Mẹ mất, bố được chia di sản thừa kế?

Mẹ mất, bố được chia di sản thừa kế?
TP - Anh Lương Văn T., trú tại thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn, Nghệ An) có đơn gửi Tiền Phong, trình bày: Bố mẹ anh có tổng cộng 11 người con; mẹ anh mất năm 1992, không để lại di chúc; bố anh mất năm 2006, cũng không để lại di chúc; di sản bố mẹ anh để lại là thửa đất 766m2 (trên có nhà cửa, vật kiến trúc và một số cây lâu năm) tại thị trấn Nam Đàn, hiện do người anh thứ hai là Lương Văn Th. quản lý.

> Phân chia di sản thừa kế đối với con nuôi

Anh T. chưa có nhà ở, đề nghị anh Th. chia cho một phần đất đủ để làm nhà. Anh Th. không đồng ý, nói nhà và đất là của anh Th., và trưng ra sổ đỏ cấp năm 2002 mang tên anh Th.. Qua tìm hiểu, anh T. được biết: Sau khi mẹ anh mất, năm 1998, bố anh đã viết “Giấy chuyển nhượng nhà” cho anh Th., người anh thứ ba của anh T. ký xác nhận đồng ý, và có xác nhận của UBND thị trấn Nam Đàn. Nhờ giấy này, anh Th. được cấp sổ đỏ.

Anh T. muốn nhờ Tiền Phong giải đáp: Bố anh có được toàn quyền được định đoạt di sản mẹ anh để lại không? Anh muốn được chia di sản thừa kế của bố mẹ thì cần làm những thủ tục gì?

PV Tiền Phong trao đổi với luật sư, thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh), luật sư Phất cho biết:

Theo tôi, nếu đủ căn cứ xác định quyền sử dụng 766 m2 đất và tài sản trên đất là tài sản chung của bố mẹ anh, thì sau khi mẹ anh mất năm 1992, theo quy định của Pháp lệnh Thừa kế 1990 và Bộ luật Dân sự 1995, bố anh T. không có toàn quyền định đoạt khối tài sản chung đó; những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh T. (trong trường hợp này gồm bố anh T. và 11 người con đẻ) có quyền ngang nhau đối với một nửa tài sản trong khối tài sản chung đó.

Theo luật sư, UBND huyện Nam Đàn cấp Giấy CNQSDĐ (đối với thửa đất có phần di sản của mẹ anh) cho anh Th. có đủ cơ sở pháp luật không?

Qua xem xét hồ sơ anh T. gửi Tiền Phong, tôi thấy “Giấy chuyển nhượng nhà” bố anh T. viết cho anh Th. tuy có xác nhận của UBND thị trấn Nam Đàn, song người bán tài sản (bố anh T.) chưa có sự đồng ý của toàn bộ các đồng sở hữu tài sản (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh T., đã nói ở trên) nên theo chúng tôi, giao dịch này là vô hiệu. Chính quyền địa phương căn cứ vào văn tự này để cấp Giấy CNQSDĐ cho anh Th. là chưa chặt chẽ về pháp lý, có dấu hiệu xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác.

Anh T. muốn được chia di sản thừa kế của bố mẹ thì cần làm những thủ tục gì, thưa luật sư?

Thời hiệu chia thừa kế của mẹ anh T. đã hết, tuy nhiên, anh T. có thể khởi kiện anh Th. ra TAND huyện Nam Đàn, đề nghị Tòa xem xét phân chia tài sản chung mà anh T. được hưởng từ di sản của mẹ, nếu các đồng thừa kế cùng xác nhận một nửa nhà đất nêu trên là di sản của mẹ anh chưa phân chia.

Lê Anh Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG