn thiện những lỗ hổng pháp luật trong việc giải quyết vấn đề nhạy cảm tại nơi làm việc, vì lợi ích của cả NLĐ và DN”, ông Gyorgy Sziraczki nói.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ LĐ-TB&XH phấn đấu cuối năm 2016 sẽ nghiên cứu ban hành thông tư liên quan với các tiêu chí QRTD. Dự kiến trong năm 2017 đưa một số nội dung QRTD cụ thể trình Chính phủ ban hành trong phần bổ sung của “Nghị định 95 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc

- Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

- Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan đến tình dục.

(trích Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc)

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.