Ngày mai, "bảo mẫu" hành hạ trẻ em ra toà

Ngày mai, "bảo mẫu" hành hạ trẻ em ra toà
Sau 2 tháng tạm giam điều tra, sáng mai (18.3) TAND TP.Biên Hoà (Đồng Nai) sẽ đưa "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tội "Cố ý gây thương tích".

Theo Chánh án Huỳnh Trung Cang, đây là vụ án điển hình của nạn bạo hành trẻ em. Vì vậy toà sẽ xét xử lưu động nhằm mục đích răn đe giáo dục chung.

Cơm chan cùng nước mắt, đòn roi

Với điều tra cùng 125 bút lục ghi lời khai của bị cáo Quảng Thị Kim Hoa và các cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cáo trạng VKSND TPBH kết luận:

Bà Hoa mở điểm giữ trẻ tại nhà (số 1/2 KP 3 P.Quyết Thắng TPBH) từ năm 2004, không xin phép ngành chức năng. Nơi giữ trẻ là... hành lang nhà. Trẻ được giữ khoảng từ 1-6 tuổi và thường có 7-10 bé. Giá bà Hoa thu từ 300.000 - 600.000 đồng/cháu/tháng.

Tháng 11.2007, Phòng GD TPBH cùng UBND P.Quyết Thắng kiểm tra và yêu cầu bà Hoa phải thực hiện đúng theo quy định Bộ GDĐT về cơ sở vật chất cũng như chăm sóc trẻ. Tuy nhiên tháng 1.2008, bị cáo tiếp tục nhận giữ 9 cháu, giá được nâng lên từ 600.000 - 1000.000 đồng/cháu/tháng.

Hàng ngày bà Hoa cho các bé ăn trưa lúc 11h, ăn chiều lúc 16h. Đến bữa, bà Hoa đặt các bé lên ghế cao (30cm), ngồi trước mặt đút cơm, đặt phía dưới là cái thước và cái lược nhựa (mỗi cái dài 20cm) để... vụt vào đầu, mặt miệng vai nếu bé nào hay lười ăn hoặc khóc.

Khoảng 11h ngày 12.1.2008, bà Hoa vừa đút cơm, vừa chửi, vừa dùng thước nhựa vụt mạnh vào 2 má các bé Phan Thành Đạt (hơn 1 tuổi - con chị Võ Mỹ Phụng), Nguyễn Anh Kiệt (3 tuổi), Phương Kiến Thành (4 tuổi) đều là cháu ruột. Các bé càng khóc lớn thì càng bị bà Hoa đánh mạnh hơn.

Phẫn nộ đến tột đỉnh vào trưa ngày 13.1.2008, bà Hoa vừa đút cơm vừa dùng thước vả bôm bốp vào 2 má bé Huỳnh Thị Mỹ Duyên (chưa đầy 3 tuổi, con chị Nguyễn Thị Vân).

Bà "bảo mẫu" còn bặm môi trợn mắt nắm tóc giật ngửa mặt bé Duyên lên, dùng tô nhựa đang đựng cơm hất mạnh nhiều cái từ dưới lên trên vào cằm cháu.

2 con bà Hoa là Lâm Anh (sinh 1988) và Lâm Anh Thi (sinh 1991), kẻ dùng chân đá, dùng tay ấn đầu bé Nguyễn Anh Hào, người vừa đút cơm vừa dùng thước đánh các bé.

Dùng nước để... xoá vết tích

Thường sau khi bị đánh, trên người các bé để lại vết hằn đỏ nhưng sau khi được bà Hoa tắm rửa (chuẩn bị trả con về cho gia đình) thì những vết này... biến mất. Vì vậy các bậc cha mẹ không hề biết.

Kết quả giám định pháp y cho thấy, bé Duyên bị sưng nề đỉnh đầu phải không rõ hình, xây xát da gò má, xuất huyết góc ngoài kết mạc mắt, bầm tím đỉnh vai phải và trái. Rối loạn bệnh lý chưa biệt định sau chấn thương. Tỉ lệ thương tật toàn bộ 3%.

Bé Đạt quấy khóc nhiều, toàn thân phát ban đỏ, xây xát môi trên. Điện não đồ thể hiện có rối loạn bệnh lý chưa biệt định. Tỉ lệ thương tật toàn bộ 1%.

Với tất cả hành vi trên, VKSND TPBH đề nghị truy tố bà Hoa ra toà với tội danh "Cố ý gây thương tích"; buộc bồi thường chi phí điều trị thương tích cho cháu Duyên (mẹ bé yêu cầu bồi thường 6,8 triệu đồng).

Riêng hành vi của 2 con bà, do tính chất mức độ không lớn nên chỉ xử phạt hành chính.

Được biết, thẩm phán Ngô Thanh Sĩ (TAND TPBH) là chủ toạ phiên toà. Tham gia phiên toà lưu động này có 6 nhân chứng và gia đình người bị hại. Mới đây, người nhà của bà Hoa đến TAND TPBH nộp 1 triệu đồng tiền nhằm khắc phục hậu quả với bé Duyên.

Trao đổi với PV trước ngày xét xử, luật sư Gia Minh (đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, người bào chữa cho bà Hoa) cho rằng, cái sai của thân chủ mình còn do không được đào tạo, tập huấn, giám sát chặt về chuyên môn.

Vì vậy ngoài trách nhiệm bà Hoa thì 2 cơ quan là Phòng GDĐT TPBH (quản lý chuyên môn) và UBND phường Quyết Thắng (quản lý về nhà nước) còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong vụ án. Tuy nhiên cáo trạng của VKSND TPBH không hề đề cập đến trách nhiệm 2 cơ quan này.

Theo Ngô Sơn
Lao Động

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.