Nghệ An: Tan hoang rừng phòng hộ Khe Lá - Kỳ II

Người giữ rừng bị khởi tố, kẻ phá rừng lộng hành

Người giữ rừng bị khởi tố, kẻ phá rừng lộng hành
TP - Bất chấp sự ngăn cản của BQL RPH Tân Kỳ, nhiều hộ dân xã Quang Thành tiếp tục phóng hỏa đốt rừng, phá hoại tài nguyên. Thuyết phục, đẩy đuổi không xong, một số cán bộ BQL RPH Tân Kỳ bức xúc đã thiêu hủy 3 chiếc lán dựng trái phép tại khu vực Khe Lá.

Kỳ 1: Những điều trông thấy mà đau!

Cơ quan CA huyện Tân Kỳ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Hủy hoại tài sản công dân”!

Theo tường trình của Ban QLRPH Tân Kỳ, cuối tháng 8/2008 các hộ dân xóm Dương Lễ (xã Nghĩa Dũng) được giao khoán đất rừng phòng hộ tại khu vực tiểu khu 860, 865, do đường sá đi lại khó khăn nên đã góp tiền thuê máy mở đường để vận chuyển phân bón, cây giống vào trồng rừng, đang làm đường thì 15 người ở xã Quang Thành (huyện Yên Thành) đến ngăn cản, dọa chém cán bộ bảo vệ rừng và các hộ dân xóm Dương Lễ.

Trước thái độ ngang ngược này, xã Nghĩa Dũng, Ban QLRPH Tân Kỳ huy động lực lượng trấn áp, sử dụng súng đạn cao su bắn chỉ thiên cảnh cáo. Ban QLRPH đã thiêu hủy 3 lán trại dựng trái phép trên đất xâm canh.

Từ sự việc này, các hộ xâm canh xã Quang Thành lớn tiếng, gây sức ép đòi xử lý sai phạm của cán bộ Ban QLRPH Tân Kỳ. Ngày 19/9/2008, Công an huyện Tân Kỳ đã ra quyết định số khởi tố vụ án hình sự đối với cán bộ Ban QLRPH vì tội hủy hoại tài sản công dân.

Quyết định nói trên của CQĐT khiến Ban QLRPH - những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng phòng hộ hết sức bất bình, gây tâm lý chán nản, không muốn hay nói đúng hơn là không dám tiếp tục đấu tranh để bảo vệ rừng.

UBND xã Nghĩa Dũng, địa phương có đất rừng phòng hộ, đã có Công văn số 141/CV.UB nêu rõ sự trắng trợn của các hộ dân xâm canh, tàn phá hủy hoại rừng phòng hộ nghiêm trọng và còn đe dọa đến những người quản lý, bảo vệ rừng.

Từ khi Ban QLRPH Tân Kỳ nhận nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng phòng hộ đã phối hợp rất tốt, giúp đỡ địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên quốc gia...

Việc đốt, thiêu hủy 3 lán trại dựng trái phép của một số cá nhân BQL RPH Tân Kỳ tuy hơi mạnh tay, và cũng có thể đã vi phạm quy định pháp luật, nhưng xét cho cùng thì hành động đó  là nhằm mục đích góp phần bảo vệ rừng, cảnh cáo những kẻ phá hoại.

Dư luận băn khoăn vì sao những người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng trong lúc thi hành nhiệm vụ có sai sót đã lập tức bị khởi tố, còn những kẻ phá hoại rừng phòng hộ, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái phép lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Người giữ rừng bị khởi tố, kẻ phá rừng lộng hành ảnh 1
Máu rừng vẫn chảy

Trở lại vấn đề 47 hộ dân xã Quang Thành và xã Tây Thành xâm canh, xâm cư trên đất rừng xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.

Ở đây không phải xâm canh đất đai bình thường mà các hộ này trong quá trình xâm canh, xâm cư đã hủy hoại một diện tích lớn rừng phòng hộ (hơn 800 ha).

Sau khi hủy hoại bằng cách đốt, chặt, phá đã tự thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang làm rừng sản xuất, rừng kinh tế với việc trồng đến 800 ha cây nguyên liệu keo lai.

Hành vi xâm canh hủy hoại rừng phòng hộ nghiêm trọng tại khu vực Khe Lá vẫn chưa bị xử lý. Sau khi sự việc diễn ra ngày 21/8/2008, huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tạm dừng các hoạt động trong phạm vi rừng phòng hộ để tránh xảy ra xô xát vô hình trung đã tạo điều kiện cho những kẻ phá rừng thực hiện đạt mục đích đốt, phát, chặt và trồng rừng nguyên liệu.

Không thể có chuyện ngược đời là những người quản lý bảo vệ rừng vi phạm thì sa vào vòng tố tụng, trong khi đó những kẻ phá rừng vẫn bình an vô sự.

Một số cơ quan huyện Tân Kỳ, Yên Thành tắc trách, quan liêu, bảo vệ rừng trên… giấy nên mới dẫn tới cảnh hơn 800 ha rừng bị tàn phá; Khởi tố những người quản lý rừng nhưng không nghiêm trị những kẻ phá hoại là bất công, tạo điều kiện cho các đối tượng này coi nhờn phép nước, lộng hành.

Việc hủy hoại rừng phòng hộ đầu nguồn với một diện tích lớn như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, gây lũ quét bất ngờ khi mưa xuống, uy hiếp đời sống nhiều hộ dân và tác động tiêu cực tới giao thông nông thôn tại Dương Lễ, Đồng Kho, Tân Thọ, Văn Sơn (xã Nghĩa Dũng), Trại cải tạo số 3.

Theo báo cáo của Nghĩa Dũng, Khe Lá cung cấp nước tưới cho 160 ha đất 2 vụ trên địa bàn (trong đó có 80 ha đất Trại 3), trước đây thủy lợi rất ổn định, nhưng từ khi rừng phòng hộ bị tàn phá thì mùa khô nước cạn kiệt. 1/3 diện tích phải chuyển đổi sang trồng màu và hầu hết diện tích chỉ còn đủ nước làm một vụ.

Theo một số người am hiểu pháp luật, các hộ xâm canh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 189 Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại rừng phòng hộ với diện tích lớn; vi phạm Điều 12 của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 về những hành vi bị cấm.

Nghị định 139/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định rất rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định tại mục 8, Điều 3 như sau: “Những hành vi vi phạm không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự: xâm hại rừng do phá rừng hoặc phá rừng trái phép, gây cháy rừng trên 10.000 m2 rừng sản xuất hoặc 7.500 m2 rừng phòng hộ hoặc 5.000 m2 rừng đặc dụng”.

MỚI - NÓNG