Ngang nhiên xây nhà trái phép trên hồ sen Đầm Trị

Ngang nhiên xây nhà trái phép trên hồ sen Đầm Trị
TPO - Đầm Trị là hồ sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây (Hà Nội), với diện tích khoảng 70.000m2 và thu hút rất đông du khách tới thăm quan, chụp ảnh. Đáng tiếc là thời gian gần đây, mặt hồ đang bị lấn chiếm bởi những công trình không phép và rác thải.

Ngang nhiên xây nhà trái phép trên hồ sen Đầm Trị ảnh 1 Nhìn từ xa, rất dễ nhận thấy một ngôi nhà sàn kiên cố dựng ngay trên mặt hồ sen Đầm Trị. 

Từ nhiều năm nay, một công trình kiên cố tương tự nhà sàn mọc lên ngay trên mặt hồ Đầm Trị (còn gọi là ao Thủy Sứ trên, ở phường Quảng An). Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này được hộ gia đình ông Vũ Hoa Thảo dựng lên có diện tích cả trăm m2. Việc làm này khiến nhiều người dân sống tại khu vực xóm Chùa (tổ 14, phường Quảng An) bức xúc và đã nhiều lần đề nghị chính quyền cưỡng chế, trả lại mặt bằng tự nhiên vốn có của ao Thủy Sứ.

Hợp đồng một đằng, làm một nẻo

Được biết, để khai thác và quản lý có hiệu quả hồ Đầm Trị, ngày 5/1/2015, UBND phường Quảng An (gọi tắt là bên A) đã ký hợp đồng số 01/HĐ- HLCS giao khoán khu vực hồ Đầm Trị cho ông Vũ Hoa Thảo (gọi tắt là bên B, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An (là đại diện bên nhận khoán) để nuôi trồng thủy sản.

Hợp đồng này ký kết có thời gian giao khoán từng năm một. Khi hết hạn, nếu đại diện bên nhận khoán có nhu cầu tiếp thì gửi đơn ra UBND phường để phường ra Quyết định và các bên tiếp tục ký hợp đồng giao khoán mới.

Theo hợp đồng giao khoán giữa UBND phường Quảng An và ông Vũ Hoa Thảo ký năm 2015, tại Khoản 3.2, Điều 3 nêu rõ về trách nhiệm của bên đại diện nhận khoán: “… Bảo quản, quản lý trông coi, canh tác diện tích hoa lợi. Không được phép lấn chiếm hay tự ý san lấp, tôn tạo, xây dựng các công trình nổi hoặc ngầm nếu không được phép của bên A”.

Nếu bên B xây dựng các công trình tạm hỗ trợ việc thu hoa lợi mà không được sự đồng ý bằng văn bản của bên A hoặc để người khác lấn chiếm, xây dựng các công trình thuộc diện tích được giao khoán mà không thông báo hoặc phối hợp bên A giải quyết… sẽ bị bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng, không được đền bù thiệt hại.

Kèm theo với bản hợp đồng giao khoán này, ông Vũ Hoa Thảo còn viết Bản cam kết trong đó có nội dung “không lấn chiếm hoặc để người khác lấn chiếm, xây dựng các công trình tạm… mà không được phép bằng văn bản của UBND phường...”.

Tuy nhiên, sau khi có được hợp đồng trên, được khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, ông Thảo đã cho lấp một phần bờ của ao Thủy Sứ và dựng nhà sàn trên mặt hồ có diện tích lên tới cả trăm m2, với cột bê tông kiên cố.

Ngang nhiên xây nhà trái phép trên hồ sen Đầm Trị ảnh 2 Cổng vào căn nhà xây dựng trái phép được cho là nơi chuyên sản xuất, chế biến chè sen.

Thanh tra xây dựng không biết gì?

Theo ông Chế Ngọc Phong, người dân sống ở xóm Chùa, sự việc này diễn ra vào khoảng tháng 4/2016 và nhiều người dân sinh sống ở đây đã kiến nghị đến chính quyền địa phương về việc UBND phường Quảng An sau khi ký hợp đồng giao khoán cho ông Vũ Hoa Thảo nhưng ông Thảo đã cho người đổ phế thải, lấn chiếm hồ Đầm Trị khoảng 500m2; xây dựng nhà trái phép có diện tích cả trăm mét vuông. Trong quá trình quản lý khai thác ao Thủy Sứ, gia đình ông Thảo còn nuôi thả gia cầm gây mùi hôi thối, mất vệ sinh môi trường nhưng không được xử lý.

Ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, năm 2015 ông Thảo có làm đơn xin phép UBND phường Quảng An làm lều để trông coi, bảo vệ hồ Đầm Trị và sơ chế chè sen. Nhằm khai thác hiệu quả việc khai thác mặt hồ, UBND phường Quảng An đã ký hợp đồng giao khoán hoa lợi với hộ ông Vũ Hoa Thảo.

Trong quá trình khai thác, ông Thảo đã dựng nhà trên mặt hồ kiên cố, đổ cọc bê tông. Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, UBND phường đã kiểm tra và cũng đã yêu cầu tháo dỡ, đập bỏ phần cột bê tông, trả lại mặt bằng cho Đầm Trị.

“Về việc đổ phế thải lấn chiếm hồ Đầm Trị, do việc đổ thải vào ban đêm nên không thể xác định được người đổ. UBND phường cũng đã xử lý khôi phục hiện trạng ban đầu. Ngôi nhà ông Thảo dựng trên mặt hồ chỉ có vài chục mét vuông để trông coi hồ và sơ chế chè sen theo mùa. Còn việc người dân khiếu nại chuyện ông Thảo chăn nuôi gia cầm gây mùi hôi thối, mất vệ sinh là không có. Ông Thảo chỉ nuôi vài con vịt trời, khách có nhu cầu thì họ phục vụ luôn”, ông Đặng Văn Hồi cho biết.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 26/5, khu vực mặt ao Thủy Sứ vẫn tồn tại ngôi nhà kiên cố có diện tích cả trăm m2; bờ sát đường đi, khu dân cư xóm Chùa, tổ 14 phường Quảng An đã được san lấp, láng xi măng, trồng cây có diện tích hàng trăm mét vuông. Vậy không biết chính quyền phường Quảng An đã xử lý và khôi phục lại hiện trạng ban đầu ở đâu theo như lời ông Hồi?

Ngang nhiên xây nhà trái phép trên hồ sen Đầm Trị ảnh 3 Cho đến ngày 26/5, ngôi nhà sàn này vẫn ngang nhiên tồn tại ngay trên mặt hồ Đầm Trị, không hề bị xử lý. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Tây Hồ (Sở TTXD Hà Nội) cho biết, đội chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc ao Thủy Sứ (hồ Đầm Trị) bị lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép. Nếu đúng có việc lấn chiếm như phản ánh thì là điều không thể chấp nhận được.

“Vi phạm như thế thì cần phải được xử lý. Sai đến đâu xử lý đến đấy! Tuy nhiên, việc này thuộc về Phòng TN&MT. Nếu cứ lấn chiếm như thế, trồng cây, dựng nhà nếu phải đền bù thì nhà nước lấy tiền đâu ra. Đối với việc xây dựng nhà trên mặt hồ, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý dứt điểm chứ không để chuyện biến của công thành của tư được”, ông Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.