Mở cửa cho 'cát tặc' hoành hành?

Mở cửa cho 'cát tặc' hoành hành?
TP - Các tàu cát được một nhóm làm “trật tự” tại khu vực cửa biển cho vào khai thác tại khu vực mỏ được cấp phép của doanh nghiệp dưới hình thức “xé vé” khiến cho tài nguyên bị rút ruột mà không ai chịu làm nghĩa vụ nộp thuế khai thác tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

> Khởi tố nguyên lãnh đạo huyện vì khai thác cát
> Bắt giữ 43 tàu khai thác cát trái phép

Hàng chục tàu khai thác cát tại “khai trường” cửa Lạch Huyện
Hàng chục tàu khai thác cát tại “khai trường” cửa Lạch Huyện.

Quá trưa, chiếc tàu gỗ phành phạch nổ máy rời bờ nhắm hướng cửa biển Lạch Huyện lao đi. Chỉ tay về những vệt mờ xa tít trên mặt biển, người lái đò nói: “Tàu khai thác cát đấy, họ thường tụ vào một điểm để khai thác. Tầm này họ đang hoạt động để cuối chiều kịp về đổ cho các bãi trong cửa sông”.

Khai trường trên biển

Sau chừng nửa giờ chạy tàu, “khai trường” khai thác cát nơi cửa biển hiện rõ trước mắt với những con tàu sắt dài vài ba chục mét màu nâu sẫm, dập dềnh trên sóng nước. Hơn chục tàu cát cùng nổ máy phành phạch ầm vang cả khu vực. Phần lớn các tàu mang biển kiểm soát của Hải Phòng và Hải Dương. Cả phi đội tàu cát thi nhau hút cát từ đáy biển phun lên khoang chứa.

Trên tàu, những “cửu vạn” mình trần trùng trục đang mải miết vận hành hệ thống máy bơm hút. Những chiếc vòi hút to hơn bắp đùi được thả sâu xuống bãi sa bồi dưới lòng biển. Cát theo dòng nước chạy theo ống hút được phun vào khoang tàu.

Theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Cát Hải, 2 năm qua, cơ quan này đã nhiều lần cùng các phòng chức năng của huyện đôn đốc, nhắc nhở nhưng tới nay Công ty Hải Nam vẫn chưa thực hiện đăng ký kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Từ năm 2011 tới nay, doanh nghiệp này mới chỉ nộp 100 triệu đồng tiền thuê đất, hiện vẫn còn nợ hơn 1,5 tỷ đồng tiền thuê đất khai thác mỏ.

Tại đây, thường xuyên có khoảng hơn chục tàu cát quần thảo, lúc cao điểm lên tới vài ba chục tàu. Những tàu cát bắt đầu ca làm việc vào lúc gần trưa, khi thủy triều xuống thấp. Họ thi nhau chạy hết công suất trong khoảng thời gian chừng 4-5 tiếng đồng hồ, khi thân tàu chìm sâu trong nước, chỉ có chiếc ca bin nhô cao lên cũng là lúc đã đủ chừng 400-500m3 cát trong bụng tàu.

Cuối ngày khi thủy triều lên, đoàn tàu lại lục tục theo dòng nước nổi về cửa sông, bán cho các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng hai bên bờ sông Lạch Tray.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực khai thác cát này nằm ở phía tây cửa Lạch Huyện (xã Phù Long, huyện Cát Hải) thuộc ranh giới mỏ cát của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Hải Nam (Công ty Hải Nam) đã được UBND TP Hải Phòng cấp phép khai thác từ năm 2011, thời hạn 7 năm.

Theo đó, mỏ cát này có diện tích gần 100 ha, trữ lượng khai thác hơn 2 triệu m3, đã ký hợp đồng thuê đất. Từ lâu, nơi đây thường xuyên có hàng chục tàu khai thác dù không thấy có các phao tiêu phân định ranh giới khai thác theo quy định.

Khai thác “thổ phỉ”?

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực cửa biển này thường xuyên có một chiếc thuyền máy loại nhỏ chở theo một số thanh niên quần đi đảo lại trông chừng các tàu khai thác cát. Các tàu cát muốn vào khai thác phải được nhóm này cho phép. Những tàu nào không được cho phép mà lai vãng tới gần sẽ bị nhóm này ngăn chặn, xua đuổi.

Trong khi các tàu cát khai thác, nhóm này thường chạy thuyền máy đảo qua đảo lại, quan sát xem có tàu lạ xuất hiện hay không. Những người am hiểu về hoạt động khai thác cát tại khu vực cho hay, đây là nhóm đứng ra “xé vé” cho các tàu cát. Tất nhiên, những tàu nào “làm luật” thì mới có vé vào cửa và được đảm bảo trật tự trong thời gian khai thác, còn những ai không chung chi sẽ được “mời” ra khỏi khu vực.

Trong khi các tàu khai thác, chiếc thuyền máy này vòng đi đảo lại tuần tiễu, bảo đảm trật tự
Trong khi các tàu khai thác, chiếc thuyền máy này vòng đi đảo lại tuần tiễu, bảo đảm trật tự.

Sau khi khai thác đủ mướn (đầy cát), cuối chiều các tàu cát này lại chạy từ biển vào trong sông Lạch Tray phun cát lên bãi bán cho các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng ở hai bên bờ sông.

Trên khúc sông chưa tới 10 cây số, có tới hàng chục bãi tập kết vật liệu đứng ra bao tiêu sản phẩm cho tàu cát. Một chủ kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hải Phòng cho biết, số cát của các tàu này được tiêu thụ theo kiểu cát “thổ phỉ” bởi chúng không có hóa đơn chứng từ.

Cũng theo chủ kinh doanh vật liệu trên, sau đó các “đầu nậu” sẽ làm “sạch” cát bằng cách mua bán lòng vòng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng. Sau khi cát “thổ phỉ” được biến thành cát “sạch” với hóa đơn đầu vào đầy đủ, nó sẽ được các doanh nghiệp cung cấp cho các dự án, công trình, trong đó chủ yếu là san lấp cho các dự án đường giao thông.

Trước thông tin các tàu cát khai thác “thổ phỉ” ngay tại khu vực mỏ có giấy phép, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Công ty Hải Nam, nhưng ông Hải từ chối cung cấp thông tin về thực trạng khai thác tại mỏ cát của mình.

Ông Nguyễn Huy Nhặn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng, cho biết: “Theo báo cáo thuế của Công ty Hải Nam thì họ chưa đủ điều kiện khai thác và họ kê khai chưa khai thác”. Theo ông Nhặn, không loại trừ có doanh nghiệp “ma” cấp hóa đơn hợp thức hóa cho số cát đã khai thác trái phép. Cục Thuế đang chỉ đạo kiểm tra tất cả các doanh nghiệp khai thác cát, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.

Chính chủ mỏ khai thác

Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, khẳng định chính Cty Hải Nam tổ chức khai thác tại mỏ cát phía tây cửa Lạch Huyện. Doanh nghiệp này còn đưa phương tiện, lực lượng bảo vệ vào khu vực mỏ gây mất trật tự, huyện đã phải yêu cầu chấm dứt tình trạng này.

Cụ thể, từ năm 2012, sau khi nhận được văn bản của Công ty Hải Nam, UBND huyện Cát Hải đã chấp thuận cho 28 tàu doanh nghiệp này đăng ký được vào khai thác tại mỏ.

Đầu năm 2013, huyện Cát Hải tiếp tục ra văn bản đồng ý cho doanh nghiệp này đăng ký đưa 48 tàu cát vào khai thác. Có mặt tại khu vực mỏ cát này, chúng tôi thấy số hiệu các tàu đang khai thác chính là những con tàu trong danh sách mà Công ty Hải Nam đã đăng ký với cơ quan chức năng huyện Cát Hải, ví như tàu HD 0527, HD 0350, HP 3123...

Theo UBND huyện Cát Hải, từ năm 2012 đến nay, Huyện đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hải Nam thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khai thác tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ khi khai thác tới nay, Công ty Hải Nam không thực hiện việc kê khai thuế, phí khai thác tài nguyên, không thả phao tiêu xác định mốc giới, để mất ANTT nên huyện Cát Hải đã phải nhiều lần ra văn bản tạm dừng hoạt động khai thác.

Gần đây nhất, ngày 17/5, một lần nữa UBND huyện Cát Hải lại phải ra văn bản tạm đình chỉ hoạt động khai thác của Công ty Hải Nam vì doanh nghiệp này không thực hiện các yêu cầu theo quy định. Sau đó, doanh nghiệp này có văn bản cam kết, ngày 24/5, huyện Cát Hải chấp thuận cho doanh nghiệp này tiếp tục khai thác.

Cùng với đó, từ 21/5, huyện đã thành lập Tổ giám sát và xác định khối lượng cát khai thác trên địa bàn nhằm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp kê khai không đúng khối lượng khai thác.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.