Vụ án xôn xao dư luận TP Hạ Long (Quảng Ninh)

Một hộ dân đang cư trú hợp pháp mất nhà

Một hộ dân đang cư trú hợp pháp mất nhà
TP - Một gia đình nghèo khổ bỗng mất nơi cư trú phải đi thuê chỗ ở, viết đơn kêu cứu xin được xử giám đốc thẩm. Ngôi nhà họ xây dựng và sử dụng ổn định từ năm 1992, đã đăng ký hộ khẩu thường trú, kê khai hồ sơ địa chính, nộp thuế đất đầy đủ, nay hai cấp tòa tỉnh Quảng Ninh xử thuộc về người khác.

Anh Ngô Đức Hạnh chạy xe ôm, chị Nguyễn Thị Thảo bán vé số, hai vợ chồng có cô con gái đang học phổ thông, cuộc sống kinh tế khó khăn. Năm 1992, vợ chồng anh xây ngôi nhà cấp 4 trên đồi cao thuộc tổ 23 phường Cao Xanh.

Năm 1997, TP Hạ Long lập hồ sơ địa chính, nhà anh Hạnh được đo vẽ, thể hiện trên thửa đất số 94, tờ bản đồ số 40, với diện tích 123 m2. Hồ sơ địa chính có đủ chữ ký các hộ liền kề, UBND phường Cao Xanh xác nhận “đất không có tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Năm 2004, phát sinh tranh chấp giữa gia đình anh Hạnh với hàng xóm là gia đình ông Lê Quang Nhã - bà Ngô Thị Miện. Lấy lý do có công khai phá, ông bà Nhã - Miện yêu cầu vợ chồng anh Hạnh phải trả lại mảnh đất đang ở cho họ. Nhân dịp vợ chồng anh Hạnh đi vắng, ông bà Nhã - Miện cho người phá khóa, lắp ổ khóa mới vào nhà anh, buộc vợ chồng con cái anh Hạnh phải đi khỏi mảnh đất này.

Mất nhà, mất đất, phải đi thuê chỗ ở, anh Hạnh làm đơn khởi kiện ông bà Nhã - Miện ra tòa để đòi lại tài sản của gia đình mình.

Tòa “thương” bị đơn hơn nguyên đơn!?

Ngày 11/9/2006, TAND TP Hạ Long đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện. Hội đồng xét xử quyết định trao quyền sử dụng ngôi nhà - thửa đất cho ông bà Nhã - Miện, và buộc ông bà phải trả cho vợ chồng anh Hạnh 10 triệu đồng trị giá căn nhà; 12 triệu đồng công san gạt, tôn tạo thửa đất; 2,25 triệu đồng tiền đền bù một số tài sản trong nhà bị mất khi ông bà Nhã - Miện phá khóa cũ, thay khóa mới.

Vợ chồng anh Hạnh chống án. Ngày 4/1/2007, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán Trần Quang Cường - Chủ tọa -tuyên tiếp tục giao căn nhà và thửa đất cho ông bà Nhã- Miện, đồng thời bác khoản tiền 12 triệu đồng công san gạt, tôn tạo thửa đất của vợ chồng anh Hạnh (lý do đơn khởi kiện của anh Hạnh không nói đến việc này), chỉ yêu cầu ông bà Nhã - Miện trả cho vợ chồng anh Hạnh 10 triệu đồng trị giá ngôi nhà và 2,25 triệu đồng tài sản bị mất.

Vợ chồng anh Hạnh làm đơn xin xét xử lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.

Những điều trái khoáy trong hai bản án

Trước hết, việc ông bà Nhã-Miện cho người phá khóa ngôi nhà của vợ chồng anh Hạnh, trong lúc vợ chồng anh không có mặt, rồi khóa bằng ổ khóa mới không cho vợ chồng anh được vào nhà, là một việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại tài sản, xâm hại quyền cư trú của công dân.

Thế nhưng, người ta không thấy một dòng một chữ nào phê bình nhắc nhở ông bà Nhã - Miện về hành vi này trong cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Điều đáng nói nhất trong vụ án này là hồ sơ vụ án không thể hiện bất cứ tài liệu nào làm căn cứ để cho rằng thửa đất đang có tranh chấp thuộc chủ quyền hợp pháp của ông bà Nhã - Miện.

Ngược lại, hồ sơ địa chính do chính quyền sở tại lập và các biên lai thu thuế đất lại cho phép khẳng định thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng anh Hạnh. Đặc biệt, hồ sơ cho thấy khi anh Hạnh đến ở (năm 1992), diện tích thửa đất chỉ là 30 m2.

Quá trình sử dụng, anh Hạnh đã khai hoang, san gạt, tôn tạo thêm, nên đến năm 1996, diện tích mới tăng thêm 93 m2 (nâng tổng diện tích lên 123 m2). Nếu ai đó cho rằng 30 m2 ban đầu do công của ông bà Nhã-Miện khai hoang, thì 93 m2 sau này hoàn toàn đủ căn cứ để khẳng định thuộc về chủ quyền vợ chồng Hạnh - Thảo (ngôi nhà vợ chồng anh Hạnh xây dựng nằm hoàn toàn trên 93 m2 sau này).

Điều trái khoáy là cả hai cấp tòa đã lấy cả 93 m2 đất sau này và ngôi nhà anh chị Hạnh - Thảo dựng trên đó để trao cho ông bà Nhã - Miện?

MỚI - NÓNG