Một vụ án, ba nỗi đau

Một vụ án, ba nỗi đau
TP - Một chàng trai còn khá trẻ đến cơ quan thường trú báo Tiền Phong tại tỉnh Lạng Sơn đưa đơn và nói: “Chỉ một lần trót dại, cháu đã lỡ kỳ thi đại học, nay lại đối diện với án phạt của pháp luật, cháu mong các cơ quan, ban ngành giúp cháu sớm có cơ hội trở thành công dân có ích”.

Chập tối. Trước cửa nhà Chung(*) xuất hiện những ánh đèn xe máy. Lũ bạn cùng học tại trường phổ thông trung học kéo đến thông báo: “Thằng Tùng đã trúng tuyển vào một trường đại học ở Hà Nội. Hãy đến nhà nó ăn khao”.

Chung lưỡng lự một lát rồi bảo: “Nhưng mẹ tớ vừa lấy xe máy đi có việc rồi”. Một cô gái trẻ khá xinh xắn nói xen vào: “Thì đi xe với bọn tớ. Cân ba cũng được mà, vắng bạn sẽ mất vui đấy”.

“Thế nhưng, chẳng ai có mũ bảo hiểm, công an tuýt còi thì chết” - Một người tỏ vẻ e ngại. Vẫn cô gái xinh xắn kia bao biện: “Trời tối thế này, có ma nào ra đường làm việc. Thêm nữa, vào nhà thằng Tùng chỉ cách xa chừng ba cây số, đường ra biên giới nên ít người qua lại. Sợ cái gì!?”. Thế là cả bọn lên đường.

Chung được hai cô bạn đưa xe máy để lái với lời nhắn: “Phải đáng mặt con trai chứ. Ai lại để bọn tớ cầm càng?”. Tiếng xe máy nổ giòn đi theo đường tỉnh lộ 236 vào khu vực Bản Khoai, xã Yên Khoái.

Khi xe đi đến gần trạm thu phí giao thông bỗng nhiên Chung thấy loạng choạng rồi văng trượt vào dải phân cách. Hai cô bạn ngồi đằng sau bị bắn ra hai bên rệ đường. Cả ba phải vào bệnh viện cấp cứu.

Cô gái  tên là Nhu bị thương nặng vào đầu phải chuyển viện về Hà Nội, sau không cứu được đã tử vong, còn một cô khác thì bị xây xước mặt mũi, chân tay. Chiếc xe máy hỏng nặng.

Gia đình Chung nghe tin dữ, ngoài việc chăm sóc con trai tại bệnh viện lại phải xuống nhà cô bạn xấu số xin lỗi vì “con dại, cái mang”, đồng thời gửi một số tiền phụ giúp gia đình tổ chức tang lễ.

Chung như người ngồi trên đống lửa. Thân thể đau ê ẩm lại thoảng nghe tiếng kèn đưa đám não nề. Chung giấu giọt nước mắt vào trong tấm chăn. Chung tâm sự: “Nói thật với bác, cháu và cô gái ấy cảm mến nhau từ đầu năm nay. Bạn ấy ra đi mà cháu không đưa tiễn được, thật là có lỗi”.

Sau khi đưa đám Nhu xong, hai gia đình đã gặp nhau, bàn thảo giải quyết hậu quả vụ tai nạn giao thông. Ban đầu, họ nhất trí hòa giải bằng cách gia đình Chung có trách nhiệm đền bù một số tiền. Song do số tiền khá lớn, trong khi gia đình lại đang khó khăn nên chưa đáp ứng kịp thời. Thế là họ đưa nhau ra tòa.

Nỗi ân hận muộn màng

Tòa án huyện thụ lý vụ án và tiến hành xét xử phiên sơ thẩm vào cuối tháng 5/2009. Tòa nhận định, Chung điều khiển xe mô tô với tốc độ không phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 và chở quá số người quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật Giao thông Đường bộ. Không chấp hành chấp hành hệ thống báo hiệu, không đi đúng phần đường và không có giấy phép lái xe.

Quá trình điều tra và tại phiên toà, Chung thật thà khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đồng thời tỏ ra ăn năn, hối cải. Sau vụ tai nạn, gia đình Chung đã bồi thường mười triệu đồng cho gia đình người bị hại.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố Chung về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a, khoản 2, Điều 202 của Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử thấy rằng, hành vi phạm tội của Chung gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng người khác, nguyên nhân do sự chủ quan, cẩu thả, bất cẩn và không chấp hành luật lệ giao thông.

Đứng trước vòng móng ngựa, Chung rưng rưng xin lỗi gia đình người bị hại và cho rằng trong giây  phút nông nổi của mình đã đánh mất đi một người bạn.

Hội đồng xét xử nghị án khá lâu, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đồng thời tuyên phạt Chung với mức án ba năm tù giam, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về các khoản tiền viện phí, tiền mai táng và tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại tổng số trên 28 triệu đồng.

Nhiều giọt nước mắt đã rơi. Cô bạn hôm ngồi cùng xe với Chung tên Hiền mắt đỏ hoe, cô không yêu cầu gì về phần bồi thường, mặc dù cô cũng bị thương, phải vào bệnh viện cứu chữa.

Chung kháng bản án lên Toà án ND tỉnh Lạng Sơn. Trong đơn, Chung viết: “Ở vụ án này, người bị hại cũng phần nào có lỗi, đã chủ động rủ tôi đi và đều biết điều khiển xe ba người, không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật.

Một nguyên nhân nữa là ngay buổi chiều hôm xảy ra tai nạn, Trạm thu phí giao thông mới đắp bốn gờ nổi cao 15cm, dài 6 cm trên mặt đường làm gờ giảm tốc nhưng lại không có biển báo nên tôi bị bất ngờ, không làm chủ được tay lái. Tôi thấy bản án mà toà án huyện tuyên phạt như vậy là nghiêm khắc, chưa xem xét đến các nguyên nhân khách quan của vụ án.

Bản thân tôi là học sinh mới tốt nghiệp phổ thông trung học, rất mong muốn được tiếp tục học tập tu dưỡng và rèn luyện, trở thành người công dân có ích, xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ án phạt cho tôi được cải tạo tại địa phương để có điều kiện lao động cùng gia đình, có tiền bồi thường cho gia đình bạn”.

Cuối tháng 8, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án.

Chàng trai vừa tròn tuổi đôi mươi lại phải đối diện với án phạt của pháp luật. Ám ảnh về lỗi lầm của mình chắc sẽ theo Chung đi suốt cuộc đời.

Sau khi Chung bị kết án tù, nhiều người tỏ ra thương xót. Hiền viết trong “đơn đề nghị” gửi toà án tỉnh, có đoạn: “Sự việc xảy ra không ai muốn như vậy. Tôi đã mất đi một người bạn gái thân thiết, nay bạn Chung phải vào vòng lao lý. Chúng tôi tuổi mới lớn, bồng bột chưa nhận thức hết được tác hại của việc vi phạm luật lệ giao thông. Tôi mong quý tòa giảm nhẹ hình phạt cho Chung để bạn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm”.

Một ông giáo già, từng dạy Chung tâm sự với phóng viên: “Học trò Chung ngoan ngoãn, hiền lành, hoạt bát, tham gia nhiệt tình mọi phong trào văn hoá, thể thao ở địa phương.

Cậu ta là cầu thủ bóng đá giỏi, tham gia các kỳ thi Hội khoẻ Phù Đổng của huyện, của tỉnh và giành được nhiều huy chương vàng, bạc. Đầu năm nay, Chung đoạt giải nhất môn nhảy bao bố trong Lễ hội mừng xuân mới.

Nếu không có chuyện xấu xảy ra, chắc ước mơ thi vào trường Đại học Thể dục, thể thao sẽ trở thành hiện thực. Cú vấp ngã đầu đời này, không chỉ là bài học cho bản thân Chung, mà còn là cho tất cả các bạn trẻ khác nữa”.

(*)  Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.