Ngày làm việc thứ hai, phiên họp 27 ủy ban TVQH:

Người bị nhiễm HIV phải thông báo cho vợ hoặc chồng?

Người bị nhiễm HIV phải thông báo cho vợ hoặc chồng?
Ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS. Điểm đáng chú ý nhất là quy định  người nhiễm HIV có trách nhiệm thông báo  kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho vợ hoặc chồng của mình
Người bị nhiễm HIV phải thông báo cho vợ hoặc chồng? ảnh 1
Toàn cảnh một kỳ họp Quốc hội

(TP- Hà Nội) -  Pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS là nội dung đáng chú ý được ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng qua (30/3). Điểm đáng chú ý nhất là quy định  người nhiễm HIV có trách nhiệm thông báo  kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho vợ hoặc chồng của mình nếu không thông báo thì sau 30 ngày cơ sở y tế sẽ thông báo.

“Đây là việc rất tế nhị”- bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nói như vậy về việc người xét nghiệm có kết quả dương tính phải thông báo với vợ hoặc chồng. “Hơn nữa, quy định khác trong dự thảo lại khẳng định việc xét nghiệm HIV chủ yếu trên cơ sở tự nguyện, trong đó khuyến khích xét nghiệm giấu tên.

Từ đó, bà Thu đề nghị “chỉ nên quy định phải thông báo tuỳ theo điều kiện cụ thể và trước khi thông báo cơ sở y tế phải tư vấn cho họ”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại không tán đồng ý kiến của bà Thu. “Đằng nào thì cũng phải công khai”- ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế- Ngân sách quả quyết.

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Tráng A Pao còn đưa ra phương án rất “mạnh tay”: “ Phải có quy định rõ ràng là buộc phải thông báo, nếu không thì nguy cơ lây lan rất cao. Thậm chí, người bào nhiễm HIV mà cố tình che giấu để lây sang người khác còn phải bỏ tù, như thế thì mới giảm được”.

Thuyết trình trước Ủy ban TVQH về dự án pháp lệnh sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm nói rằng điểm mới căn bản  của dự án pháp lệnh lần này là bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người nhiễm HIV/AIDS và các hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể, người bị nhiễm HIV được Nhà nước bảo đảm các quyền điều trị và chăm sóc sức khoẻ; giữ bí mật riêng tư; không kỳ thị và phân biệt đối xử; giáo dục, làm việc thông tin; tiếp cận các dịch vụ xã hội và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân theo quy định. Bên cạnh đó, người bị nhiễm HIV có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền sang người khác.

Những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong dự án pháp lệnh lần này gồm cố ý lây truyền HIV cho người khác; kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV dưới bất kỳ hình thức nào; công khai về tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV hoặc tiết lộ người bị nhiễm HIV cho người khác biết khi chưa được sự đồng ý của người đó; từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV...

Theo ông Liêm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Ban soạn thảo muốn xin ý kiến của Ủy ban TVQH lần này là Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm quy định việc phải xét nghiệm HIV trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan trình Chính phủ danh mục những ngành nghề nhất định đòi hỏi phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.  Thứ hai, tách Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS ra khỏi ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Đại đa số các ý kiến đều không tán đồng với việc tách Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS vì cho rằng “bộ máy sẽ phình ra, thêm đầu mối chưa chắc hiệu quả đã cao hơn”. Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu khẳng định việc thông báo kết qủa xét nghiệm cho vợ hoặc chồng là cần thiết. Phó Chủ tịch cũng tán thành việc nâng pháp lệnh này lên thành luật.

Buổi chiều, ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cho hay đây là dự án luật là một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Cũng theo ông Phong, việc xây dựng dự thảo luật này dựa trên các nguyên tắc cơ bản là cân bằng lợi ích cá nhân (chủ sở hữu) với công chúng (xã hội); đảm bảo lợi ích quốc gia trước sức ép của các cường quốc trong quá trình hội nhập...   

MỚI - NÓNG