Người bị oan sao phải làm đơn để được xin lỗi?

Đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.
Đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.
TP - Sáng 31/5, thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ sự không đồng tình với quy định, người bị oan sai phải có đơn thì cơ quan chức năng mới thực hiện xin lỗi, cải chính. “Chúng ta đang xây dựng một nhà nước phục vụ, một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói.

Làm sai thì phải chủ động xin lỗi

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại. “Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh khi trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên giải trình trên không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. “Chúng ta đang xây dựng một nhà nước văn minh, một nhà nước văn minh phải là một nhà nước lịch sự. Bất kỳ ai phạm lỗi với cá nhân nào đó thì người ta còn phải xin lỗi trước mà không cần đợi yêu cầu”, ông Nhưỡng nói và đề nghị phải hết sức công bằng với người dân.

“Chúng ta đang xây dựng một nhà nước phục vụ, một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, nhà nước phải tự mình đi phục vụ”, ông Nhưỡng nói và đề nghị  các cơ quan nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ xin lỗi người bị oan sai một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi.

Ủng hộ lập luận trên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan là rất cần thiết và rất nhân văn. “Không lẽ tôi bị oan sai lại lên tiếng yêu cầu xin lỗi tôi là không hợp lý. Cho nên việc  cơ quan làm oan sai và người làm oan sai chủ động xin lỗi là phù hợp”, vị ĐB trên nói.

Đề cập đến tình trạng xin lỗi người bị oan sai một cách qua loa, chiếu lệ, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đề nghị quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục phục hồi danh dự để các cơ quan thực hiện thống nhất. Đặc biệt, do đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự việc làm sai có thể do nhiều cơ quan chứ không phải do một cơ quan, nên cần phải quy định cụ thể thành phần tham gia xin lỗi gồm, đại diện lãnh đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng. “Như thế mới bảo đảm tính cầu thị thực sự xin lỗi người dân đối với việc làm sai của mình”, bà Hoa nói.

Thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó

Về nguyên tắc bồi thường được quy định trong dự thảo luật, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng quy định “thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó” là phù hợp. Tuy nhiên, ĐB Sang lưu ý: “Việc thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn, chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường”.

Thực tế theo ĐB Sang, việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại lâu nay, tạo cảm giác là cơ quan chức năng “cò kè, thêm bớt” với người dân nhằm giảm bớt các khoản bồi thường. Đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa đành phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra. “Đây là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, cũng như dễ lạm dụng trong quá trình bồi thường”, ĐB Sang nói và đề nghị quy định cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lương bồi thường, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và công dân.

Khẳng định, không dễ gì so sánh được những tổn thất về tinh thần mà mỗi người bị oan và gia đình của họ phải hứng chịu, ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị các quy định về bồi thường phải hợp lý. “Không thể nói việc bồi thường bằng một khoản tiền là bù đắp được hoàn toàn những thiệt hại mà họ phải hứng chịu”, ông Sỹ lưu ý.

Giải trình trước những vấn đề trên, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, thương lượng ở đây tức là để thống nhất và bàn giữa các bên, tạo thỏa thuận trước khi quyết định thực hiện việc bồi thường chứ không phải là “cò kè thêm bớt với công dân”. Riêng về việc người oan sai, phải làm đơn mới được xin lỗi, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên ông Long cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những vấn đề mà đại biểu nêu ra.

Người trực tiếp gây oan sai phải đứng ra xin lỗi

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề nghị quy định, người trực tiếp gây oan sai phải có trách nhiệm cùng với cơ quan đứng ra xin lỗi. Có xin lỗi trực tiếp thì người dân mới thấy thỏa đáng, chứ không phải gây oan sai sau đó đến ngày xin lỗi lại không có mặt, dẫn đến người không có lỗi gì lại phải đứng ra xin lỗi.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.