Mang 2 án tử hình vẫn còn nhiều cô gái lưu luyến

Mang 2 án tử hình vẫn còn nhiều cô gái lưu luyến
Từ ngày Thơ, một tử tù trong vụ án Trịnh Nguyên Thuỷ bị bắt, nhiều cô đến thăm anh ta lắm. Vợ bé là người đến thăm anh ta nhiều nhất. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất thấy Thơ khóc là ngày cô vợ bé mang đứa con riêng lên thăm.
Mang 2 án tử hình vẫn còn nhiều cô gái lưu luyến ảnh 1
Hai tử tù Phạm Khắc Hùng và Phạm Xuân Thơ. Ảnh : CAND

Tiếng mở cửa khu biệt giam dành riêng cho phạm nhân án tử hình, án chung thân vang lên sắc lạnh giữa cái nắng chói chang đổ dài lên Trại tạm giam của Công an tỉnh Sơn La.

Ngồi trong phòng của Đội trưởng Đội quản giáo Phạm Bá Duy, chúng tôi vẫn nghe rất rõ tiếng dép lê kéo dài dọc hành lang hun hút của 2 phạm nhân Phạm Xuân Thơ, 36 tuổi, trú ở phường Chiềng Lề, thị xã Sơn La và Phạm Khắc Hùng, 28 tuổi, trú ở tiểu khu 2, thị trấn Mường San, huyện Mộc Châu.

Đây là 2 trong số hơn 20 bị cáo là người Sơn La trong vụ án Trịnh Nguyên Thủy, Lê Xuân Tình cùng đồng bọn sản xuất, mua bán, tàng trữ ma túy bị kết nhiều án tử hình nhất..

Vẫn còn nhiều cô gái lưu luyến...

Nắng tháng 5 ở Sơn La không gay gắt lắm nhưng nó cũng đủ làm cho phạm nhân Phạm Xuân Thơ phải nhướng đôi mắt lâu ngày không được tia cực tím của mặt trời "nhòm ngó" để nói chuyện với chúng tôi dù đang ngồi trong phòng. Đây là lần đầu tiên Thơ được ra khỏi buồng giam trong tư thế thoải mái với áo quần chỉnh tề như vậy kể từ khi vụ án được xét xử sơ thẩm ở Sơn La.

Thượng uý Phạm Bá Duy hiểu rõ tính nết của Thơ bởi anh ta vào Trại tạm giam này từ năm 2005. Do vậy, khi biết sự đồng ý của Ban giám đốc Công an tỉnh và Ban Giám thị cho phép chúng tôi được tiếp xúc với 2 tử tù, Quản giáo đã mang nước vào để Thơ và Hùng tắm, gội đầu, sau đó dẫn Thơ ra gặp chúng tôi mà không cần phải kèm cặp sát sao như nhiều tử tù khác.

Thơ lặng lẽ nhìn chúng tôi, cái nhìn của người rất lâu không thấy người lạ, không thấy cuộc sống náo động phía ngoài song sắt. Câu đầu tiên anh ta bật nói với chúng tôi nghe thật đắng lòng: "Em bị ba án, 2 án xử tử hình rồi, còn một án phúc thẩm nữa".

Da trắng, mắt nhỏ, cằm nhọn, khuôn mặt gờn gợn, nhưng trong trại Thơ được xếp vào hàng có án cao nhưng chấp hành hình phạt tương đối tốt. Trước khi bị bắt, Thơ là con nghiện nặng, tuy vào trại được 2 năm, Thơ đã cai được nghiện, nhưng nhìn anh ta thì dấu tích của người nghiện còn hiển hiện.

Suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi Thơ tỏ ra rất bình tĩnh. Vẻ thản nhiên đón nhận bản án tử hình sắp tới khiến chúng tôi rùng mình về một thời ngang dọc mà anh ta oanh tạc trên các tuyến đường Tây Bắc, Đông Bắc để rải ma tuý.

Tháng 6/2004, khi đàn chị Vũ Thị Huệ đưa tiền cho Thơ mua hộ 5 bánh heroin, nhưng khi gặp đối tượng giao hàng, thấy không phải 5 bánh mà là 20 bánh, Thơ nổi lòng tham đã qua mặt Huệ mua lại 15 bánh để bán riêng kiếm lời. Sau đó Thơ bắt mối với vợ chồng Nguyễn Thị Hồng, Vũ Văn Hải (Nam Định) để tiêu thụ. Nhưng tội ác thì dù cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra…

Anh ta khoe: "Trước khi vào đây em béo và bảnh lắm. Giờ sút hơn 10kg rồi". Lý do sụt lượng cân lớn của Thơ là những đêm dài mất ngủ vì lo lắng, vì ân hận giày vò, vì thương nhất 3 đứa con…

Anh Duy kể, từ ngày Thơ bị bắt, nhiều cô đến thăm anh ta lắm. Vợ bé là người đến thăm anh ta nhiều nhất, mỗi lần đều tỏ ra lưu luyến. Quản giáo ở đây chứng kiến lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất thấy Thơ khóc là ngày cô vợ bé mang đứa con riêng lên thăm. Hắn ôm 2 mẹ con và cứ thế khóc. Nhưng khi về đến buồng giam, Thơ tỉnh táo khác thường.

Vợ cả của Thơ là Đặng Thị Thuý, quê ở Đông Triều, Quảng Ninh sinh cho anh ta được 2 đứa con rồi đi xuất khẩu lao động từ khi Thơ còn bần hàn. Khi trở thành ông trùm buôn ma tuý, anh ta sắm xe hơi, ăn tiêu chơi bời xa hoa.

Thơ quen và yêu nhiều cô gái trẻ đẹp nhưng chung thuỷ nhất với Vũ Thị Hương vì có con riêng. Trong thời gian chờ ly hôn với chị Thuý để cưới Hương thì Thơ bị bắt.

Phút ngông cuồng tuổi trẻ phải trả giá đắt

Là đối tượng trẻ nhất trong đường dây ma tuý tầm cỡ này, Phạm Khắc Hùng có nước da trắng trông rất thư sinh. Khác với vẻ bình thản của Thơ, Hùng khá bối rối khi trò chuyện với chúng tôi. Giọng nói run, điệu bộ run… trông Hùng cứ tồi tội.

Quả thực, lần đầu gặp Hùng, chúng tôi không thể hình dung và tưởng tượng nổi, một con người trông hiền lành và có vẻ nhút nhát thế kia lại là kẻ "to gan" với mỗi chuyến vận chuyển, mua bán từ 4 đến 20 bánh heroin đi khắp các tỉnh phía Bắc.

Trước khi phạm tội, Hùng là một thanh niên hiền lành ở miền sơn cước. Làm công nhân ở Nhà máy gạch Mộc Châu, mỗi tháng Hùng kiếm được 400-500 nghìn đồng. Cuộc sống khó khăn nhưng tràn trề hạnh phúc. Thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền, Hùng bỏ việc xuống Hà Nội học nghề sửa chữa ôtô. Tại đây anh ta quen và yêu chị Lê Thị Tươi, cô gái ở Quảng Xương, Thanh Hoá ra Hà Nội làm nghề cắt tóc, gội đầu. Họ cưới nhau và về Mộc Châu sinh sống.

Cuộc sống nghèo khó đã cuốn Hùng sa vào vũng bùn của tội ác. Hùng ở cạnh nhà Vũ Thị Hương, những lần sang chơi anh ta được Thơ rủ rê và thế là trong cơn khát tiền, muốn ra oai với vợ, Hùng nhắm mắt đi làm nghề vận chuyển ma tuý thuê.

Chuyến đầu Hùng vận chuyển 4 bánh heroin xuống Nam Định giao cho vợ chồng Hồng Hải trôi chảy. Mong muốn trở thành đại gia có tiền tỷ, Hùng đã đứng ra mua bán ma tuý, bắt tay mua hàng chục bánh ma tuý với Lê Văn Tình. Hôm đó Hùng đánh liều để 20 bánh heroin trong chiếc ba lô đeo trên vai vẫy ôtô xuống xuôi thì bị bắt. Hai án tử hình chồng chất, đó là cái giá phải trả cho sự ngông cuồng của tuổi trẻ.

"Những ngày vào đây gia đình anh có lên thăm thường xuyên không?" - tôi hỏi. Hùng lặng người đi giây lát, không nhìn thẳng vào chúng tôi nói: "Chỉ có mẹ và em đến thăm, mỗi lần tiếp tế mì tôm, lạc vừng, bánh kẹo". Hùng không hề nhắc đến vợ, chúng tôi gặng hỏi thì đôi mắt anh ta đỏ lên, hoá ra vợ Hùng đã bỏ đi ngay sau khi anh ta bị bắt.

"Anh có nhắn gì về gia đình không?". "Tôi chỉ thương mẹ và em". Đối diện với chúng tôi là kẻ lĩnh 2 án tử hình, là tên tội phạm nguy hiểm, nhưng trong phần người của Hùng lúc này chính là sự thức tỉnh lương tri và khát khao sự sống. Anh ta bảo mình chỉ làm khổ mẹ, khổ em, rất ăn năn hối cải, chỉ muốn giảm tội về với gia đình.

Phía sau những bản án tử hình là  nỗi đau của gia đình, dòng họ người phạm tội. Hai đứa con của Thơ giờ về sống với ông nội đã 78 tuổi, người mẹ của Hùng bước vào tuổi gần đất xa trời hàng tháng vẫn giã muối vừng lên thăm con… Cánh cửa sắt khép lại, sau song sắt kia liệu giọt nước mắt muộn mằn của những tử tù có làm thức tỉnh lương tri của những người đã và đang lao vào vòng xoáy của tội ác.

Theo CAND

MỚI - NÓNG