Ngại học, nhưng không ngại giữ chức vụ!

Ngại học, nhưng không ngại giữ chức vụ!
TP - Ông Lưu Ngọc Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trung; ông Nguyễn Minh Dân, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) sử dụng bằng cấp giả để giữ chức vụ chủ chốt thời gian dài, đang báo động độ tin cậy đợt kiểm tra văn bằng chứng chỉ cán bộ tại Cà Mau.

> Dùng bằng giả làm giảng viên thật
> Giáo viên dùng bằng giả thi viên chức

Hỏi đến bằng gốc thì… lỉnh!

Ông Nguyễn Minh Dân, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (Đầm Dơi) học hết cấp 3 và nộp hồ sơ thi nhưng không đạt kết quả tốt nghiệp, vào năm 1995. Kể từ đó, ông Dân không tham gia thi nữa, có lẽ vì biết trình độ học hành của mình, có cố cũng chẳng thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc trung học.

Để rộng đường tiến thân, ông Dân dùng bằng cấp của người khác, phô- tô, chỉnh sửa sang tên mình, chứng thực(?!) để nộp cho Ban Tổ chức Huyện ủy Đầm Dơi và được giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận. Cũng từ bằng cấp kiểu này, ông Dân được cử đi học lớp đại học chuyên ngành xây dựng đảng - chính quyền nhà nước tại Trường chính trị Cà Mau, vào năm 2010. Nhưng khi Trường chính trị Cà Mau yêu cầu nộp bằng Bổ túc trung học gốc để đối chiếu thì ông Dân… lẳng lặng bỏ học.

Đem cái “bằng” Bổ túc trung học của ông Nguyễn Minh Dân đối chiếu với hồ sơ gốc, phòng quản lý hồ sơ văn bằng của Sở GD&ĐT Cà Mau phát hiện ra cái bằng Bổ túc trung học này được chế từ bằng tốt nghiệp bổ túc trung học của ông Nguyễn Hoàng Phát, sinh ngày 10/1/1965, quê Giá Rai (Bạc Liêu), kỳ thi ngày 5/6/1995, tại Hội đồng thi Trường tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau).

Sự việc được làm rõ: Ông Nguyễn Minh Dân mượn bằng Bổ túc trung học của người khác, phô-tô, chỉnh sửa mang tên mình, đem ra UBND xã Tân Thuận “chứng thực”, nộp cho Ban Tổ chức Huyện ủy Đầm Dơi.

Ông Trần Thanh Hòa, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Đầm Dơi nói: “Ông Nguyễn Minh Dân không trung thực với Đảng, không chịu học tập để nâng cao trình độ, hoạt động không sát cơ sở sẽ bị xử lý theo qui định của Đảng”.

Văn bằng của ông Lưu Ngọc Chiến copy từ văn bằng của 2 người em
Văn bằng của ông Lưu Ngọc Chiến copy từ văn bằng của 2 người em.

Để quên ở quán thịt chó?

Tỉnh Cà Mau được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở từ lâu nhưng ông Chiến chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục ngoài xã hội. Những người công tác, làm việc, sinh sống gần ông Chiến không thấy ông học văn hóa. Nhưng khi bổ sung hồ sơ đảng viên, ông Chiến bỗng chìa ra bản phô-tô Giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở, Bằng tốt nghiệp Bổ túc trung học mang tên mình, giao cho cấp dưới chứng thực.

Những việc làm trên của ông Lưu Ngọc Chiến đã vi phạm qui định 47 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, đã làm giảm sút uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng (trích báo cáo của Ủy ban Kiểm tra).

Ông Trần Thanh Hòa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đầm Dơi cho biết, khi yêu cầu mang bản gốc để đối chiếu, ông Chiến báo với cán bộ Ủy ban Kiểm tra vừa bị mất cả chiếc cặp làm việc, tại quán thịt chó? Đối chiếu với hồ sơ gốc thì thấy các văn bằng của ông Chiến phô-tô trùng với các văn bằng gốc mang tên 2 người em của ông là Lưu Ngọc Nghĩa, Lưu Ngọc Hy.

Dư luận đảng viên và nhân dân xã Tân Trung (Đầm Dơi), ông Chiến mượn tiền dân đóng góp xây dựng cầu, và mượn tiền quĩ cha mẹ học sinh, đòi rất khó. Năm 2005, ông Chiến giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Trung (nay là Bí thư) đã mượn 3,2 triệu đồng của dân đóng góp (100.000đ/hộ) xây dựng cầu Đìa Gừa, mượn quĩ hội cha mẹ học sinh Trường tiểu học Thành Vọng 3 triệu đồng (20.000đ/học sinh), mượn 4 triệu đồng của nhân dân ấp Thành Vọng góp vốn xây dựng đường bê - tông...

Một cán bộ UBND xã Tân Trung bị ông Chiến mượn tiền nhiều lần không trả, có lần mượn đến 4 triệu đồng, với nhiều lý do rất dễ thông cảm: kẹt đột xuất, mua quà tặng cấp trên ăn Tết... Một cán bộ ở Đảng ủy xã Tân Trung cho biết thêm, ông Chiến cứ nhằm vào cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, lên chức... để mượn tiền, những người này không dám đòi, đành chịu mất cho ông Chiến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.