Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào?

Các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm.
Các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm.
TPO - Báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm: “Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào?”, với mong muốn ghi nhận ý kiến từ những khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các chuyên gia…, nhằm đánh giá đúng thực trạng khai thác cát trái phép đang nhức nhối hiện nay; gợi mở những giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn “cát tặc”.

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

tọa đàm cát tặc

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

31/03/2017 14:11

Cuộc tọa đàm bắt đầu vào lúc 14h tại tòa soạn báo Tiền Phong.

31/03/2017 14:15

Tham dự cuộc tọa đàm có các vị khách mời:

+ Ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng Cục Cục đường Thủy nội địa Việt Nam.

+ PGS.TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

+ Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng  Cục địa chất và Khoáng sản – Bộ TN&MT.

+ Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi trường.

+ Ông Từ Lương – Phó Ban tuyên giáo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Ông Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4 Cục cảnh môi trường - Bộ Công an.

31/03/2017 14:21

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 1 Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng

Mở đầu cuộc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết: 

"Từ nhiều năm nay, Báo Tiền Phong đã triển khai nhiều bài viết phản ánh hoạt động khai cát trái phép và “cát tặc” núp bóng nạo vét luồng lạch. Báo cũng nhiều lần nhận được đơn thư cầu cứu của hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông Hồng, sông Đuống, phản ánh hoạt động của cát tặc khiến dân mất ăn, mất ngủ xáo trộn cuộc sống…

Trong buổi tọa đàm ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu về giải pháp nhằm hạn chế được tình trạng nhức nhối này. Rất cám ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc tọa đàm hôm này.

Tại buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi đưa ra một số hướng để các vị tập trung trao đổi: 

1. Nhận diện những hành vi khai thác cát trái phép hiện nay như khai thác quá trữ lượng, quá khu vực được cấp phép; núp bóng nạo vét để khai thác tận thu cát; chạy giấy phép nạo vét luồng lạch để cho các tàu khác vào khai thác cát; chỉ khai thác cát còn bùn thải tiếp tục đổ xuống sông; khai thác trộm không có giấy phép… 

2. Giải pháp về mặt luật pháp, quản lý nhà nước, vai trò chính quyền địa phương, để hoạt động khai thác cát sỏi đi vào chuẩn mực, có sự quản lý của nhà nước, mạnh tay xử lý nghiêm khắc những vụ việc vi phạm nổi cộm.

31/03/2017 14:26

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 2 Cuộc tọa đàm "Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép - cách nào?". Ảnh: Như Ý

31/03/2017 14:40

Sau hàng loạt thông tin phản ánh của Tiền Phong, Bộ Công an đã vào cuộc triệt phá nhiều vụ khai thác cát trái phép có quy mô lớn, bắt giữ nhiều đối tượng và các phương tiện liên quan trên sông Hồng, địa bàn các huyện Phúc Thọ và Bắc Từ Liêm. Thống kê từ năm 2009 tới nay, lực lượng công an đã kiểm tra 88.412 trường hợp, phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm, thu gần 122 tỷ đồng. Năm 2015, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, bắt giữ đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến sông, đỉnh điểm thời gian qua các đối tượng khai thác cát trái phép còn đe dọa cả Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khiến ông này phải làm đơn cầu cứu Chính phủ.

31/03/2017 14:43

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 3 Ông Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4 Cục cảnh môi trường - Bộ Công an tại buổi tọa đàm. Ảnh: Như Ý

31/03/2017 14:43

Hình ảnh khai thác cát trái phép trên sông Lô: 
Player Loading...

31/03/2017 14:45

Ngày 31/3, Cục CSGT Bộ Công an cho biết, tối 29, sáng 30/3 lực lượng cảnh sát tuần tra đường thuỷ phối với Công an Hà Nội bắt quả tang hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép tại ngã ba sông Đà và sông Hồng, khu vực giáp ranh giữa huyện Ba Vì với tỉnh Phú Thọ. (XEM CHI TIẾT)

31/03/2017 14:53

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 4 Buổi tọa đàm. Ảnh: Như Ý

31/03/2017 14:58

Tại cuộc tọa đàm, Thượng tá Nguyền Hồng Thao - Trưởng phòng 4, Cục Cảnh môi trường (C49)- Bộ công an cho biết: chưa phát hiện dấu hiêu, hiện tượng bảo kê cho “cát tặc”.

Nói về thực trạng khai thác cát trái phép tái diễn sau khi lực lượng chức năng xử lý, ông Thao cho biết: Một số điểm, lực lượng công an trực tiếp tham gia bắt giữ, sau khi xử lý thì một số nơi các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại. Như ở Thường Tín (Hà Nội), sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, chúng tôi đã bắt giữ, chuyển cho Công an Hà Nội xử lý nhưng chỉ một thời gian sau, hoạt động khai thác cát trái phép lại tái diễn.

Phân tích về nguyên nhân, ông Thao nói: Thứ nhất về chế tài xử lý: theo quy định của pháp luật hiện hành,  xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép là không thể và chỉ có thể xử lý hành chính. Vì chưa có văn bản hướng dẫn nên chúng tôi chỉ có thể bắt giữ, còn chuyển sang khởi tố là điều hết sức khó khăn. 

Thứ hai, việc xử lý tàu gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, xử lý tang vật là phải tịch thu nhưng thực tế thông thường cả gia đình, vợ chồng con cái đều sinh sống ở trên thuyền nên xử lý hết sức khó khăn. Dù có tiến hành thu các phương tiện như máy bơm, vòi hút nhưng chỉ một thời gian sau các đối tượng lại hoạt động trở lại.

Thứ ba, khi các cơ quan chức năng lơi lỏng trong tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng lập tức khai thác trở lại ngay.

Cũng theo ông Thao, tại cuộc họp vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nói rõ: Nơi nào để xảy ra tình trạng vi phạm khai thác cát lậu thì nơi đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. 

Trả lời câu hỏi của dư luận về việc có hay không bảo kê cho cát tặc – ông Thao nói: Chúng tôi chưa thấy hiện tượng “bảo kê” cho “cát tặc”. Nhân đây tôi cũng cho rằng, chúng ta không nên dùng chữ “tặc” vì nó nặng nề quá mà nên dùng từ khai thác cát trái phép sẽ chuẩn xác hơn.

31/03/2017 14:58

"Trong gần 1 năm trở lại đây, toàn bộ lực lượng công an phát hiện 2.789 trường hợp khai thác cát trái phép, thu giữ trên 1.000 tàu, gần 7.000m3 cát nộp ngân sách nhà nước 31 tỷ đồng", ông Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4 Cục cảnh môi trường - Bộ Công an.

31/03/2017 15:04

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 5 Ông Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4 Cục cảnh môi trường - Bộ Công an tại buổi tọa đàm. Ảnh: Như Ý

31/03/2017 15:05

Player Loading...

31/03/2017 15:09

Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ TN&MT: Thực tế cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản từ năm 2012 đến nay càng ngày càng giảm cả về số lượng và loại khoáng sản khai thác. Tuy nhiên, cát sỏi lòng sông vẫn là loại bị khai thác nhiều hơn cả. 

Tại sao lại phổ biến hơn cả? Theo chúng tôi xuất phát từ bản chất của loại khoáng sản này cũng như đặc thù của nó. Đó là thứ nhất, về góc độ thành tạo địa chất khoáng sản, cụ thể là lòng sông, thường xuyên được bồi đắp, bổ sung chứ không như các khoáng sản khác. Đặc thù 2 là đều nằm ở gianh giới 2 địa phương. Đặc thù 3 là công nghệ khai thác không phức tạp, phương tiện linh hoạt, có thể di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác. Có thể khai thác bất cứ lúc nào, cả ngày cả đêm nên các cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn khi quản lý.

31/03/2017 15:12

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 6 Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ TN&MT

31/03/2017 15:15

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 7 GS. Đặng Hùng Võ. Ảnh: Như Ý

Có lợi ích nhóm không?

Tại cuộc tọa đàm, GS. Đặng Hùng Võ nhận định: Hệ thống pháp luật của ta có lỗ hổng rất lớn. Theo luật khoáng sản, việc cấp phép thuộc cấp tỉnh nhưng ngành giao thông lại có quyền cho nạo vét luồn lạch, một lúc nào đó lấn sang đi lấy cát và thực tế vừa rồi là như vậy. 

Đó là một lỗ hổng rất lớn, đáng lẽ chúng ta phải nhìn trước được việc này. Xã hội hóa luồng lạch có thể bị biến tướng, lẽ ra chúng ta phải đưa ra giải pháp để ngăn chặn. Nhưng thực tế lại xảy ra hiện tượng như ở Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua.

Vậy nhóm lợi ích có tồn tại không? Tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra gần như ở khắp nơi bởi có thể cát mang lại nguồn lợi khá lớn. Vậy liệu đứng đằng sau khai thác trái phép này có nhóm lợi ích không, nói cách khác liệu chính quyền địa phương có đứng sau không? Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi này, bởi tình trạng khai thác diễn ra nhưng nhiều nơi chính quyền cứ làm ngơ.

31/03/2017 15:16

Hình ảnh khai thác cát trên sông Hồng:
Player Loading...

31/03/2017 15:25

Ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng Cục đường Thủy nội địa Việt Nam: 

"Cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề nạo vét luồng lạch, khai thác cát, hiện nay là Thông tư 69/2015/TT-BGTVT. Tuy nhiên, Thông tư 69 đã bộc lộ một số thiếu sót, Do đó trong quý II/2017, chúng tôi sẽ đề nghị tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. 

Ví dụ như, hiện tại, mỗi khi có đấu thầu các dự án nạo vét luồng lạc, Bộ GTVT sẽ công bố các danh mục dự án và các nhà đầu tư sẽ đăng ký. Tuy nhiên, chúng tôi muốn sửa thành đấu thầu rộng rãi, chỉ có nhà đầu tư đủ điều kiện, năng lực mới có thể tham gia.

Quá trình thực hiện dự án, cơ quan nhà nước luôn cần có đội ngũ giám sát hoạt động khai thác, phương tiện khai thác xem có giấy phép hoạt động hay người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện điều khiển phương tiện và hơn hết, phải có dán biển trước phương tiện để phân biệt rõ với phương tiện được phép khai thác và không được phép".

31/03/2017 15:28

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 8 Ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng Cục đường Thủy nội địa Việt Nam. Ảnh: Như Ý

31/03/2017 15:37

Ông Từ Lương – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Trước hết, tôi đánh giá cao báo Tiền Phong đã chủ trì buổi tọa đàm “Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép- cách nào?”. Dấu hỏi mà báo Tiền Phong đặt ra nhỏ nhưng vấn đề chúng ta cần giải đáp lại rất lớn. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá việc khai thác cát trái phép. Có thể nói, đây là buổi tọa đàm đầu tiên liên quan tới vấn đề này và câu chuyện khai thác cát trái phép cũng khiến người dân bức xúc nhiều năm qua.

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 9 Ông Từ Lương – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Ông Từ Lương cho biết, qua theo dõi thì được biết có 25 tỉnh thành, phố trên cả nước để xảy ra vấn đề khai thác cát- sỏi trái phép, bức xúc nhất là ở Hà Nội và Bắc Ninh.

"Hôm nay, đề nghị Cục đường thủy nội địa Việt Nam cần đánh giá, nhìn nhận khách quan và đứng về phía người dân, cộng đồng trước khi cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp khai thác. 

Ngoài ra, chúng tôi xin kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền 25 tỉnh, thành phố có xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép như sau: 

• Doanh nghiệp nạo vét, khơi thông dòng chảy phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương và gắn định vị cho các phương tiện khai thác này.

• Cắm biển sơ đồ dự án ở điểm đầu, cuối để người dân tham gia giám sát, nếu khai thác sai phải xử lý nghiêm. 

• Với các tàu chở cát thì phải có hợp động vận chuyện, với bãi tập kết…

• Đối với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy: Nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì phải chịu trách nhiệm. Tránh để xảy ra tình trạng người dân, báo chí thường xuyên phản ánh về vấn đề khai thác cát sỏi trái phép mà vẫn để vi phạm tái diễn".

31/03/2017 15:38

Player Loading...

31/03/2017 15:49

“Có thể nói, phương thức hoạt động của những đối tượng khai thác cát trái phép hết sức tinh vi thì phía cơ quan công an gặp nhưng khó khăn nào? Các anh có gặp phải những sự bao che, “chống lưng” của những thành phần này không?” –nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đặt câu hỏi với đại diện C49 – Bộ Công an.

Thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4  - C49, Bộ Công an cho biết: Qua việc theo dõi quản lý cũng như đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép trên cả nước, chúng tôi thấy các lực lượng chức năng nói chung và Công an Hà Nội rất quyết tâm. Cuối năm ngoái, Công an Hà Nội đã tổ chức hội nghị mời Công an của 9 tỉnh giáp ranh cùng bàn luận, tìm giải pháp liên quan tới về vấn đề này. Chỉ đạo của các lực lượng nói chung và Công an nói riêng hết sức quyết liệt nhưng còn nhiều khó khăn vướng mắc nên vấn đề công tác phòng ngừa, điều tra, bắt giữ còn nhiều khó khăn.

31/03/2017 15:52

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 10

31/03/2017 15:58

“Để quản lý các đối tượng khai thác cát trái phép hết sức khó khăn. Bởi những đối tượng này rất thủ đoạn, manh động… nên các cấp chính quyền làm việc rất vất vả. Tôi xin lấy một ví dụ đó là trường hợp: Một cán bộ CSGT đường thủy của tỉnh Ninh Bình đang bắt giữ và đưa phương tiện về điểm tạm giữ thì bị đối tượng khai thác cát trái phép nhấn chìm tàu và đồng chí đó đã hi sinh” – Thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4  - C49, Bộ Công an cho biết.

31/03/2017 15:59

Player Loading...

31/03/2017 16:09

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ TN&MT: Về công tác nạo vét luồng lạch có 2 vấn đề như sau: Một là, việc nạo vét là rất thường xuyên và bình thường, quan trọng là xác định chỗ nào cần nạo vét và số lượng bao nhiêu để đảm bảo thiết kế. 

Nghị định 158 của Chính phủ, quy định rõ các tổ chức cá nhân được cấp thẩm quyền nạo vét, thu hồi khoáng sản đều phải đăng kí khối lượng, thời gian… và thực hiệc các nghĩa vụ đề ra. Điều quan trong là phải giám sát nó xem có thực hiện đúng hay không. Đảm bảo đúng tuyến đường, thiết kế, ngành giao thông phải kiểm tra giám sát, đối với doanh nghiệp khai báo số lượng bao nhiêu thì chính quyền đia phương phải quản lý điều đó. 

Hai là, trách nhiệm của bộ TN&MT trong vấn đề này: Chính phủ đã giao cho bộ TN&MT xây dựng thông tư về quản lý lòng sông. Bộ TN&MT có kiến nghị với Chính phủ chủ trì cuộc họp với các tỉnh có liên quan để điều tra đánh giá tài nguyên cát. Trên cơ sở đó đề xuất quy hoạch chung của từng địa phương, đặc biệt quản lý lưu vực sông, đảm bảo an toàn các lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy, môi trường…

Ngoài ra, cần tích hợp 2 nội dung liên quan đến nạo vét lòng sông của cấp cơ quan địa phương và trách nhiệm quản lý lòng bờ bãi sông.

31/03/2017 16:10

Player Loading...

31/03/2017 16:12

PGS.TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Việc hút cát, ngay cả để thông luồng, đều rất nguy hiểm. Hút cát sẽ hạ mức nước ngầm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái lòng sông, lượng cát mịn ngày càng giảm sẽ chỉ còn lại cát thô gây nên tình trạng thô hóa lòng sông… Vì vậy, mỗi khi tiến hành hút cát lòng sông, đơn vị thực hiện phải tính toán rất kĩ càng để không ảnh hưởng đến sông, hệ sinh thái sông và hệ sinh thái gần sông.

Không chỉ cát sông, tình trạng khai thác cát biển cũng đáng báo động. Bán cát rất dễ, chỉ cần ra giá và bên mua sẽ chủ động đưa phương tiện, nhân lực đến khai thác. Tuy nhiên, hệ lụy về sau sẽ không đơn giản. Nếu tiếp tục bán cát, bờ biển sẽ ngày càng xói mòn mạnh, đồng nghĩa với xâm thực càng trầm trọng. Đây là hệ lụy mà không trình nhân tạo nào có thể giải quyết được. Bởi, không có bãi cát thì các công trình khó tồn tại lâu được. Bãi cát có tác dụng rất lớn đối với bờ biển, không chỉ bảo vệ bờ biển mà còn liên quan đến giá trị phát triển du lịch. Ví dụ như tình trạng khai thác cát ở bãi biển Cửa Đại. Tỉnh Quảng Nam nhiều lần bán cát, ra chỉ thị dừng bán cát, rồi lại bán, khiến bãi biển dần mất đi vẻ đẹp vốn có.

“Tôi cho rằng, lợi ích nhóm ở đây là rất lớn, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ chính phủ và các bộ ban ngành, sức tàn phá bờ biển không thể tượng tượng được, nhất là trong giai đoạn toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”- ông Ca nói.

31/03/2017 16:13

Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào? ảnh 11 PGS.TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Như Ý

31/03/2017 16:13

Player Loading...

31/03/2017 16:16

GS. Đặng Hùng Võ cho biết: Tôi cho rằng hình như chủ trương xã hội hóa nạo vét sông chắc phải xem xét lại. Nếu chỉ có nạo vét trên đúng luồng thì chắc chắn doanh không làm, thế thì phải cho họ làm thêm cái này cái kia thì mới đủ thu hồi. Vậy chủ trương xã hội hóa có vấn đề. Chắc chắn sẽ có câu chuyện lệch lạc, mà chúng ta phải xem xét chỉnh đốn lại cho hợp lý. 

Chúng ta có thừa giải pháp. Tôi nhất trí với giải pháp minh bạch thông tin bên MTTQ đưa ra, nhưng tôi cho rằng điều đó phải gắn với kỹ thuật. Nghĩa là cần phải làm một trang thông tin điện tử chuyên về chủ đề ngăn chặn, chống khai thác cát sỏi trái phép. Về xử lý thì cứ phương tiện nào không đăng ký là tịch thu và chỉ phương tiện đã đăng ký mới được khai thác. Đăng ký thế nào khai thác như thế, không được khai thác gấp năm, gấp mười lần đăng ký. Thứ nữa, lực lượng giám sát, nên giao cho ngành TN&MT từ cấp bộ đến cấp sở. Khâu kiểm tra của nhà nước tôi cho rằng không khó. Còn vế nữa là người dân tham gia thế nào? Theo tôi, nên công khai thông tin ở trụ sở UBND xã để người dân tiếp cận, giám sát.

31/03/2017 16:16

Player Loading...

31/03/2017 16:18

Ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng  cục Cục đường Thủy nội địa Việt Nam: Đối với các hoạt động nạo vét tận thu, chúng tôi cam đoan chỉ hướng đến mục đích đảm để đảm bảo giao thông đường thủy nội địa. Sau mùa bão lũ thường xuất hiện những điểm cạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường thủy ở địa phương. Tính trên địa bàn Hà Nội, các tuyến đường thủy bị khan cạn, khiến hàng chục phương tiện ùn tắc, còn tiềm ẩn nguy cơ chìm đắm.

Trước khi giao các dự án nạo vét luồng lạch, chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và  quy chuẩn thiết kế chiều sâu, phạm vi luồng nạo vét (dùng phao để giới hạn phạm vi)…

Còn việc có tồn tại lợi ích nhóm hay không, tôi muốn nói, khi đăng ký danh mục dự án, các nhà thầu đều muốn dự thầu ở những địa điểm có thể tận thu, sinh lời cao nhất.

31/03/2017 16:19

Ông Từ Lương - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tôi rất đồng tình với những đánh giá của GS Đặng Hùng Võ. Đề nghị mới đây của Bộ GTVT về việc tạm dựng toàn bộ các dự án xã hội hóa, nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa rất hợp lòng dân, giảm thiểu tối đa hệ lụy của vấn nạn này. Nhìn vào thực trạng khai thác cát trái phép hiện nay có thể thấy công tác quản lý nhà nước còn buông lỏng, chính quyền các cấp thiếu trách nhiệm.

“Theo quy định, các phương tiện chỉ được tận thu 8 tiếng/ngày nhưng vào mùa cao điểm họ tận thu 24/24. Tuy nhiên, không cơ quan nào đứng ra xử lý, chỉ khi người dân bị xâm phạm quyền lợi thì họ phản ứng bằng nhiều cách: đánh trống, hò hét, thậm chí xung đột với những đối tượng “cát tặc”. Những đối tượng khai thác trái phép có bị xử lý không? Lực lượng tuần tra xuất hiện nhưng không xử lý với những lý do như: thiếu phương tiện, lực lượng mỏng,… “ – ông Từ Lương nêu vấn đề.

31/03/2017 16:27

Buổi tọa đàm kết thúc. Thay mặt báo Tiền Phong, Phó Tổng biên tập, nhà báo Phùng Công Sưởng gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời.

Từ nhiều năm nay, Báo Tiền Phong đã triển khai nhiều bài viết phản ánh hoạt động khai cát trái phép và “cát tặc” núp bóng nạo vét luồng lạch. Báo cũng nhiều lần nhận được đơn thư cầu cứu của hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông Hồng, sông Đuống, phản ánh hoạt động của cát tặc khiến dân mất ăn, mất ngủ xáo trộn cuộc sống…

Sau hàng loạt thông tin phản ánh của Tiền Phong, Bộ Công an đã vào cuộc triệt phá nhiều vụ khai thác cát trái phép có quy mô lớn, bắt giữ nhiều đối tượng và các phương tiện liên quan trên sông Hồng, địa bàn các huyện Phúc Thọ và Bắc Từ Liêm. Thống kê từ năm 2009 tới nay, lực lượng công an đã kiểm tra 88.412 trường hợp, phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm, thu gần 122 tỷ đồng. Năm 2015, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, bắt giữ đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến sông, đỉnh điểm thời gian qua các đối tượng khai thác cát trái phép còn đe dọa cả Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khiến ông này phải làm đơn cầu cứu Chính phủ.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3/2017.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ làm rõ sau lưng nhóm khai thác trái phép là những tổ chức tội phạm nào? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, sao lại có chuyện nạo vét luồng lạch mà cát thì cho lên tàu còn bùn và rác để lại. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nói, có tình trạng cấp phép nạo vét lòng sông nhưng lại cắm vòi vào bờ để hút cát.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đồng loạt lên tiếng về hoạt động tinh vi của cát tặc. Điển hình như ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội nói: “Dưới lòng sông là thế giới ngầm của xã hội đen; đương đầu với nạn cát tặc là một thách thức rất lớn khiến chủ tịch tỉnh cũng phải làm đơn cầu cứu”.

Trong bối cảnh trên, báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm: “Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào?”, với mong muốn ghi nhận ý kiến từ những khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các chuyên gia…, nhằm đánh giá đúng thực trạng khai thác cát trái phép đang nhức nhối hiện nay; gợi mở những giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn “cát tặc” hiệu quả.

-Thời gian diễn ra Toạ đàm: Từ 14h đến 15h30 ngày 31 tháng 3 năm 2017

- Địa điểm: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên báo Tiền Phong điện tử www.tienphong.vn, và Fanpage của Báo Tiền Phong.

Báo Tiền Phong mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ quý đọc giả để cuộc tọa đàm thêm hiệu quả. Các ý kiến vui lòng gửi về email: onine@baotienphong.com.vn

MỚI - NÓNG