Náo loạn làng Kỳ Nam vì nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc'

Náo loạn làng Kỳ Nam vì nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc'
TP - Phúc qua đi họa cũng vừa đến. Đó là “vận” của làng Tốt thuộc huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi vốn nổi danh sau vụ nhiều người trúng Kỳ Nam vừa qua. Làng Tốt  đang chao đảo bởi cơn lốc nghi “cầm đồ thuốc độc” và người dân đang dùng luật tục để hành xử.
Náo loạn làng Kỳ Nam vì nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc' ảnh 1
Ông Toát và vợ “di tản” đến nhà Phó chủ tịch xã để trốn (ngày 9/8) vì bị nghi “cầm đồ thuốc độc”

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế (Ba Tơ) Phạm Văn Thương, việc nghi kị “cầm đồ thuốc độc” có thể chỉ là một câu nói đùa trong bữa rượu say, hoặc do mâu thuẫn rồi dọa cho hả tức. Hoặc có người bị ốm không rõ nguyên nhân cũng nghi hàng xóm “cầm đồ thuốc độc”. “Tôi là dân bản địa cũng chưa từng trông thấy thuốc độc này” - Ông Thương nói.

Cách đây hơn chục năm, xã Ba Lế xảy ra vụ ông Phạm Văn Đứa bị thanh niên đánh chết vì bị nghi “cầm đồ thuốc độc”. Vụ việc đưa bốn tên giết người  vào ngồi tù vẫn chưa làm những cái đầu u mê tỉnh ngộ, ý nghĩ ấy cứ âm ỉ, gặp dịp thì bùng lên. Năm 2005, vì nghi ngờ ông Dai có thuốc độc, 4 đối tượng đã xông vào đánh, sau đó khiêng ông Dai ra suối nhúng xuống nước cho đến chết.

Náo loạn làng Kỳ Nam vì nghi kỵ 'cầm đồ thuốc độc' ảnh 2
Một góc làng Tốt

Chuyện “cầm đồ thuốc độc” lại bùng lên từ ngày 15/7/2007, làng Tốt - nơi mệnh danh làng Kỳ Nam rộ lên nguồn tin: “Thằng Nối và thằng Nía có thuốc độc”. Trong ngày, chính quyền địa phương tức tốc triển khai họp dân.

Nhưng cuộc họp diễn ra không êm ả. Một trong 8 tên quá khích  đã ném đá đúng đỉnh đầu ông Nía, và cuộc họp tan rã. Những người bị nghi ngờ có thuốc độc bỏ trốn vào núi.

Sự nghi kỵ ào nhanh như nước lũ, tràn sang làng Vả Tia. Ngày 22/7/2007, lời rỉ tai tiếp tục quấy đảo làng Vả Tia: “Bà Nghĩ, ông Lít, ông Dũng, ông Toát có thuốc độc!”.

Chính quyền xã phân công lực lượng lên bám Vả Tia, cuộc họp dân ở đây đã biến thành cuộc ẩu đả. Xưa, Giêm là hai trong 15 người quá khích nhất ùa vào, những người chủ trì cuộc họp can ngăn bị những kẻ quá khích tấn công.

Ông Hành, cán bộ mặt trận xã bị Đuýt dùng cây đập vào mắt sưng vù, ông Diêu chủ tịch Hội cựu chiến binh xã bị giáng một đòn vào má làm gãy răng. Cuộc họp đổ vỡ, số người bị nghi có thuốc độc trốn biệt lên rừng.

Gặp ông Toát (cán bộ đảng viên) đang cùng vợ “di tản” đến ở nhờ nhà của ông Phó Chủ tịch xã Ba Lế vào sáng 9/8, do bị tên Đoài đánh, dân làng hăm dọa. Ông cho biết: “Thằng con bà Bía lấy con gái tôi đẻ một con, nhưng không hợp, không sống với nhau được, đành bỏ. Bà Bía hay đau ốm nên chúng nghi tôi “cầm đồ thuốc độc” nên làng nghi”.

Sau trận mưa, nước réo quanh chân núi Pét, núi Pin ôm 70 hộ của làng Tốt lọt thỏm giữa lòng chảo xanh rì, nhưng cũng không ngăn được hung tin “cầm đồ thuốc độc” trong làng.

Bà Sa, người đầu tiên tôi gặp ở dốc đầu làng bảo: “Thằng Nía cho con tui ăn kẹo, về nhà nó ốm chết!”. “Lâu chưa?” - Tôi hỏi. “Năm 1985, lúc nó 7 tuổi, nên từ đó tui nghi. Nhiều người ở đây cãi lộn với thằng Nía, thằng Nối là trâu bò lăn ra ốm, người có khi cũng ốm luôn”.

Anh Lếch, con trai ông Sắc (người trúng kỳ nam) thì có ý kiến ngược với cha mình: “Hơn nửa làng này đều tin có chuyện “cầm đồ thuốc độc”, nhưng tui thì không. Mình tiến bộ thì không nên tin chuyện đó”.

Trao đổi về triển vọng giải quyết vụ việc này, ông Thương cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác chống nghi kỵ trong đồng bào rồi, nhưng vẫn còn số người dân không thực hiện. Từ ngày 23/7 đến nay, xã mời từng thanh niên đến giải quyết, nhưng họ đòi giải quyết tập thể chứ không chịu mời từng người”.  

Trong ba năm qua, chính quyền huyện Ba Tơ đã hòa giải kịp thời hơn 50 vụ nghi “cầm đồ thuốc độc” trong các bản. Tuy nhiên, các vụ việc nghi “cầm đồ thuốc độc” vẫn không có chiều hướng giảm.

Ở huyện An Lão tỉnh Bình Định nằm giáp ranh huyện Ba Tơ đã từng xảy ra vụ đối tượng cầm dao chặt đầu một người hàng xóm vì nghi người này có thuốc độc.

Theo một cán bộ trong ngành pháp luật ở Ba Tơ, tang vật thu được trong những vụ “cầm đồ thuốc độc” chỉ là những vật vô hại với con người như: Một viên đá nhặt ngoài suối, một củ gừng hoặc một củ mai gang…

MỚI - NÓNG