Mất 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại lừa đảo

Lệnh bắt khẩn cấp chị Y. nhận được từ những đối tượng giả mạo lực lượng chức năng qua điện thoại. Ảnh: NVCC.
Lệnh bắt khẩn cấp chị Y. nhận được từ những đối tượng giả mạo lực lượng chức năng qua điện thoại. Ảnh: NVCC.
TP - Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn trình báo của chị L.H.Y về việc bị lừa một tỷ từ các đối tượng giả mạo công an, cán bộ tòa án qua điện thoại.

Không hoài nghi vì số đuôi... 113

Theo tường trình, sáng 19/4, chị Y. (31 tuổi, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) nhận được cuộc gọi từ số 0044283196661 qua số điện thoại của khách sạn mà chị đang làm quản lý, cuộc gọi cài đặt tự động có nội dung: “Thông báo được gởi đi từ TAND TP Đà Nẵng, có đơn khởi tố hình sự với quý vị. Để giải đáp thắc mắc, vui lòng bấm phím số 9”. Vì tò mò, chị đã làm theo, đầu dây bên kia là giọng phụ nữ, tự xưng nhân viên tòa án. Người này hỏi chị gọi từ đâu, có việc gì, chị trả lời “đây là SĐT của khách sạn tôi làm quản lý”.

Người phụ nữ này tiếp tục hỏi họ tên, ngày sinh, số chứng minh  để “tra mã hồ sơ”, sau đó thông báo rằng chị Y. bị khởi tố do nợ cước mạng Viettel với số tiền 7.850.000đ. “Tôi khẳng định mình không hề nợ số tiền này, bên kia lại nói tôi đã đăng ký số điện thoại 0283.243.6689 vào ngày 15/1/2018, địa chỉ đăng ký là 125 Nguyễn Trãi, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Tôi nói lại lần nữa mình không hề biết, vậy là người này kết luận có người đã mạo danh tôi đăng ký số điện thoại này nhằm thực hiện những việc phi pháp”, chị Y. kể.

Mất 1 tỷ đồng sau cuộc điện thoại lừa đảo ảnh 1 Lệnh bắt khẩn cấp chị Y. nhận được từ những đối tượng giả mạo lực lượng chức năng qua điện thoại. Ảnh: NVCC.

Để chị Y. tin hơn, đối tượng này yêu cầu chị nên trình báo công an TPHCM, đồng thời thao tác kết nối máy tới Phòng cảnh sát hình sự cho chị Y. trình báo sự việc. Lúc này, chị Y. được nối máy với một người tự xưng là công an thuộc Phòng cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), chị đã trình bày sự việc bị mạo danh đăng ký số điện thoại. Đối tượng này “vừa đấm vừa xoa” rằng chị phải vào tận TPHCM để trình bày, nhưng vì ở xa, nên tạo điều kiện ghi âm qua điện thoại, với yêu cầu không có người thứ 3.

Chị Y. nhanh chóng đưa số điện thoại di động để đối tượng này kết nối khi chị vào phòng riêng. Nhận cuộc gọi có số 280000113, chị Y. không mảy may nghi ngờ vì có số đuôi 113. Đối tượng trên xưng là trung úy Phạm Tuấn Anh và bắt đầu buổi lấy lời khai qua điện thoại. Đối tượng này “hù” có thể thông tin của chị nằm trong danh sách hơn 2.000 thông tin khách hàng bị một ngân hàng tuồn ra. Tiếp đó cố tình để chị Y. nghe được sự kết nối với các bộ phận liên quan nhu “đội 1”, “đội 2” để xác minh.

 “Kết nối với các “đội” kia xong, anh ta nói tôi bị tình nghi trong đường dây buôn bán ma túy. Số lượng ma túy cực kỳ lớn. Còn dồn dập hỏi tôi đã từng vào TPHCM chưa, tôi bảo chưa, lại gắt phải khai thật, vì phải chịu trách nhiệm toàn bộ lời nói của mình. Tôi nghe người này nói hành vi buôn bán, tàng trữ, che giấu buôn bán ma túy sẽ bị phạt tù, tù chung thân, tử hình này nọ nên rất run”, chị Y. vẫn chưa hết hoảng loạn khi nhớ lại.

Dồn chị vào đường cùng, “trung úy” tung thêm tin những người bị bắt đã khai chị bán cho họ tài khoản ngân hàng mở tại ngân hàng Bắc Á (TPHCM) với giá 200 triệu. Và hưởng 20% lợi nhuận sau mỗi phi vụ ma túy. Tài khoản này hiện đã bị phong tỏa, với số dư gần 10 tỷ đồng. Đối tường này gửi qua zalo một lệnh bắt khẩn cấp có dấu đỏ, với chữ ký của ông Đào Vĩnh Tường (Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội).

 Trước rắc rối từ trên trời rơi xuống, chị Y. hoàn toàn làm theo yêu cầu của đồng chí “công an” này. Từ liệt kê quá trình tích cóp, kê khai tài sản, việc chia sẻ thông tin cá nhân, cho đến giao dịch với những ngân hàng nào…Đối tượng  nhắc đi nhắc lại chị không được tiết lộ sự việc này cho bất cứ ai, kể cả gia đình, người thân để đảm bảo quá trình điều tra.

Chuyển tiền để "phục vụ việc thẩm tra"

Biết chị Ý. đã “lụy đò”, các đối tượng này tung chiêu bài cuối cùng là mở một tài khoản ngân hàng nhà nước để chị chuyển toàn bộ số tiền mình có vào đấy. Việc chuyển tiền này được lý giải nhằm “phục vụ việc thẩm tra, minh bạch tài sản không liên quan đến vụ án”, sau khi xác minh xong sẽ chuyển trả lại.

“Tôi ra ngân hàng thì anh ta đọc số tài khoản 020058758893 tại Sacombank Hồ Chí Minh, chủ tài khoản Lê Minh Dung. Tôi thắc mắc vì thấy tên cá nhân, anh ta nói là tài khoản cấp trên, số chung của đơn vị. Tôi rút tiền rồi chuyển cho anh ta 1 tỷ đồng, toàn bộ vốn liếng của vợ chồng tôi. Không hiểu sao mình lại bị cuốn vào vòng xoáy, mù mờ đến vậy...”, chị chua chát.

Suốt quá trình chuyển tiền, đối tượng này vẫn giữ liên lạc để giám sát chị Y. Giao dịch hoàn tất, chị Y. được hẹn 16h ngày 19/4 đến tại 80 Lê Lợi ( Công an TP Đà Nẵng) nhận giấy xác nhận không liên quan đến vụ án, 14h ngày 20/4 đến 34 An Bình, phường 6, quận 5, TPHCM dự phiên tòa và đối chứng.

Mọi chuyện xong xuôi, chị Y. mới dám kể với chồng, lúc này chị tá hỏa ra mình bị lừa, hai vợ chồng nhanh chóng đến Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) để hủy lệnh ủy nhiệm chi, đồng thời liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng của TPBank và Sacombank để phong tỏa tài khoản Lê Minh Dung. Tuy nhiên đã quá muộn, tiền đã được rút ra trước khi có lệnh hủy. Hiện tại, Sacombank đã hỗ trợ phong tỏa tài khoản này lại, bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào vào tài khoản này cũng không rút ra được.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".