Mượn giấy khai sinh để đi học

Mượn giấy khai sinh, chứng minh nhân dân: Rắc rối khó gỡ

Mượn giấy khai sinh, chứng minh nhân dân: Rắc rối khó gỡ
TP - Mượn giấy khai sinh của người khác cho con đi học, mượn chứng minh nhân dân của người khác để cưới vợ, những việc làm do suy nghĩ giản đơn đã dẫn đến rắc rối khó gỡ cho nhiều người, nhiều gia đình, nhiều cơ quan ở ĐBSCL.

Ông Trần Văn Phước ở xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp) có cô con gái Trần Thị Cẩm Trang chưa đủ tuổi đến trường nhưng đòi đi học. Ông Phước bèn mượn giấy khai sinh của con người em ruột để con của mình được đến trường.

Khi Trần Thị Cẩm Trang học lên, nhà trường phát hiện sai tên, ông Phước chạy vạy đổi tên lại cho con, mấy lần rồi mà chưa xong. Ông Phạm Văn Đởm cũng ở xã Vĩnh Thạnh, mượn giấy khai sinh người khác cho con của mình đến trường.

Khi con của ông tốt nghiệp THCS, nhà trường phát hiện, yêu cầu phải chỉnh sửa đồng thời buộc con của ông học lại một năm vì chưa đủ tuổi. Con của ông tự ái, bỏ học luôn.

Ông Võ Ngọc Đường ở xã Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp), sinh con gái năm 1991 nhưng không làm khai sinh được vì năm sinh của ông trong hộ khẩu ghi không chính xác.

Cán bộ tư pháp yêu cầu ông làm thủ tục cải chính tuổi của ông trong hộ khẩu trước khi làm khai sinh cho con. Ông Đường bỏ bẵng, không làm. Khi con gái đến tuổi đi học, ông mượn giấy khai sinh của con người hàng xóm cho con của mình đi học. Con ông học đến lớp 12, phát hiện rắc rối, gỡ không ra.

Buồn hơn là anh Nguyễn Công P. ở xã An Long (Tam Nông, Đồng Tháp) cũng mượn giấy khai sinh của người khác để đi học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tất cả công lao học tập suốt 12 năm trở thành… của người khác, vì không phải tên anh. Bây giờ anh không thể tiếp tục học thêm và cũng không xin đi làm ở đâu được vì không có giấy tờ chứng minh đã học xong phổ thông.

Mượn chứng minh nhân dân để cưới vợ

Anh Nguyễn Thanh Phong sinh năm 1977 ở xã Phú An, nay là phường Phú Thứ (Cái Răng, Cần Thơ). Năm 1999, anh Phong lấy vợ là chị Bùi Thị Lài sinh năm 1978. Tuy nhiên, khi đăng ký kết hôn, anh Phong lại dùng giấy chứng minh nhân dân của người em trai là Nguyễn Thành Được.

Sau khi có 1 đứa con, anh Phong và chị Lài nảy sinh mẫu thuẫn, sống ly thân từ năm 2001. Năm 2006, chị Lài có đơn yêu cầu ly hôn. Vì trong giấy đăng ký kết hôn, chị Lài không phải lấy người có tên Nguyễn Thanh Phong mà là lấy người có tên Nguyễn Thành Được nên đơn phải viết xin ly hôn với anh Nguyễn Thành Được.

Cùng năm 2006, anh Nguyễn Thành Được thật (em của anh Phong) đã kết hôn với cô T. Trên giấy tờ, anh Nguyễn Thành Được hóa ra kết hôn 2 lần.

Vụ việc phản ánh lên UBND phường. Ngày 6/7/2007, Chủ tịch UBND phường Phú Thứ phạt hành chính anh Ngyễn Thành Được 200.000 đồng vì vi phạm chế độ một vợ một chồng. Anh Được nộp phạt, dù chính thức anh chỉ lấy một vợ là cô T. còn lấy chị Lài là Được giả.

Vụ việc khiến tòa án cũng bối rối: Xử cho chị Lài ly hôn với ai? Lại có ý kiến: Cuộc hôn nhân giữa chị Lài và anh Phong hợp pháp hay không?

Rõ ràng, theo giấy tờ thì không hợp pháp nhưng nếu không hợp pháp thì quyền lợi của chị Lài và đứa con chung giữa chị Lài với anh Phong lại không được bảo vệ, mà quyền lợi của hai người này cần được bảo vệ.

Sau nhiều bàn cãi, đầu tháng 12/2008, TAND quận Cái Răng xử thuận cho anh Được và chị Lài ly hôn, thực tế là giải phóng cho anh Phong và chị Lài.

MỚI - NÓNG