Vụ lấy 8,37 tỷ đồng ngân sách cá độ bóng đá ở Long Mỹ (Hậu Giang):

Năm chủ doanh nghiệp có bị truy tố oan?

Năm chủ doanh nghiệp có bị truy tố oan?
Đã qua 4 lần điều tra và điều tra bổ sung, 2 lần có cáo trạng, 1 lần toà án trả hồ sơ khi chưa xét xử. Cáo trạng của VKSND tỉnh Hậu Giang vừa hoàn tất vẫn khiến dư luận băn khoăn. Liệu có truy tố oan người vô tội?
Năm chủ doanh nghiệp có bị truy tố oan? ảnh 1
Chiều 11/4/2005, ông Nguyễn Thanh Liêm (trái) và ông Nguyễn Văn Đinh, hai trong số 5 chủ doanh nghiệp ở Long Mỹ đến kêu oan với Ban đại diện báo Tiền Phong tại ĐBSCL              ảnh: Sáu Nghệ

Tội phạm chính của vụ này là Nguyễn Văn Trung, nguyên Kế toán trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch (TC-KH) huyện Long Mỹ lập hồ sơ giả rút 8,37 tỷ đồng để cá độ bóng đá và mất sạch. Ban đầu ông Trung được xác định tội lừa đảo, nay chuyển thành tội tham ô.

Lãnh đạo Phòng TC-KH và Kho bạc Nhà nước huyện Long Mỹ phạm tội cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm thì đã rõ từ đầu. Nguyễn Văn Trung còn phạm tội đánh bạc cùng 10 người khác trong các đường dây cá độ bóng đá cũng không có gì bàn cãi.

Bàn cãi chủ yếu là ở chỗ chủ 5 doanh nghiệp đã cho Nguyễn Văn Trung mượn tài khoản để rút tiền. Gồm ông Lê Văn Bi, chủ DNTN Thành Đạt cho rút 11 lần số tiền 2,42 tỷ đồng. Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Cơ khí Long Mỹ cho rút 12 lần số tiền 2,194 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, chủ DNTN Thanh Liêm cho rút 8 lần số tiền 1,86 tỷ đồng. Ông Sơn Văn Hòa, chủ DNTN Sơn Hòa cho rút 6 lần số tiền 1,226 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đinh, chủ DNTN Thanh Long cho rút 3 lần số tiền 670 triệu đồng.

Đây là những doanh nghiệp có xây dựng nhiều công trình cho huyện. Trong hồ sơ giả rút tiền, Nguyễn Văn Trung khai với kho bạc là để trả nợ hoặc tạm ứng cho các doanh nghiệp. Còn với các doanh nghiệp, Trung lại nói: Huyện cần tiền mặt nên nhờ tài khoản để rút. Thế là kho bạc chuyển tiền vào tài khoản của các doanh nghiệp ở ngân hàng và khi có tiền thì doanh nghiệp rút đưa cho Trung hoặc ký séc cho Trung trực tiếp đi lấy.

Quy định rút tiền từ kho bạc rất chặt chẽ, hồ sơ phải có nhiều loại giấy tờ, tuy nhiên lại có một lỗ hổng lớn được Trung triệt để khai thác là: Chữ ký phê duyệt của lãnh đạo huyện và con dấu của UBND huyện chỉ cần photocopy. Thế là Trung lừa lãnh đạo Phòng TC-KH ký lệnh chi tiền khống rồi photocopy thêm phê duyệt của lãnh đạo huyện, gắn vào một hồ sơ công trình nào đó để rút tiền.

Nếu kế toán và lãnh đạo của kho bạc kiểm tra kỹ lưỡng thì phát hiện ra những bộ hồ sơ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tai ác ở chỗ, Nguyễn Văn Trung là một cán bộ có năng lực, làm việc thận trọng và có uy tín ở huyện. Cảm tính cá nhân đã lướt qua được các nguyên tắc nghiệp vụ, việc rút tiền của Trung diễn ra trong 3 năm liền và chỉ bị phát hiện khi... Trung lún sâu vào nợ nần, phải tự thú.

5 doanh nghiệp cũng tin tưởng vào uy tín của Trung, không biết Trung sử dụng vào mục đích cá nhân, đinh ninh đang giúp huyện vì Trung lấy thẩm quyền của lãnh đạo huyện và Phòng TC-KT để nhờ cậy. Quá trình điều tra không phát hiện hành vi trục lợi của 5 doanh nghiệp khi cho Trung mượn tài khoản rút tiền còn việc cho mượn tài khoản thì pháp luật cũng không cấm. Nên nhiều lần kết luận điều tra khẳng định 5 chủ doanh nghiệp không phạm tội.

Công văn số 2943 ngày 30/10/2003 của VKSND tối cao chỉ đạo vụ án này cũng viết rõ: “Đối với các bị can Lê Văn Bi, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Đinh, Sơn Văn Hòa, Lê Văn Trung không có cơ sở kết luận đồng phạm tham ô với Nguyễn Văn Trung vì ý thức chủ quan không rõ, các hành vi khách quan chưa đủ để buộc tội các bị can”.

Cơ quan điều tra không đề nghị nhưng Cáo trạng của VKSND tỉnh Hậu Giang ngày 29/7/2004 buộc 5 ông chủ doanh nghiệp “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và khi hồ sơ chuyển sang toà án đã bị trả lại. Cáo trạng của VKSND tỉnh Hậu Giang ngày 23/3/2005 lại buộc 5 ông chủ doanh nghiệp “đồng phạm với Nguyễn Văn Trung tội tham ô” trong lúc điều tra không phát hiện thêm điều gì mới, cho nên chưa thật thuyết phục, đang gây băn khoăn liệu có làm oan người vô tội?

Các doanh nghiệp từ ngày mắc “tai bay vạ gió” thì không làm ăn gì được, nợ các công trình gần 2 tỷ đồng không được trả và huyện nghèo Long Mỹ thêm nhiều khó khăn. 

 Sáu Nghệ

Vụ án này, hiện đã truy tố 22 người. Ngoài Nguyễn Văn Trung và 5 chủ doanh nghiệp còn 2 lãnh đạo Phòng TC-KH, 2 lãnh đạo và 2 kế toán Kho bạc Nhà nước huyện Long Mỹ, 10 người cá độ bóng đá.

Trong các bị cáo cá độ bóng đá có 2 người là cán bộ Nhà nước: Nguyễn Văn Tốt-nguyên GĐ Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ), Trần Văn Hiệp-nguyên cán bộ Trung tâm VHTT huyện Long Mỹ.

Số tiền cá độ bóng đá một lần lớn nhất là 180 triệu đồng, bình quân 50 triệu đồng. Tang vật thu giữ 3 tỷ 537 triệu 100 nghìn đồng và nhiều tài sản khác.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).