“Ngân hàng di động” ở cửa khẩu Lao Bảo

“Ngân hàng di động” ở cửa khẩu Lao Bảo
TP - Ba chiếc xe chở đoàn du khách Thái Lan vừa dừng lại ở mấy quán cóc ven đường bên phải cửa khẩu. Đám đông gần 50 phụ nữ, vai mang túi tiền kè kè lập tức ập đến...
“Ngân hàng di động” ở cửa khẩu Lao Bảo ảnh 1
Những “ngân hàng di động” ở Lao Bảo

Nghề “ăn theo lốp xe”

Gần 15 năm từ ngày Lao Bảo (Quảng Trị) trở thành cửa khẩu quốc tế trên đường 9 sang nước bạn Lào.

Trước đó, từ những năm 1980 hàng hóa Thái Lan, được trung chuyển qua Lào và đổ bộ vào Việt Nam theo con đường này. Thị trấn Lao Bảo bỗng chốc biến thành “kinh đô hàng lậu”.

Hàng hóa từ đây được đưa về thị xã Đông Hà, rồi chảy ra Bắc vào Nam theo mọi nẻo đường, mọi phương tiện. Từ hàng điện tử, thuốc lá, rượu tây, vải vóc, thuốc tây, mỹ phẩm...đều được “tuồn” qua vùng biên giới này.

Nhiều người dân Lao Bảo giàu chóng vánh và trở thành các đại gia. Họ nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề và thu xếp êm ấm bằng việc hình thành các nông trại chăn nuôi và đồn điền cà phê giữa bạt ngàn rừng núi.

Bản Katăng (thị trấn Lao Bảo) cũng nhanh chóng hội nhập. Ở đây từ bác xe ôm người Kinh, đến cô gái kéo xe bò thôn bản, đều có thu nhập khá cao. Hàng trăm ngành nghề dành cho tất cả mọi người. Họ có cuộc sống tốt nhưng không phải phụ thuộc vào việc buôn hàng lậu như xưa.

“Nghề chúng tôi là nghề “ăn theo lốp xe”. Khi mỗi bác tài xế trả số, kéo thắng tay, xe dừng hẳn, là chúng tôi có thu nhập!” - Ông Trần Hùng - 32 tuổi, người dân bản Katăng, hành nghề xe kéo, nói chắc nịch. Do lợi thế nằm sát cửa khẩu, nhưng do đất đai cằn cỗi, chịu ảnh hưởng nặng của gió Lào, nên đồng bào trong bản này đã tự chọn cho mình con đường kiếm cơm riêng.

Trên chiếc xe bò đã được cải tiến dài gần 3 mét, rộng 1,5 mét dành cho 5 người sử dụng, hàng hóa được chất đầy ắp.  Bốn mùa quanh năm, từ sáng sớm đến lúc tối mịt, những đoàn người vẫn miệt mài kéo hàng qua cửa khẩu.

Trừ những chuyến hàng lớn xuất khẩu theo dạng chính ngạch sau khi làm thủ tục hải quan và chạy thẳng qua cửa khẩu. Những xe hàng nhỏ lẻ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, được các chủ hàng thuê đội xe kéo này chuyển qua biên giới.

Mekhên và Mehiên là hai chị em sinh đôi đều đã 54 tuổi, người Pakô, đang kéo một xe bò chở đầy hàng từ máy nông cụ, máy xay xát, dây điện, văn phòng phẩm, lương khô, cho biết:

“Một xe này chúng tôi vận chuyển qua biên giới được chủ hàng trả 40.000đồng. Qua bên Lào nộp lệ phí 10.000 kíp (khoảng 16.000 VNĐ) kéo thẳng vào chợ Karôn tập kết ở đó. Rồi từ chợ Karôn có người chuyển đi nơi khác tiêu thụ”.

Hàng hóa từ bên Lào nhập về Lao Bảo cũng thông qua những người xe kéo này theo chiều ngược lại. Mekhen cho biết thêm, mỗi ngày vận chuyển chừng mười chuyến hàng qua biên giới. Cuối ngày tính tổng thu nhập và chia đều cho từng người. Ngày ít nhất cũng kiếm được gần trăm ngàn, đủ sống cho cả nhà.

Bản Katăng có 135 hộ, gần 650 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Pakô và Vân Kiều, hầu như 100% đều hành nghề xe kéo và xe ôm. Chạy xe máy quanh bản Katăng một vòng, chúng tôi bất ngờ trước sự phồn thịnh của bản làng này. Nhà nào cũng được xây cất khang trang, sạch sẽ, nằm sát bên tuyến đường nhựa rộng thênh thang. Nội thất nhà nhà được trang bị đầy đủ từ tủ lạnh, ti vi, máy giặt và xe máy loại xịn.

Những “ngân hàng di động”

Ba chiếc xe chở đoàn du khách Thái Lan vừa dừng lại ở mấy quán cóc ven đường bên phải cửa khẩu. Đám đông gần 50 phụ nữ, vai mang túi tiền kè kè lập tức ập đến. Qua một hồi trao đổi bằng nhiều thứ tiếng Anh - Việt - Lào - Thái, rồi những cuộc giao dịch diễn ra chớp nhoáng. Tất cả các ngoại tệ từ đồng bath, USD, Euro, kíp,.. được các “ngân hàng di động” nhanh chóng quy đổi ra tiền đồng cho du khách mua sắm.

Tùy theo từng du khách và từng “ngân hàng” mà các nhà buôn tiền này có một tỷ lệ lời nhất định. Nhưng hầu hết họ đều có lợi nhuận khá cao so với tỷ giá chênh lệch ngoại tệ từ các ngân hàng Nhà nước.

Một du khách Thái Lan vừa đổi tiền cho biết: “Chúng tôi tìm mãi chẳng thấy ngân hàng đâu cả, đành phải đổi tiền trôi nổi”. Lê Thị Hồng Gấm - người ở thị xã Đông Hà, một trong những “ngân hàng di động” có thâm niên, tiết lộ: “Tỷ giá đồng kíp, đồng bath trong ngày thì điện thoại sang bên Lào cho một đầu nậu thu gom tiền sẽ biết. Tỷ giá đồng USD, Euro thì thấp hơn tỷ giá ngân hàng trong ngày vài giá là được. Chúng tôi cũng là những người “ăn theo lốp xe” nhưng ít đổ mồ hôi hơn thôi”.

Một “ngân hàng di động” cho biết: “Nếu có các ngân hàng của Nhà nước nào được thành lập ở đây cũng khó cạnh tranh lại chúng tôi. Bởi chúng tôi “cơ động” hơn về tỷ giá, biết cách chào mời khách, đổi nhanh chóng và có thể cho khách thiếu nợ bất kỳ lúc nào, vì hầu hết là người quen”.

Trước đây, có một kho bạc mở cửa giao dịch ở đây một thời gian nhưng rồi sau đó dẹp mất, không biết lý do gì, nên càng khiến những “ngân hàng di động” nở rộ.

MỚI - NÓNG