Thảo luận về Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam:

Người chết cũng cần được minh oan

ĐBQH Lê Minh Hiền. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.
ĐBQH Lê Minh Hiền. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.
TP - “Dù là khó bội phần nhưng pháp luật tố tụng hình sự không thể không quy định cụ thể việc minh oan cho người đã mất, phần nào làm nguôi đi đau khổ cho thân nhân, cũng là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị như vậy khi thảo luận về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam ngày 9/11.

Khó bội phần vẫn phải thực hiện

Theo ĐB Lê Minh Hiền,  Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) còn thiếu phần “minh oan cho người chết” trong giai đoạn điều tra, truy tố do nhiều nguyên nhân. Theo ĐB Hiền, luật hiện hành chỉ nêu trong trường hợp người đang bị tạm giam, tạm giữ chết thì đình chỉ điều tra vụ án, nên không biết người đó có bị oan hay không để giải quyết việc bồi thường tố tụng cho người đã chết. ĐB Hiền đề nghị cần xem xét quy định minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra.

“Thời gian gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết. Để không ảnh hưởng đến quyền con người, luật cần quy định không được giam chung bị can, bị cáo với những đối tượng đã bị kết án phạt tù, bị kết án chung thân, tử hình” 

ĐB Trương Trọng Nghĩa

“Minh oan cho người bị tạm giam đã gian khó, minh oan cho người đã chết càng khó bội phần”, tuy nhiên nữ ĐB đoàn Khánh Hòa này cho rằng, dù cơ chế minh oan còn nhiều bất cập, nhưng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của luật pháp. “Pháp luật tố tụng hình sự không thể không quy định cụ thể việc minh oan cho người đã mất, phần nào làm nguôi đi đau khổ cho thân nhân, cũng là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, bà Hiền nói.

Đồng tình với lập luận trên, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, trong luật pháp cũng như theo tinh thần Hiến pháp, chỉ những ai bị tòa án tuyên án thì mới có tội. “Trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam mà họ chết thì giải quyết thế nào? Lâu nay, họ chết thì luật pháp chấm dứt vụ án là không thỏa đáng. Khi chết trong nhà tạm giam, tạm giữ là khi họ chưa bị coi có tội. Nếu họ bị oan thì giải quyết câu chuyện này như thế nào? Vì nếu họ bị oan và chết rồi làm sao có thể tự minh oan được nữa?”, ĐB Nam nói và đề nghị QH phải cân nhắc đến điều này.

Nhà tạm giam, tạm giữ: Ai quản lý mới khách quan?

Để đảm bảo tính minh bạch, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần tách bạch nhà tạm giữ, tạm giam khỏi hệ thống cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo tính khách quan. Theo ĐB Vinh, đề xuất này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn bức cung, nhục hình vẫn xảy ra, dù không phải do cơ quan quản lý thực hiện, nhưng lại xảy ra ở đó.

Do vậy, theo ĐB Vinh dù cố ý hay vô ý vẫn là lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam. ĐB Vinh đề nghị giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ để đảm bảo độc lập, tránh cơ quan cùng cấp phụ trách dẫn đến bức cung, nhục hình.

Cùng quan điểm, ĐB Điều Krứ (Đắk Nông) lập luận, bắt người tạm giữ, tạm giam là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, điều này cũng dễ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền công dân. Khắc phục điều này, ĐB Điều Krứ đề nghị giao Bộ Công an quản lý từ Trung ương đến địa phương, tránh bức cung nhục hình, dẫn đến oan, sai và tạo dư luận không tốt.

Tỏ ra băn khoăn khi giao nhà tạm giữ cấp huyện cho cơ quan cùng cấp quản lý, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, nhà tạm giữ cấp huyện còn khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như tính chuyên nghiệp, đặc biệt tính độc lập bị hạn chế. Để tránh lằng nhằng giữa tạm giữ và tạm giam, ĐB Nam đề nghị không nên giao cho công an cùng cấp quản lý, nếu có trường hợp đặc biệt, cần phải được quy định cụ thể nhưng cũng không làm điều này một cách phổ biến.

Ngược lại với các quan điểm trên, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho biết, việc giao nhà tạm giữ, tạm giam cho cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý không vướng mắc, trở ngại gì, cũng hoàn toàn mang tính độc lập. Theo ĐB Dân, đối với trại giam cấp huyện hiện nay đã được sửa chữa tương đối tốt, trong trường hợp có quá tải, có thể chuyển sang trại tạm giam cấp huyện khác.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng với 4 trại tạm giam, tạm giữ thuộc Bộ Công an hiện nay, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị nên tách ra khỏi cơ quan điều tra, giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý để thống nhất đầu mối. Ở chiều hướng khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì đề nghị chuyển về cho Bộ Tư pháp quản lý để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là “kênh” giám sát chống bức cung, nhục hình.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện qua khảo sát cho thấy, trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. Ủy ban Tư pháp cho rằng, giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của Công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của Công an cấp tỉnh là phù hợp. Riêng đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ này ra khỏi cơ quan điều tra, giao cho Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh trực tiếp quản lý.

MỚI - NÓNG