Người bị oan không phải “tìm hóa đơn cho thiệt hại”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị khi phát hiện, phải công khai xin lỗi người bị oan trong vòng mười ngày.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị khi phát hiện, phải công khai xin lỗi người bị oan trong vòng mười ngày.
TP - Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cho rằng: Thực tế những vụ oan sai vừa qua cho thấy việc chứng minh rất khó khăn. Thời gian thi hành án nhiều năm mới kết luận bị oan sai, cho nên hồ sơ chứng minh bồi thường không cần bắt buộc.

Không “làm khó” thêm cho người bị án oan

Chiều ngày 4/4, cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị, khi xác định người dân bị oan thì trong vòng 10 ngày, cơ quan làm oan phải có trách nhiệm xin lỗi công khai. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, phải quy định cả trách nhiệm cá nhân làm sai vào việc tham gia bồi thường. Còn ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) thì đề nghị muốn bồi thường nhanh chóng, minh bạch phải xác định được trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đơn vị trong xác định thiệt hại, vì thời gian xác minh ảnh hưởng đến thời gian chi trả.

Trong khi đó, ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu) phân tích, trong chứng minh thiệt hại, không ai dám chắc người bị buộc tội biết mình sẽ có ngày được kết luận là oan để thu thập chứng cứ cho mình và người thân để chứng minh sau này. Do vậy cần quy định theo hướng, việc chứng minh thiệt hại không cần bắt buộc. “Thực tế những vụ oan, sai vừa qua cho thấy việc chứng minh rất khó khăn. Thời gian thi hành án nhiều năm mới kết luận bị oan, sai, cho nên hồ sơ chứng minh để bồi thường không cần bắt buộc”, ông Bình cho hay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận người đó bị oan, sai thì phải được bồi thường. Thậm chí, ông Tùng còn đề nghị phải bồi thường cho cả người thân của người bị oan. Nếu quy định chỉ khi người bị oan chết, người thân mới được bồi thường thì không thỏa đáng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, phạm vi bồi thường phải phù hợp, căn cứ vào nguồn lực và điều kiện kinh tế xã hội. Nếu quy định quá mức, không thực hiện được thì phản tác dụng, gián tiếp tăng chi phí cho hoạt động của hệ thống nhà nước và xã hội. Quan hệ bồi thường là quan hệ dân sự, do vậy cần phải tính yếu tố đặc thù, để đảm bảo vận hành hệ thống một cách bình thường.

Bắt “hoành tráng” nhưng xin lỗi chỉ 2 phút

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị, ngay khi có văn bản xác định bị oan thì nhà nước phải xin lỗi, phục hồi nhân phẩm cho người bị oan. Bởi thực tế người thực thi công vụ làm oan cho dân, như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang bị kết tội giết người và hiếp dâm thì cần phải xin lỗi. “Bây giờ đã xác định ông Long bị oan, ông Long chưa yêu cầu mà giờ xin lỗi thì ảnh hưởng gì đến danh dự cá nhân? Nếu dân làm sai với nhau thì nhà nước bắt dân phải xin lỗi nhau. Còn nhà nước làm oan mà phải có yêu cầu mới xin lỗi thì cần cân nhắc. Trong mọi trường hợp khi xác định người dân bị oan rồi thì trong vòng 10 ngày, cơ quan làm oan phải có trách nhiệm xin lỗi công khai”, bà Thủy nói.

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, không luật nào mong làm oan cho dân, tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi oan, sai. Ví dụ vụ oan, sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) thì tòa tuyên sai do VKS, kiểm sát viên điều tra sai. “Tôi đồng tình với việc cấp nào đưa ra bản án sai thì cấp đó phải bồi thường” ông Phong nói. Ông Phong cho rằng, cơ quan làm sai không dũng cảm nhận, nên luật phải cụ thể, bắt phải công khai xin lỗi. “Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi công khai người bị oan thì chưa đầy hai phút. Ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”, ông Phong cho hay.

“Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi công khai người bị oan thì chưa đầy hai phút. Ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong

Xử lý xe doanh nghiệp tặng ra sao?

Cũng trong ngày 4/4, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi. Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng trong thời gian qua không nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm. Do đó, cần bổ sung các quy định theo hướng: Nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho, biếu, tặng. Chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, với loại tài sản biếu tặng nổi cộm như ô tô đã có quy định, vấn đề là cần thực hiện đúng tiêu chuẩn định mức. Chẳng hạn xe được tặng trị giá 3 tỷ đồng, nhưng khi sử dụng anh chỉ được dùng xe 1 tỷ đúng quy định chứ không được dùng loại xe đó. Mặt khác khi nhận ô tô tặng, cho rồi thì không thể trả lại được, trả lại không hẳn đúng mà phải tiến hành bán đấu giá phục vụ công tác an sinh xã hội.

MỚI - NÓNG