Ngân hàng cưỡng doanh nghiệp?

Ngân hàng cưỡng doanh nghiệp?
TP - TAND tỉnh Hải Dương vừa mở tòa xét xử vụ Ngân hàng Habubank (gọi tắt là Ngân hàng) khởi kiện Doanh nghiệp tư nhân Thế Anh (gọi tắt là Doanh nghiệp, trụ sở phường Hoàng Tân, TX Chí Linh, Hải Dương) để đòi hai khoản nợ quá hạn.

Với tư cách bị đơn, Doanh nghiệp cũng đưa ra một số yêu cầu phản tố, yêu cầu Ngân hàng phải xin lỗi do đã thu giữ tài sản trái pháp luật; huỷ hợp đồng bán tài sản Ngân hàng đã thực hiện, trả lại tài sản cho Doanh nghiệp; bồi thường thiệt hại...

Theo hồ sơ vụ án, ngày 21-12-2007, Doanh nghiệp vay Ngân hàng 500 triệu đồng để mua 04 ô tô tải nhỏ VINAXUKI, tài sản thế chấp chính là 04 chiếc ô tô. Do kinh doanh khó khăn, Doanh nghiệp nhiều lần không trả nợ đúng hẹn.

Ngày 13-5-2009, cán bộ Ngân hàng đến nhà riêng ông Nguyễn Văn Bàn - chủ Doanh nghiệp, khi gia đình không ai ở nhà. Cán bộ Ngân hàng và một số người mở cổng, vào sân, “cưỡng chế” đưa đi 2 chiếc xe ô tô.

Sau hơn 9 tháng thu giữ, ngày 23-2-2010, Ngân hàng có quyết định bán 2 chiếc xe. Ngày 9-3-2010, hợp đồng mua bán giữa Ngân hàng và Cty TNHH Xuân Hùng được ký, không có Doanh nghiệp tham gia. Hợp đồng này nêu 2 chiếc xe “thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Thế Anh”, song không trích dẫn được ý kiến nào của Doanh nghiệp đồng ý để Ngân hàng bán tài sản của họ.

Bản án sơ thẩm TAND tỉnh Hải Dương nhận định, Ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo của Doanh nghiệp là “không thực hiện đúng Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về giao dịch đảm bảo”; về việc bán tài sản, bản án nhận định “Ngân hàng không đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên thế chấp”.

Tuy chỉ ra nhiều sai phạm của Ngân hàng, song Tòa bác bỏ hầu hết yêu cầu phản tố của Doanh nghiệp, trong đó có yêu cầu được nhận lại tài sản (trước toà, Doanh nghiệp đòi xe, Ngân hàng đồng ý “trả lại 1 chiếc”; bên nguyên, bên bị thống nhất như vậy, song ý chí của họ vẫn bị toà bác).

Theo quy định pháp luật, phía cho vay chỉ được bán tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu đồng ý; nếu họ không đồng ý, cơ quan tài phán sẽ là toà án. Hồ sơ vụ án thể hiện, Doanh nghiệp luôn đề nghị Ngân hàng để họ bán tài sản đảm bảo, không tài liệu nào cho thấy họ đồng ý để Ngân hàng toàn quyền định đoạt.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, cùng với việc thu giữ trái luật, việc Ngân hàng đơn phương bán tài sản đảm bảo đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp của Doanh nghiệp. Hợp đồng mua bán giữa Ngân hàng và Cty Xuân Hùng vi phạm các quy định cơ bản của Bộ luật Dân sự, cần được tuyên vô hiệu. Đây cũng là nội dung kháng án của Doanh nghiệp sau phiên toà sơ thẩm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG