'Ma nữ' miền sơn cước xáo động núi rừng

'Ma nữ' miền sơn cước xáo động núi rừng
Hàng chục phụ nữ, kể cả đã có chồng, con, lần lượt bỏ nhà theo một phụ nữ không quen biết... Trong khi đó, cơ quan chức năng “chạy long sòng sọc” truy tìm người phụ nữ bí ẩn ấy.

'Ma nữ' miền sơn cước xáo động núi rừng

Hàng chục phụ nữ, kể cả đã có chồng, con, lần lượt bỏ nhà theo một phụ nữ không quen biết... Trong khi đó, cơ quan chức năng “chạy long sòng sọc” truy tìm người phụ nữ bí ẩn ấy.

Người nhà nạn nhân Lò Thị Doan ở xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La (bị Lò Thị Bé lừa bán)mỏi mòn mong ngóng tin Doan
Người nhà nạn nhân Lò Thị Doan ở xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La (bị Lò Thị Bé lừa bán)mỏi mòn mong ngóng tin Doan.

Ma giăng bẫy - quỷ đưa đường...

Đặt tờ đơn trình báo của ông Thào Su Nếnh (bản Mai Châu, xã Mường Bằng, Mai Sơn, Sơn La) lên trên cùng tập hồ sơ dày cộp, Trung tá Phạm Thế Mạnh - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra hình sự, Công an huyện Mai Sơn nén tiếng thở dài:

Vậy là lại thêm một phụ nữ nữa mắc vào bẫy của bọn buôn người. Nạn nhân lần này là Thào Thị Día, con gái ông Nếnh, 22 tuổi, bỏ nhà đi từ ngày 27-3. Nội dung đơn chẳng có chút thông tin nào về chuyến đi cũng như người tới rủ rê Día. Liệu đây có cùng một đường dây lừa đảo, buôn người mà lâu nay Công an Mai Sơn vẫn đang nghi vấn, điều tra; hay lại có một đường dây khác ?

Sự nghi vấn của người sĩ quan điều tra này hoàn toàn có cơ sở, bởi mấy năm qua, trên địa bàn Mai Sơn và các vùng lân cận đã xảy ra hàng chục vụ phụ nữ mất tích, nhưng chí ít ra các vụ ấy còn có chút thông tin là họ đi cùng hoặc đi làm thuê cho một phụ nữ dân tộc Thái, trạc 40 tuổi, rồi bặt vô âm tín.

Một số ít người sau hàng năm trời mất tích, không biết bằng cách nào chợt gọi được điện thoại về nhà nhưng cũng không biết mình đang ở đâu trên đất nước Trung Quốc, thậm chí còn không biết cả tên người vừa mua mình về làm vợ là gì. Chỉ biết rằng mình vừa được người bạn đường bán lại cho một người đàn ông ngoại quốc và mình có trách nhiệm phục vụ người đàn ông đó nếu muốn tồn tại. Cũng có những người may mắn thoát được địa ngục gia đình xuyên lục địa ấy trở về Việt Nam, khi được hỏi sao lại đi theo người lạ, họ đều lắc đầu: Như có ma dẫn lối.

Lưới trời lồng lộng

Những tưởng chẳng thể lần ra thủ phạm gây ra hàng chục vụ phụ nữ mất tích và hồ sơ nghi vấn về đối tượng Lò Thị Bó của Công an huyện Mai Sơn cứ dày lên hàng ngày, nhưng chẳng thể nào tiếp cận đối tượng.

"Phá án nhiều khi phải có cơ hội mới thực hiện được và cơ hội ấy đến với chúng tôi thật bất ngờ" - Trung tá Phạm Thế Mạnh tâm sự.

Tối 31-8, trước một ngày diễn ra phiên chợ tình Châu Mộc (Mộc Châu, Sơn La), tại phòng họp của Công an huyện Mai Sơn (cách Mộc Châu 90km), Ban chuyên án về nghi can Lò Thị Bó đang cùng nhau trao đổi về phương thức lần tìm dấu vết thủ phạm.

Cuối cùng tất cả đều đi đến nhận định: Trong dịp lễ hội - chợ tình Châu Mộc, thủ phạm sẽ xuất hiện và phải nhanh chóng phối hợp với các đơn vị bạn để giăng bẫy. Nhưng một loạt câu hỏi lại được đặt ra: Liệu thủ phạm có phải là Lò Thị Bó hay là ai khác? Họ đi lẻ hay đi cả toán? Cách nhận ra họ thế nào? Tiếp cận và tạm giữ bằng cớ gì?...

Đang đau đầu với những nhận định, phỏng đoán, dự kế thì chuông điện thoại của Trưởng Công an huyện Mai Sơn Vì Mạnh Đạt đổ chuông. Từ đầu dây bên kia, Công an huyện Mộc Châu cho biết đang tạm giữ 2 người, 1 nam, 1 nữ vì có nhiều biểu hiện nghi vấn tại khu du lịch chợ tình Đông Sang.

Họ không có giấy tờ tuỳ thân, khai là cư trú tại huyện Mai Sơn nhưng không chính xác về tên xã, bản. Qua thông tin ban đầu về nhận dạng, cả Ban chuyên án ồ lên: Đúng là Lò Thị Bó rồi! Nhưng hỏi lại thì đối tượng khai tên là Lò Thị Hạnh, còn người đi cùng là con trai Hạnh, sinh năm 1993.

Vậy là tất cả cụt hứng bởi ai cũng nghĩ nếu là Bó và đi gây án thì chẳng bao giờ mang theo con trai cho vướng chân.

Nhưng một tia hy vọng vẫn loé lên trong đầu Trưởng Công an huyện Vì Mạnh Đạt: Biết đâu, có thể con mồi mang theo con trai để đánh lạc hướng nghi vấn, lợi dụng con trai làm mồi nhử những phụ nữ nhẹ dạ và khai bậy tên tuổi để trốn lưới điều tra...

Nửa tin, nửa ngờ nhưng chỉ sau 5 phút chuẩn bị, đúng 21 giờ, chiếc U Oát cũ kỹ của Công an Mai Sơn bật đèn pha sáng quắc xuyên qua lớp mưa bụi và sương mù dày đặc, hướng về Công an huyện Mộc Châu. Trên xe, mọi người lại trao đổi sôi nổi về nghi can Lò Thị Bó, quên đi cái lạnh khắc nghiệt của miền thảo nguyên Châu Mộc.

Bước vào Công an huyện Mộc Châu, Trung tá Mạnh giật mình khi nhận ra gương mặt quen quen của người phụ nữ đang trong phòng tạm giữ. Sau mấy giây định thần, kiểm định lại trong đầu những hình ảnh, chi tiết, sự việc của chuyên án cùng đối tượng nghi vấn, anh tiến thẳng đến bên người phụ nữ, cất tiếng chào: "Chào chị Bó!".

Bó giật mình, ngẩng mặt lên và lập tức cúi gằm ngay xuống. Bó cũng không ngờ được nhân vật điều tra viên lừng danh của Công an huyện Mai Sơn mà mình lẩn trốn bấy lâu lại xuất hiện trong tình huống "chết chắc" này.

Vậy là ván bài giấu tên đã bị lật tẩy, Bó ngoan ngoãn cùng con trai về trụ sở Công an huyện. Nhưng trong đầu ma nữ cáo già này cũng nảy sinh những ý nghĩ chống đối điên cuồng mới hòng che giấu những hành vi phạm tội của mình.

Lộ diện tội ác...

Nhìn tập hồ sơ dày tới cả gang tay trên bàn, Trung tá Mạnh trầm tư: Phải thừa nhận, tuy mới học lớp 3, lại là người dân tộc thiểu số vùng cao, nhưng Bó là một cao thủ buôn người.

Bởi thế, dù đã từng trực tiếp tham gia bắt giữ, điều tra, thụ lý vụ án tàng trữ trái phép chất ma tuý với đối tượng Lò Thị Bó từ năm 2002; dù vẫn nghi Bó là đối tượng chính của đường dây lừa đảo - buôn bán phụ nữ trên địa bàn những năm qua, nhưng tôi cũng không ngờ Bó tinh ma đến mức ấy.

Đấu tranh với Bó, Công an Mai Sơn chỉ thu được những thông tin đơn giản: Bó không biết chữ; người đi cùng Bó hôm nay là con trai của Bó. Vì lấy chồng bất hợp pháp ở Trung Quốc từ lâu nên khi bị Công an Mộc Châu tạm giữ, Bó phải khai tên giả...

Với những thông tin ấy thì Công an Mai Sơn đã có từ gần chục năm trước và Bó đã lĩnh án tù vì tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Nhưng còn tội buôn người thì quả là khó tìm chứng cứ đấu tranh.

Lò Thị Bó, sinh năm 1970 tại bản Khau Lay, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La. Tháng 6-2002, Bó bị xử 2 năm tù về tội tàng trữ chất ma tuý.

Hết án, Bó trốn sang Trung Quốc và lấy chồng bên đó. Không chịu làm ăn, Bó bàn với chồng để cùng thực hiện hàng chục vụ buôn bán người ở Sơn La, trong đó có cả những phụ nữ đã có chồng, đang nuôi con nhỏ hay trẻ dưới 15 tuổi...

Để những người bị lừa dễ mắc bẫy, Bó còn giả làm đại gia đi thuê người lao động với giá cao, Bó viết hợp đồng lao động hẳn hoi, ký tên đàng hoàng với nhiều "quý danh" và địa chỉ khác nhau.

"Chúng tôi huy động hết lực lượng vào việc rà soát ở cơ sở để nắm thông tin về nạn nhân buôn người. Thật may là nhiều bà con khi có người thân mất tích hoặc đã trở về đều không khai báo chính quyền nhưng khi công an hỏi đến thì họ hợp tác rất tốt".

Một phụ nữ dân tộc Thái đã được đưa đến để đối chất với Bó - đó là người đã nghe lời Bó mà lừa bán cả chị dâu mình. Lúc đầu Bó khăng khăng không thừa nhận quen biết người phụ nữ này nhưng sau cả tiếng đồng hồ đối chất, trao đổi bằng tiếng dân tộc, Bó đã lộ diện vì một câu nói hớ: Tuy làm giá mua người chị dâu ấy 1,5 triệu đồng, nhưng Bó mới trả có 1 triệu, còn nợ 500 nghìn đồng vì hôm ấy hết tiền. Vậy là nút thắt của vụ án bắt đầu được cởi, Bó đành cúi đầu nhận tội.

Trung tá Mạnh gấp tập hồ sơ vụ án Lò Thị Bó, sau vài phút trầm tư, anh bảo:

Sau gần chục ngày đấu tranh với tội phạm, chúng tôi đã tạm yên tâm vì những vụ mất tích người bí ẩn trên địa bàn đang hé lộ, thủ phạm của hầu hết những vụ ấy đã có người nhận tội - đó chính là Lò Thị Bó. Vụ án này sẽ trực tiếp góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm buôn người trên địa bàn, nhất là với bà con các dân tộc thiểu số.

Tới đây Bó sẽ ra toà lĩnh tội nhưng chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành vào cuộc tuyên truyền về hoạt động phòng, chống tội phạm buôn người một cách quyết liệt hơn. Bởi ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này, "đuổi theo" tội phạm là việc làm hết sức nguy hiểm, gian nan.

Theo Kiều Thiện
Dân Việt

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.