Người dân thắng kiện UBND quận Thủ Đức

Người dân thắng kiện UBND quận Thủ Đức
TP - Hạn cuối giao mặt bằng gói thầu số 2 dự án tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, TPHCM (metro số 1) đã đến gần (gia hạn đến 30/9) song UBND quận Thủ Đức đang sa lầy vào những vụ kiện mà phần thắng thuộc về người dân.

> Thanh tra Ban Bồi thường quận Thủ Đức
> Chậm giao mặt bằng, nguy cơ phạt 2 tỷ đồng

Nhiều quyết định trái luật

Ngày 13/8, tại phiên phúc thẩm vụ “kiện quyết định bồi thường hỗ trợ thiệt hại” của bà Phan Thị Như Thùy (SN 1974, ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức), TAND TPHCM đã tuyên hủy các quyết định của UBND quận Thủ Đức về chi trả và chi trả bổ sung tiền bồi thường hỗ trợ và thu hồi mặt bằng trong dự án thu hồi đất theo lộ giới xa lộ Hà Nội, yêu cầu UBND quận ban hành quyết định khác đúng quy định.

Thanh tra Ban Bồi thường quận Thủ Đức

Ngày 12/8, Thanh tra TPHCM công bố quyết định thanh tra tình hình thu chi tài chính tại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, làm rõ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư của dự án xây dựng trường THCS Trường Thọ.

HĐXX khẳng định, đất bà Thùy sử dụng ổn định từ năm 1976, phải được áp giá bồi thường đất ở. Việc UBND quận tính theo giá đất nông nghiệp xen cài và triển khai bồi thường vào năm 2012 nhưng lại áp giá đã được xác lập từ 4 năm trước, trong khi việc chậm trễ không do lỗi người dân là không đúng quy định. Ngoài ra, bà Thùy xây nhà không phép năm 1997 nhưng địa phương không xuất trình được hồ sơ xử lý vi phạm nên phải bồi thường giá trị căn nhà khi thu hồi đất.

“Tôi đã cung cấp chứng cứ bố mẹ tôi sử dụng đất ổn định từ năm 1975, sau đó cắt đất cho các con. Vậy mà địa phương cho là đất lấn chiếm, chỉ hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, sau đó bổ sung thêm 42 triệu đồng cho nhà, đất hơn 70 m2 ở vị trí mặt tiền xa lộ Hà Nội” – bà Thùy nói.

Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm xử vụ kiện tương tự của ông Phan Đình Tín (SN 1971, cũng ở phường Linh Trung), TAND TPHCM đã tuyên hủy các quyết định chi trả và chi trả bổ sung tiền bồi thường hỗ trợ, yêu cầu UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định mới đúng pháp luật. Nhà đất ông Tín hơn 169m2 nhưng ban đầu chỉ được quận hỗ trợ hơn … 69 triệu đồng.

O ép người dân

Gặp ông Tín trong căn chòi lụp xụp, khó hình dung hơn một năm trước, ông là chủ một quán mì xào khá nổi tiếng tại ngã tư Thủ Đức. Ông bùi ngùi: “Năm 2003, thành phố và quận chỉ đạo cấp sổ đỏ cho dân. UBND phường cho người xuống từng hộ lập danh sách, thu tiền và đo vẽ nhưng rồi ngưng một cách khó hiểu. Biên lai thu tiền tôi còn lưu”. Sau đó, trong phường râm ran thông tin dự án làm đường metro đi qua nhà đất các hộ.

“Đến khi thu hồi đất, quận nói là nhà dân không có giấy tờ, là đất lấn chiếm. Có ai cấp đâu mà có? Không giấy tờ thì không cấp phép xây dựng, nhà dột nát, dân phải tự xây, sau này bị quy là xây trái phép, vi phạm lộ giới rồi không bồi thường” – ông Tín nói.

Theo hồ sơ người dân cung cấp, nhiều quyết định bồi thường hỗ trợ ban hành năm 2012 đều áp giá đất mặt tiền xa lộ Hà Nội vào năm 2008 là 10,2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đến năm 2010, UBND TPHCM đã điều chỉnh giá lên trên 14,6 triệu đồng/m2 và đến tháng 1/2013 là 14,8 triệu đồng/m2. Theo quy định, không triển khai bồi thường sau 6 tháng từ lúc công bố thì phải thẩm định lại giá.

Nhập nhằng

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hồng Hà, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, nhiều hộ dân diện giải tỏa chiếm dụng đất công. Tuy nhiên, hồ sơ chứng cứ thể hiện trong các năm 1990 – 1992, theo quy định lúc ấy, muốn sản xuất kinh doanh, người dân phải có hợp đồng thuê đất.

Để được đăng ký kinh doanh, nhiều người làm thủ tục thuê đất của chính mình. Ông Phạm Anh Cự (phường Linh Trung) lập hợp đồng thuê UBND phường trên 200 m2 trong thửa đất hơn 600 m2 của… chính mình kinh doanh bãi giữ xe. Ông Tín làm hợp đồng thuê 50m2 đất của mình để mở quán mì xào.

“Cho là đất thuê của phường nên UBND quận không bồi thường. Chỉ trong một năm UBND phường 3 lần xác nhận nguồn gốc đất của tôi với nội dung khác nhau. Do làm ngược quy trình, kê biên trước, lập bản đồ hiện trạng sau nên dẫn đến tình trạng nhà đất người này đứng tên người kia, số nhà lộn xộn” - ông Tín nói.

Nhiều hộ dân bức xúc cho rằng có sự nhập nhằng giữa hai dự án metro số 1 và mở rộng xa lộ Hà Nội. Cụ thể, nhà đất bị giải tỏa trong dự án xa lộ Hà Nội nhưng họ lại thấy người của nhà thầu metro số 1 đến đòi đất… Việc bồi thường, giải tỏa trái luật đang làm tiến độ giải phóng mặt bằng kéo dài, dẫn đến nguy cơ TPHCM bị phạt hơn 2 tỷ đồng/ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG