Một thiếu niên làm thuê bị tra tấn dã man

Một thiếu niên làm thuê bị tra tấn dã man
TP - Đinh Văn Dấu (16 tuổi, ở An Lão, Bình Định) bị cưỡng bức lao động, đánh đập dã man đến mức tinh thần hoảng loạn, không đi lại được.

Lâm Đồng:

Một thiếu niên làm thuê bị tra tấn dã man

Đêm 16-11, anh Đinh Văn Điệp (22 tuổi, học viên trường Lục quân ở Bắc Ninh) điện thoại khẩn thiết đề nghị báo Tiền Phong giúp đỡ người em 16 tuổi là Đinh Văn Dấu (ở An Lão, Bình Định) bị cưỡng bức lao động và tra tấn dã man ở xứ cà phê thuộc xã Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng.

Anh Điệp cho biết, khi anh điện vào Lâm Đồng để nắm tình hình thì nghe tiếng kêu khóc của cậu em đang bị đánh đập, sau đó được tin Dấu phải vào bệnh viện cấp cứu. Mặc dù đã qua 5 ngày điều trị tại Trung tâm y tế Đức Trọng và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng gương mặt cậu thiếu niên 16 tuổi vẫn chưa hết đau đớn, hoảng sợ. Dấu kể: Ngày 5-11, em cùng 5 người bạn được đưa lên xe nói là chở vào Gia Lai làm việc. Thế nhưng các em lại bị đưa đến cơ sở dịch vụ lao động Đức Hoàng (Đức Trọng, Lâm Đồng) và nhốt trong căn nhà chật hẹp cùng nhiều người khác. Sau đó, một số chủ vườn cà phê đến thuê lao động và chở các em vào xã Ninh Loan để cuốc đất, bón phân, hái cà phê với tiền lương hứa hẹn 2,5 triệu đồng/tháng.

Làm việc nặng nhọc nhưng điều kiện ăn uống, sinh hoạt kém và thường xuyên bị đe dọa không làm tốt sẽ bị phạt, nếu bỏ trốn sẽ bị giết, chiều 12-11, 4 người làm thuê đã cùng nhau bỏ trốn lên rừng. Ba người kia chạy thoát, riêng Dấu bị nhóm thanh niên vây bắt, dùng cây đập vào đầu. Dấu bị đưa trở về nhà số 63 (thôn 1, xã Ninh Loan) của ông Lê Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên tiểu học ở Ninh Loan).

Tại đây, một số người lấy còng số 8 xích Dấu vào thành giường và đêm đó 2 - 3 người đánh em ngất xỉu. Khi Dấu tỉnh lại, họ tiếp tục đánh, thậm chí cầm điếu thuốc dí vào người khiến em vô cùng đau đớn, hoảng loạn. Các đối tượng ép Dấu gọi điện thoại cho gia đình và em đã nối máy với chị gái là Đinh Thị Hiêu (SV khoa Luật Đại học Đà Lạt) để chúng nói chuyện. "Họ bảo sáng 13-11 tôi phải mang 7,2 triệu đồng đến để chuộc em và bồi thường cho cả 3 người đã cùng Dấu bỏ trốn. Họ dọa nếu không có tiền hoặc báo công an sẽ giết em tôi" - Hiêu nói và cho biết sáng hôm đó đã vay của các bạn SV được 1,8 triệu đồng để xuống Ninh Loan. Đến nơi, Hiêu thấy em ngồi trong bếp, áo dính đầy máu, tinh thần hoảng loạn, không đi lại được. Đến khi công an xã can thiệp, Dấu mới được đưa vào trạm xá xã.

Cán bộ y tế xã nói ca bệnh nặng quá không sơ cứu được, đề nghị đưa lên tuyến trên. Dấu được chuyển Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, sau đó lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Hồ sơ bệnh án ghi nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vô cùng hoảng loạn, sốt cao, bị đa chấn thương với nhiều vết bầm do bị đánh vào đầu và khắp người. Một số SV luật, bạn của Hiêu, cùng tham gia giải cứu em Dấu nói không ngờ lại có những người tàn nhẫn cưỡng bức lao động và tra tấn thiếu niên còn nhỏ tuổi như vậy; đồng thời bày tỏ nỗi bức xúc vì công an không lập biên bản tại hiện trường và chậm giải quyết vụ việc.

Ngày 17-11, Công an huyện Đức Trọng cho biết đã triệu tập và tạm giữ hành chính Lê Văn Dũng cùng 3 đối tượng đã vây bắt Dấu. Công an đang điều tra xác định ai là người đã đánh đập gây thương tích cho thiếu niên này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.