Ngại xử án vì sợ... mất ghế

TAND TPHCM xét xử vụ án Huyền Như. Ảnh: Văn Minh
TAND TPHCM xét xử vụ án Huyền Như. Ảnh: Văn Minh
TPO - Theo Chánh án Toà án nhân dân (TAND) TPHCM Ung Thị Xuân Hương, các vụ án dân sự tạm đình chỉ, quá hạn hầu hết phức tạp, thẩm phán ngại đưa ra xét xử vì sợ án bị hủy hoặc sửa nhiều, sẽ ảnh hưởng đến thi đua và khi hết nhiệm kỳ không được tái bổ nhiệm.  

Ngày 30/7, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII, các đại biểu (ĐB) đã yêu cầu Chánh án TAND TPHCM làm rõ vì sao số lượng án dân sự quá hạn, án tạm đình chỉ quá nhiều.

Lo án bị huỷ, sửa       

ĐB Phạm Văn Bá, trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM băn khoăn: Trong 6 tháng đầu năm, TPHCM có 1.043 vụ án đã quá hạn giải quyết. Nguyên nhân thực sự của việc để án quá hạn là gì và có giải pháp nào khắc phục?

ĐB Cao Thanh Bình nhắc: Vừa qua thường trực HĐND TPHCM đã chuyển 14 đơn thư khiếu nại tố cáo sang tòa và gửi văn bản nhắc lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba toà vẫn im re.

Bà Ung Thị Xuân Hương cho biết án dân sự ở TPHCM luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước 10%. 6 tháng đầu năm của ngành toà án được tính từ ngày 1/10 năm trước đến 31/3 năm sau, lượng án giải quyết rất ít bởi có hai tháng hầu như không xét xử để tập trung lo kiểm tra chéo (tháng 10), nghỉ tết.

Ngại xử án vì sợ... mất ghế ảnh 1

TAND TPHCM xét xử vụ án Huyền Như. Ảnh: Văn Minh

Trong khi đó TAND TPHCM đang thiếu trầm trọng thẩm phán, cần bổ sung thêm ít nhất 40 người. Toà án các quận huyện cũng thiếu gần 200 thẩm phán. “TAND tối cao quy định thẩm phán chỉ xử 4 vụ/tháng nhưng tại TPHCM bình quân mỗi người xử 14,7 vụ/tháng. Với mật độ 2 ngày/vụ, thẩm phán không còn thời gian đọc án văn, gửi văn bản yêu cầu xác minh rồi quên luôn” – bà Hương nói.

Chánh án TAND TPHCM thừa nhận có một số thẩm phán chưa làm hết trách nhiệm, năng lực hạn chế nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng xét xử. Nhiều vụ án phức tạp, thẩm phán quyết định tạm đình chỉ vì lo sau này án bị hủy hoặc sửa sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đua, không được tái bổ nhiệm (nếu tỷ lệ án hủy quá 1,16%). Năm 2014, TAND TPHCM có một thẩm phán không được tái bổ nhiệm.

Ngại xử án vì sợ... mất ghế ảnh 2

TAND TPHCM xét xử vụ án Huyền Như. Ảnh: Văn Minh

“Án quá hạn còn do chờ các cơ quan xác minh, trả lời. Những vụ quá hạn hầu hết có yếu tố nước ngoài. Có vụ kéo dài 15 năm, đương sự đã mất, người thừa hưởng lên tới cả trăm” – bà Hương nói.

Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cam kết sẽ làm việc với TAND TPHCM, xác định cụ thể các cơ quan đơn vị chậm trả lời để quy trách nhiệm cụ thể.

Đình chỉ do áp lực thi đua?

Nghị trường “nóng” lên khi ĐB Trần Trọng Dũng kể lại đợt Ban Pháp chế HĐND TPHCM giám sát ở TAND quận Bình Tân, nhiều ĐB phát hiện trong tổng số 65 vụ án tạm đình chỉ trong năm 2014 thì có 58 vụ án tạm đình chỉ rơi vào tháng 8, 9 (chiếm gần 90%). Cá biệt có thẩm phán trong một ngày ra quyết định tạm đình chỉ 7-8 vụ án.

“Chánh án giải trình với Ban Pháp chế việc đình chỉ do áp lực đến ngày 30/9 là hết hạn thi đua. Làm như vậy người dân rất thiệt thòi. Không biết có sự chỉ đạo nào của tòa án cấp trên hay không? Đề nghị chánh án TAND quận Bình Tân nói rõ” – ĐB Dũng yêu cầu.

ĐB Dương Văn Nhân cho biết thêm: Tìm hiểu một số trường hợp, chúng tôi nghe phản ánh rằng nếu không đình chỉ thì không xét được thi đua. Xin hỏi Chánh án TAND TPHCM có chỉ đạo không, hay là do quy định như vậy. Nếu do luật định thì cứ thông báo để chúng tôi giám sát nữa chứ đi đến đâu là thấy dính đến đó.

Theo giải trình của ông Lê Quang Phong, Phó Chánh án TAND quận Bình Tân, thẩm phán làm việc cả năm cũng muốn có danh hiệu thi đua, có áp lực nhưng việc tạm đình chỉ là “đúng quy định” và “không có chỉ đạo của toà án cấp trên”.

Bà Ung Thị Xuân Hương nói theo quy định, khi hết thời hạn xét xử sau 8 tháng thì tòa án mới được tạm đình chỉ. Các vụ án toà tiếp nhận từ tháng 1, 2 đến tháng 8, 9 thì hết hạn, phải tạm đình chỉ.

“Tôi sẽ làm việc lại với Tòa án quận Bình Tân. Nếu đúng là đình chỉ vì thi đua thì không thể chấp nhận”, bà Hương nói.

Cùng ngày, kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM đã chính thức bế mạc sau khi thông qua 6 nghị quyết.

Doanh nghiệp gây ô nhiễm tăng đột biến

 Trả lời chất vấn về việc di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt cho biết năm 2002 TPHCM lên kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành. Đến nay, số cơ sở chưa di dời là 6/1.400 cơ sở, trong đó có 5 doanh nghiệp nhà nước. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên Môi trường, đến đầu năm 2015, trên địa bàn lại có gần 700 cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm huyện Củ Chi (187 cơ sở), quận 9 (87 cơ sở), huyện Bình Chánh (71 cơ sở)…

MỚI - NÓNG