Một phụ nữ bị đánh đến điên loạn

Một phụ nữ bị đánh đến điên loạn
Gia đình nạn nhân đã gửi gần 100 lá đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, nhưng hơn 6 tháng trôi qua sự việc vẫn im lặng.
Một phụ nữ bị đánh đến điên loạn ảnh 1
Chị Xuân điên dại hôm nay giữa bầy con thơ   

Lần theo địa chỉ trên lá đơn kêu cứu, đúng ngày 8/3 chúng tôi đã tìm về nhà anh Nguyễn Trung Cang tại tổ 8, ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm (Hòn Đất, Kiên Giang). Căn nhà cấp 4 chật hẹp, một phụ nữ với cặp mắt vô hồn nằm bèo nhèo trên chiếc nệm cũ trải ngay trước cửa ra vào.

Thấy người lạ, chị quờ quạng ngồi dậy nửa rên rỉ, nửa van xin giọng yếu ớt : “Bà cô ơi bà cô, cho con đi chơi đi, mai con về rồi”. Anh Cang chạy ra đỡ lời : “Anh thấy đó, cứ luôn miệng đòi đi chơi. Có hôm tôi quên khoá cổng, vợ tôi chạy ra đường suýt đâm ô tô. Vợ tôi trước khi chưa bị đánh là một lao động chính, lo toan quán xuyến việc gia đình, buôn bán, nuôi heo. Bây giờ bệnh tình như vậy, tôi đi xay lúa thuê vừa lo chữa bệnh cho vợ vừa lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.

Ngày 24/8/2004 khu vực ấp Tân Hương mất điện và đến 20 giờ cùng ngày thì có điện trở lại. Thấy xung quanh có điện mà nhà mình không có, chị Trần Thị Xuân (sinh năm 1968) qua trước cửa nhà ông Đặng Xuân Thú (vì đồng hồ điện kế của gia đình  chị gửi ở nhà ông Thú) yêu cầu ông này bật cầu dao điện.

Do có mâu thuẫn từ trước nên 2 bên lời qua tiếng lại. Đặng Văn Thắng và Đặng Văn Chiến (con trai ông Thú) hùng hổ lao ra kéo chị Xuân vào sân nhà mình, cùng với nhiều người khác đánh đập chị Xuân một cách dã man.

Một số  nhân chứng trực tiếp chứng kiến như anh Nguyễn Văn Triều, chị Huỳnh Thị Mộng Nghi và Hà Thị Bích Ngọc cho PV Tiền Phong biết : Tình cờ đi qua họ thấy chị Xuân bị lôi vào trong sân quay mấy vòng. Sau đó bị 2 người (1 đàn ông 1 đàn bà) cầm 2 tay kéo dang ra 2 bên và một thanh niên vừa chửi bới vừa dùng hết sức đấm, đá vào ngực, vào bụng, vùng kín của chị Xuân.

Một phụ nữ bị đánh đến điên loạn ảnh 2
Chị Xuân với chồng trước khi bị đánh

Nghe tiếng la thét kêu cứu của vợ, anh Cang (chồng chị Xuân) cầm một thanh gỗ chạy từ nhà ra hù dọa, đám người “hăng máu” kia mới dừng tay. Dìu ra đường được vài mét thì chị Xuân gục ngã, bất tỉnh, đái ra quần. Các nhân chứng khẳng định : “Nhiều người đánh một người”.

Trong đêm 24/8 chị Xuân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang trong trạng thái co giật toàn thân, đi tiểu, đi cầu và ói ra máu. Vùng ngực, bụng, tay, chân, vùng kín… đầy những vết bầm tím.

Sau khi khám và xét nghiệm về lâm sàng các BS khoa Cấp cứu và Ngoại chấn thương kết luận: “Chấn thương phần mềm, khai do bị đánh”.  Đến ngày 30/8, do 5 người con cùng lúc chuẩn bị vào năm học mới (con lớn học lớp 9, con út học lớp 3) và bệnh của chị Xuân đã có phần giảm nên gia đình xin về.

Nhưng 3 ngày sau, bệnh lại tái phát do bụng sưng lên và tiếp tục đi tiểu ra máu, anh Cang phải vội vàng đưa chị Xuân trở lại BV Kiên Giang, khoa thận lọc máu. Đến ngày 20/9/2004 thấy bệnh tình của vợ không giảm, anh Cang đã đưa chị Xuân lên  Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại giấy ra viện ngày 7/12/2004 BS Nguyễn Kinh Quốc ghi: “Rối loạn phân ly sau Stress, tiền căn bị đánh hơn 3 tháng”.

Anh Cang đã phải bán miếng đất 70 triệu đồng để lo thuốc thang cho vợ. Nhưng tiền thì hết mà vợ thì ngày càng như điên loạn, những người đánh đập chị vẫn nhởn nhơ.

Có điều gì khuất tất trong xử lý không ? Trưởng CA huyện Hòn Đất-Trung tá Huỳnh Tiến Đạt cho biết : Trong tuần tới chúng tôi sẽ đưa chị Xuân đi giám định. Kết quả giám định sẽ là căn cứ để xử lý vụ án hành chính hay hình sự. Một cán bộ CA huyện Hòn Đất là cháu rể của bị đơn đã không được phân công tham gia vào quá trình giải quyết vụ án này.

Dư luận địa phương hết sức bất bình, phẫn nộ trước hành vi của những người đánh đập tàn nhẫn chị Xuân khiến chị từ một con người khoẻ mạnh, hoạt bát thành con người tâm thần, tàn tạ và việc xử lý thì quá chậm chạp.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.