Nghi phạm giết người cướp vàng đối diện án tử hình

Nghi phạm giết người cướp vàng đối diện án tử hình
TPO - Theo Luật sư Phạm Văn Huỳnh, Trưởng văn phòng luật sư Tâm – Đức, hành vi của Nguyễn Hữu Dưỡng có mục đích giết người cướp của. Do đó, có thể nghi phạm này phải nhận mức án cao nhất: tử hình.

> Nghi phạm khai giết người lấy tiền trả nợ

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (phải) tại phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Luật sư Phạm Văn Huỳnh (phải) tại phiên tòa xét xử
Lê Văn Luyện. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 20-2, ông Huỳnh cho rằng, Nguyễn Hữu Dưỡng - nghi phạm giết bà chủ hiệu vàng Vững Bắc (Thường Tín, Hà Nội) chiều 16 - 2, có sự chuẩn bị trước.

Theo luật sư này, Dưỡng đã chuẩn bị hung khí trong người (đi xe máy, chuẩn bị một con dao, một súng bắn điện dùng làm hung khí gây án và mua một chiếc nhẫn kim loại màu vàng với giá 40.000 đồng). Camera an ninh ghi lại, cho thấy, hành vi của nghi phạm là giết người trước rồi mới cướp (cướp dây chuyền của nạn nhân, sau đó ra đập tủ định lấy vàng). Sau đó, tên này giết bà chủ tiệm vàng.

“Như vậy, có thể nhận thấy, hung thủ đã cố ý giết người, thực hiện tội ác đến cùng. Hành vi của bị cáo phải nhận mức án cao nhất, từ chung thân đến tử hình” – luật sư Huỳnh nhận định.

Cũng theo luật sư Huỳnh, ở đây bị cáo đầu thú chứ không phải tự thú. Tức là khi nhận thấy không thể trốn tránh được, mới ra đầu thú.

"Đầu thú chỉ là một mức xem xét thôi, nếu kết hợp với việc gia đình có thân nhân tốt, có công với cách mạng mới có khả năng không tử hình. Tuy nhiên, nếu không có các tình tiết trên thì bị cáo sẽ phải nhận mức án cao nhất là tử hình" -luật sư Huỳnh nêu quan điểm.

Luật sư Trần Đình Triển. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Luật sư Trần Đình Triển. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) nói: “Tôi theo dõi qua báo chí và xem trực tiếp video clip về vụ giết người cướp tiệm vàng ở Thường Tín. Theo tôi, trong trường hợp này, dù xem xét ở các tình tiết giảm nhẹ như việc đầu thú, hay gia đình có công với cách mạng (nếu có), nhưng có thể thấy hành vi của hung thủ quá dã man, mất nhân tính. Hành vi này đã cấu thành hai tội là giết người và cướp tài sản. Với tính chất dã man, nghiêm trọng như vậy, phải áp dụng mức án cao nhất là tử hình”.

Cũng theo luật sư Triển, nhìn nhận về góc độ pháp luật, đặc biệt là từ sau vụ giết người cướp tiệm vàng dã man ở Bắc Giang, đã có một số vụ án cướp tiệm vàng tiếp tục xảy ra. Do đó, cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Hung thủ Nguyễn Hữu Dưỡng tại cơ quan điều tra
Nguyễn Hữu Dưỡng tại cơ quan điều tra.

Trước đó, ngày 19-2, phóng viên Tiền Phong có mặt tại gia đình Nguyễn Hữu Dưỡng ở Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình.

Theo lời kể lại, tối 16-2, khi Dưỡng về nhà, có biểu hiện nôn khan, ôm bụng kêu đau. Nhìn thấy vết máu ở trên áo, bố mẹ vợ hỏi, Dưỡng trả lời, đi lấy số tiền 200 triệu đồng về trả nợ cho bố, qua đoạn Phố Nối (Hưng Yên) thì bị bốn thanh niên đi trên xe máy khống chế, cướp. Dưỡng giật được con dao và đâm một trong số bốn tên cướp, sau đó bọn chúng bỏ chạy. Thấy con rể hoang mang, bố mẹ vợ đưa Dưỡng sang nhà bố mẹ đẻ, gọi y tá đến thăm khám.

Về nhà, Dưỡng luôn trong trạng thái hoảng loạn, mệt mỏi, nôn khan. Đến hôm sau, khi chú ruột nghe được tin tức trên báo chí và xem clip về vụ giết người cướp tiệm vàng ở Thường Tín, thấy nghi ngờ nên đã gạn hỏi Dưỡng. Cuối cùng, Dưỡng đành phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sau đó, gia đình đã động viên, đưa Dưỡng đi đầu thú.

Diễn biến vụ án giết người cướp tiệm vàng ở Thường Tín

Tại cơ quan công an, bước đầu, Nguyễn Hữu Dưỡng (SN 1985, ở Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình) khai nhận, năm 2011, Dưỡng đã nhờ bố đẻ là ông Nguyễn Hữu Rương vay ngân hàng số tiền 30 triệu đồng và vay của bố mẹ vợ ba cây vàng.

Ngày 16-2, ông Rương điện thoại cho Dưỡng yêu cầu mang tiền về trả nợ ngân hàng. Không có tiền trả, Dưỡng nảy sinh ý định cướp tài sản của người kinh doanh vàng.

Đến 8h ngày 16-2, Dưỡng chuẩn bị một con dao, một súng bắn điện dùng làm hung khí gây án. Khoảng 10h30, Dưỡng vào Trung tâm thương mại Thanh Trì (Hà Nội) mua một chiếc nhẫn kim loại màu vàng với giá 40.000 đồng. Sau đó, Dưỡng đi xe máy dọc theo quốc lộ 1A để chọn địa điểm gây án.

Khoảng 12h cùng ngày, khi đi qua hiệu vàng Vững Bắc, Dưỡng phát hiện cửa hàng chỉ có một người bán hàng. Dưỡng vòng xe qua lại nhiều lần để xác định quy luật và số người trong cửa hàng. Đến 16h30, khi xác định chính xác cửa hàng chỉ có một người là bà Nguyễn Thị Bắc (SN 1957), Dưỡng đi xe máy đến và giả vờ giao dịch. Tuy nhiên, khi vào trong tiệm, thấy có thêm một bà cụ già ngồi bên trong.

Sau một hồi giao dịch, thấy bà cụ già đi ra ngoài, chỉ còn lại bà chủ tiệm vàng đang đứng ở quầy, Dưỡng bắt đầu thực hiện hành vi của mình.

Bà Bắc nói vàng hiện 4,3 triệu đồng/chỉ, Dưỡng cho rằng quá rẻ, đề nghị trả cao hơn. Kỳ kèo một lúc, Dưỡng xin cho đi vệ sinh nhờ. Bà Bắc đã đeo chiếc nhẫn vào tay, khóa tủ và dẫn Dưỡng vào trong nhà. Chớp thời cơ, Dưỡng kề dao vào cổ bà Bắc yêu cầu đưa tiền. Bà Bắc nói gia đình liên quan đến các vụ vỡ nợ lớn vừa qua nên không có tiền.

Nghe vậy, Dưỡng dùng dao cứa cổ bà Bắc, song bà Bắc vùng chạy được. Bà Bắc ra gần đến cửa chính thì Dưỡng đuổi kịp, rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà Bắc. Sau đó, Dưỡng kéo bà Bắc vào chỗ kín, giật dây chuyền, đập tủ đựng vàng nhưng không được nên chạy ra ngoài lấy xe bỏ trốn. Trên đường đi, Dưỡng đã vứt hung khí gây án.

Dưỡng chạy xe máy chạy thẳng về nhà bố vợ ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Sau khi biết chuyện, hai chú ruột của Dưỡng gọi điện thoại cho Chủ tịch xã trình báo về vụ việc và đề nghị hướng dẫn làm thủ tục để Dưỡng ra đầu thú.

Đến tối 18-2, các cán bộ Công an xã Đông Cường và huyện Đông Hưng đã đến nhà Nguyễn Hữu Dưỡng vận động đầu thú. 23h cùng ngày, Dưỡng được mọi người trong gia đình đưa đến Công an xã Đông Cường đầu thú. Cùng lúc đó, công an huyện Đông Hưng đã có mặt, tiến hành lấy lời khai và báo về CATP Hà Nội.

Sáng 19-2, Công an TP Hà Nội đã dẫn giải đối tượng Nguyễn Hữu Dưỡng về Phòng cảnh sát hình sự để điều tra làm rõ vụ việc.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.