Mã số công dân: Không chồng chéo

Mã số công dân: Không chồng chéo
TP - Các bộ, ngành cần nhanh chóng thống nhất về quản lý dân cư, hạn chế sai lệch thông tin giữa các cơ sở dữ liệu, giảm giấy tờ công dân phải xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)...

> Bao giờ có chung cơ sở dữ liệu?
> Mã số công dân: Vì dân hay vì cơ quan quản lý?

Mã số công dân: Không chồng chéo ảnh 1

Đó là ý kiến của phần lớn các đại biểu tại Hội thảo về dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (gọi tắt là Đề án), do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức hôm qua (26/3).

Không xây dựng cơ sở dữ liệu mới

Giới thiệu về nội dung dự thảo Đề án, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp), cho biết được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho việc “số hóa”, “điện tử hoá” các thông tin của công dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Đề án đặt mục tiêu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí thực hiện TTHC cho người dân. Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ công dân đều có số định danh cá nhân.

Trước một số ý kiến lo ngại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm lộ bí mật cá nhân, vi phạm đời tư công dân, ông Phan khẳng định, bảo mật là một yêu cầu nghiêm ngặt được đặt ra khi xây dựng Đề án. Mỗi công dân sẽ có một mật khẩu để truy cập cơ sở dữ liệu của mình. Mỗi bộ, ngành, cổng truy cập sẽ được thiết kế bộ lọc để tách ra một lượng thông tin đủ dùng.

Nhận xét về việc cấp mới CMND của Bộ Công an, ông Phan cho biết, kho số định danh cá nhân (12 số) của Bộ này đang quản lý thể hiện được một số điểm ưu việt như mỗi công dân chỉ có một số duy nhất, không trùng lặp, ổn định lâu dài.

“Do đó, dự thảo Đề án đã xác định số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân chính là số CMND mới mà Bộ Công an đang thí điểm cấp cho công dân tại 3 quận huyện của Hà Nội”- ông Phan nói.

Đại diện Bộ Công an, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lo ngại dự thảo Đề án của Bộ Tư pháp chồng chéo với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đại tá Dung cho rằng, dự thảo Đề án sẽ thiếu tính khả thi và ít có tác dụng trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, Cục trưởng Ngô Hải Phan khẳng định: Đề án không xây dựng cơ sở dữ liệu mới, mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo hướng chỉ tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân.

Dự thảo Đề án sẽ bảo đảm tính cập nhật thông tin và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin để các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng. Do đó, khi thực hiện Đề án sẽ không có chuyện chồng chéo hay lãng phí.

Tiết kiệm hơn 1.600 tỷ đồng/năm

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, trong gần 1.300 TTHC thì có 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp thông tin về công dân. Nếu việc vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân ước tính khoảng 198 tỷ đồng/năm.

Trong gần 1.300 thủ tục hành chính thì có 724 TTHC yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một/một số giấy tờ (giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, CMND/hộ chiếu...).

Nếu vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí cho việc này khoảng 1.445 tỷ đồng/năm. Như vậy, tổng chi phí tiết kiệm cho công dân khoảng 1.643 tỷ đồng/năm.

Trước một số khó khăn như phải sửa 608 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, củng cố đội ngũ cán bộ hộ tịch, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho rằng, cần có sự chỉ đạo tập trung của Thủ tướng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt giữa 2 ngành Công an - Tư pháp, thì Đề án hoàn toàn khả thi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG