Ngoại tình có thể ngồi tù

Anh Hoàng Tiến Dũng trong phiên xử hồi năm 2013. Ảnh: BT
Anh Hoàng Tiến Dũng trong phiên xử hồi năm 2013. Ảnh: BT
TP - Một điều luật (có hiệu lực từ 1/7/2016) đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc có thể phạt tù hành vi ngoại tình. Tuy nhiên, khi nào ngoại tình bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải ai cũng hiểu và theo các chuyên gia pháp lý, đây là một chế định khó khả thi.

Không phải cứ “trai trên, gái dưới” là… tù

Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 nêu: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì có thể bị phạt tù đến 1 năm. Điều luật cũng nêu rõ, tình huống dẫn tới phạt tù phải thoả mãn các yếu tố, đó là việc làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Cơ quan chức năng cũng có thể phạt tù đến 3 năm khi hành vi ngoại tình dẫn đến hậu quả làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn luật sư Hà Nội): Chuyện bỏ tù hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà dân gian hay gọi ngoại tình là không mới. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có chế định ở Điều 147. Tuy nhiên, hồi đó, đạo luật chưa cụ thể hóa các hậu quả nghiêm trọng từ hành vi ngoại tình, như dẫn tới ly hôn, hay làm cho thân nhân tự sát… Như vậy, việc quy định khá chi tiết trong điều luật mới sẽ giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong quá trình thực thi pháp luật.

Không gây hậu quả: Luật bó tay?

Hệ thống văn bản hướng dẫn giải thích khái niệm “chung sống như vợ chồng” được hiểu là cặp đôi “góp gạo thổi cơm chung” một cách công khai, với sự chứng kiến của bà con lối xóm và phải có con chung cùng tài sản có giá trị. Những cặp đôi này thậm chí phải từng bị cơ quan, đoàn thể lên tiếng, nhưng họ vẫn phó mặc, tiếp tục duy trì mối quan hệ “ngoài luồng”. Nói như một chuyên gia pháp lý từng giải quyết nhiều vụ án gia đình: “Nếu giữa các cặp đôi không phát sinh những hậu quả nói trên, dù có bắt quả tang họ đang ăn nằm cũng chẳng thể truy cứu trách nhiệm hình sự được”.

Luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, quá khó để xử lý hình sự đối với hành vi ngoại tình nếu không để xảy ra hậu quả. “Nếu họ vẫn cứ “léng phéng”, “tòm tem”, nhưng không để lại hậu quả, vậy lấy gì để xử lý, để truy cứu?” – luật sư Thúy nói. Cũng theo luật sư Thúy, nói về hậu quả nghiêm trọng từ việc “trai trên, gái dưới” phải dẫn đến các tình huống như, vợ chồng ly hôn, hoặc vợ, chồng, con của một trong hai bên tự sát. Điều này có nghĩa, các ông chồng, bà vợ vẫn có thể qua lại với các ông chồng, bà vợ khác một cách công khai, vẫn ngoại tình một cách công khai, nhưng không làm tan vỡ hôn nhân, hay tình huống tự sát như điều luật nêu thì cũng chẳng thể truy cứu hình sự được.

Quay lại chuyện được bà con lối xóm chứng minh “chung sống như vợ chồng”, luật sư Hằng Nga đặt tình huống: “Cơ quan chức năng nào sẽ là đơn vị đi xác minh chuyện các cặp đôi “léng phéng” không phải là vợ chồng? Liệu có thể yêu cầu các hộ dân (hàng xóm) xung quanh xác nhận “chung sống như vợ chồng” đối với những cặp đôi này hay không, đó là một dạng biên bản nào, sẽ lập dưới hình thức gì, ai lập?”.

10 năm mới xử 1 vụ

Tháng 9/2013, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội xét xử Hoàng Tiến Dũng (SN 1971, ở phường Tân Mai) về hành vi Vi phạm chế độ một vợ, một chồng, sau đó tuyên anh này 4 tháng tù. Tài liệu truy tố thể hiện,  đầu năm 2004, anh Dũng và chị T. (SN 1976) được UBND phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Chung sống được 45 ngày, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, chị T. bỏ về nhà mẹ đẻ ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Cuối năm 2004, chị T. sinh bé gái, nhưng 2 vợ chồng vẫn quyết định ly thân. Từ năm 2010 đến 2012, chị T. đi du học, không thông báo cho chồng cũng như gia đình chồng biết.

Trong khoảng thời gian này, anh Dũng tổ chức đám cưới (không đăng ký kết hôn) với chị Th. (SN 1981), sau đó có một người con trai chung vào năm 2011. Do không đăng ký kết hôn, anh Dũng đã đến chính quyền sở tại làm thủ tục nhận cha - con. Cho rằng mình bị kết án nặng, anh Dũng kháng cáo. Trong phiên phúc thẩm, anh này được giảm hình phạt từ 4 tháng tù sang hình thức cảnh cáo. Theo ghi nhận tại TAND TP Hà Nội, 10 năm mới có 1 vụ dạng này.

MỚI - NÓNG