Một năm, hơn 5.600 văn bản trái luật được ban hành

TPO - Theo nguồn tin của Tiền Phong, qua kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, các cơ quan chức năng và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong đó nhiều văn bản trái nội dung, thẩm quyền, sai sót về căn cứ pháp lý… gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực.

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, đồng thời đưa ra những đánh giá về tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm: 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương chưa thực hiện việc phân loại nội dung trái pháp luật của các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng qua báo cáo từ các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có thế nhận thấy, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.

Trong năm 2017, riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm: 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Qua phân loại cho thấy, văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích họp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

Theo đó, cùng với việc đưa ra đánh giá về hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương khẩn trương xử lý văn bản trái luật nhằm hạn chế hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm cơ quan, người tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật.

MỚI - NÓNG