Người lao động bị “tận thu”

Người lao động bị “tận thu”
TP - Tuy chưa “bay” nhưng nhiều người lao động ở một số vùng quê của Thanh Hóa đã tỏ ra bất bình vì kiểu làm ăn nhập nhèm và chụp giật của doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Anh Lê Văn Quân (SN 1981, đội 5, xã Quảng Văn, Quảng Xương) kể: “Tôi đã hoàn thành khoá học nghề của Cty cung ứng XKLĐ và chuyên gia Nghệ An (NAPECO) trong 1 tháng (2/2006 - 3/2006) với mục đích sẽ sang lao động tại Malaysia.

Thế nhưng sau đó, tôi đã quyết định không đi nữa, vì những đòi hỏi và cách làm vô lý của NAPECO”.

Sự vô lý mà anh Quân kể ở đây trước hết là việc đào tạo nghề. Lớp học chỉ có 17 người nhưng học nhiều nghề khác nhau. Điều lạ là lao động nam thì được học nghề may mặc, còn nữ thì học sửa chữa điện tử, gò hàn…

Sau khi học xong, các học viên không ai phải thi nhưng vẫn được cấp chứng chỉ nghề. Đã thế, tại thông báo tuyển lao động, Cty này đưa ra mức lương tại Malaysia khoảng 3,5-5 triệu đồng/tháng nhưng khi ký hợp đồng thì chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng.

Cùng chung bức xúc đó, anh Trần Văn Hiếu (SN 1987, đội 6, xã Quảng Văn) than thở: “Chờ 3 tháng nay rồi mà vẫn chưa được bay”.

Hiếu cũng thắc mắc về nhiều khoản tiền mà NAPECO đã thu của người lao động. Ngoài khoản tiền 19,55 triệu đồng (bao gồm 3,15 triệu đồng đặt cọc và 16,4 triệu phí môi giới), anh phải đóng nhiều khoản tiền cao hơn nhiều so với các Cty khác cùng tuyển LĐXK tại địa phương.

Cụ thể, tiền khám sức khoẻ: 600.000 đồng; học phí: 1 triệu đồng; hồ sơ: 50.000 đồng; hộ chiếu: 350.000 đồng; chứng chỉ nghề: 400.000 đồng; rồi tiền mua kim, chỉ…

Ông Vương Huy Thuận (46 tuổi, đội 15, xã Quảng Văn) có con gái là Vương Thị Yến (SN 1985) đã bay Malaysia từ ngày 22/5/2006, kể thêm các khoản thu của Cty NAPECO: “Tiền may quần áo: 50.000 đồng; tiền sân bay: 500.000 đồng… Đáng nói ngoài khoản tiền 19,55 triệu đồng, các khoản thu khác đều không có hóa đơn”.

Ông Thuận còn cho biết thêm, khoản thu 400.000 đồng làm hộ chiếu được cán bộ của NAPECO giải thích là thực tế chi phí chỉ hết 200.000 đồng, số còn lại (200.000 đồng) dành để bồi dưỡng cho công an. Cty còn thu thêm tiền phí bay 2,06 triệu đồng/lao động…

Bao giờ chấn chỉnh?

Ông Nguyễn Đình Dự - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Xương cho tôi xem một số bản viết tay của nhiều người lao động trong huyện thắc mắc về các khoản thu của Cty NAPECO.

Qua tìm hiểu, được biết, sở dĩ những người lao động thắc mắc về các khoản thu của Cty NAPECO vì nhiều Cty khác cùng tuyển LĐXK tại địa phương thu thấp hơn nhiều và có chứng từ, hoá đơn cụ thể.

Ông Nguyễn Đình Dự than vãn: “Không hiểu sao lâu nay tôi không thể liên lạc được bằng điện thoại với người đại diện của NAPECO là ông Lê Hồng Việt. Người lao động thắc mắc nhiều việc liên quan tuyển dụng LĐXK của NAPECO nhưng Cty này không chịu giải quyết”.

Ông Dự cho biết thêm: Trước tình hình đó, UBND huyện Quảng Xương đã có văn bản yêu cầu Cty NAPECO báo cáo giải trình về các khoản thu, chi; đầu ra cho lao động; số lớp học; lịch bay… nhưng Cty cũng chỉ báo cáo sơ sài, nhiều thắc mắc không được giải đáp.

Qua xác minh, chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm của Cty NAPECO trong XKLĐ. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, ngoài 1 chi nhánh, ông Phan Thanh Giản - Giám đốc NAPECO còn cho thành lập 1 văn phòng đại diện và 8 cơ sở, trung tâm đào tạo XKLĐ.

Tại nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa…, Cty này cũng mở văn phòng đại diện. Thậm chí, ngay tại Thị trấn Lưu Vệ (Quảng Xương), Cty này treo biển Trung tâm đào tạo XKLĐ nhưng thực tế không có văn phòng hoạt động…

Như vậy, việc mở hàng loạt chi nhánh, văn phòng đại diện, trung tâm đào tạo XKLĐ của NAPECO đã vi phạm Nghị định 81 về đưa lao động đi nước ngoài.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó cục trưởng Quản  lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết: Trong quá trình tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, khi thu tiền, đơn vị tuyển dụng phải có hóa đơn, kể cả các khoản như học phí, khám sức khỏe…

Trong số các khoản được phép thu không có khoản nào là “phí bay”. Văn phòng đại diện không được trực tiếp thu tiền của người lao động.

Trả lời về một số vấn đề liên quan Cty NAPECO, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá cho biết: Do Sở chưa tiến hành kiểm tra cụ thể nên chưa thể kết luận được.

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: Nếu Văn phòng đại diện của NAPECO tại Thanh Hoá thu tiền của người lao động thì sai so với quy định; hơn nữa, việc thu nhiều khoản tiền không có hoá đơn lại càng sai.

Trong phiếu thu của NAPECO có khoản “tiền đặt cọc” (3,15 triệu đồng/lao động) là không đúng quy định của Bộ. Sắp tới, Sở sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của Cty này…”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.