Người phụ nữ 2 năm tù oan

Người phụ nữ 2 năm tù oan
TPO–2 năm tù oan; 13 năm sau mới được minh oan. Một số tài sản bị tịch thu đến nay mới trả lại một phần. Đó là chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1966), trú tại khối 13, phường Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An).

Những ngày đen tối

Trong ngôi nhà nhỏ, chị Thủy rầu rầu kể về cuộc đời đầy sóng gió của mình: Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bố mất sớm, một mình mẹ già nuôi đàn con thơ.

Do cuộc sống khó nghèo, từ nhỏ chị đã phải bươn chải đủ nghề. Chưa kịp lớn thì “phiêu bạt” ra Vinh để kiếm sống. Sau đó lấy chồng và xin được một chân vào bán hàng cho một của hàng ăn ngay TP Vinh. Cuối năm 1994 đầu 1995, ở Vinh bắt đầu xuất hiện “phong trào tín dụng đen”.

Vì cuộc sống mưu sinh, chị Thủy có uy tín trong giới làm ăn kinh doanh nên không ít người đã đến gửi tiền cho chị để lấy lãi.

Thấy làm ăn kiểu này không vất vả lại nhanh có thu nhập, chị Thủy bắt đầu đi vay của nhiều người để cho người khác vay kiếm lời.

Trước khi vay, chị Thủy hứa với mọi người; nếu ai cần thu hồi vốn thì phải thông báo với chị trước hai ngày. Nhưng sau đó, một số người đã cho chị Thủy vay đến đòi lại vốn thì chị đã phải thất hứa, vì một số người nợ chị chưa trả hoặc đang bỏ trốn. Không lấy được nợ, một số người bắt đầu viết đơn tố cáo chị Thủy lừa đảo họ để chiếm đoạt tài sản. Chưa hết, năm 1995, chị Thủy còn thế chấp ngôi nhà hai tầng để vay tiền Ngân hàng Ngoại thương Nghệ An, với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng sau khi vay được tiền, chị Thủy đã mang đi trả nợ.

Sau đó, Ngân hàng phát hiện chị sử dụng đồng vốn vay không đúng mục đích nên đã đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ thu hồi vốn. Ngày 4/2/1996 (trước thời hạn trả nợ) vợ chồng chị Thủy đã viết giấy bàn giao ngôi nhà hai tầng đó cho Ngân hàng.

Thế nhưng, ngày 4/4/1996, chị Thủy bị CATP Vinh đọc lệnh bắt ngay tại nhà và sau đó mới biết chị bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố hai tội danh đó là: “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” (vì vay tiền của nhiều người chưa trả hết) và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” (do sử dụng tiền vay không đúng mục đích).

Ngày 21/1/1998, chị Thủy bị Toàn án tỉnh Nghệ An tuyên phạt 2 năm tù giam, về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Ngày 22/7/1998, chị Thủy tiếp tục bị Tòa án nhân dân tối cao (Hà Nội) xử y án đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và tuyên phạt chị Thủy 2 năm tù giam

Điều đáng nói, trong vụ án này, chị Thủy không hề vay tiền của ông Phạm Văn Thái và bà Đậu Thị Luân nhưng, các cơ quan tố tụng lại kết luận chị Thủy vay của ông Thái và bà Luân số tiền 3 trăm 38 triệu đồng và buộc chị Thủy phải bàn giao thế chấp ngôi nhà hai tầng nằm trên đất ở khối 13, phường Quang Trung, TP Vinh cho ông Thái và bà Luân. Sau đó (ngày 7/6/2000) các cơ quan chức năng đã kéo đến cưỡng chế gia đình chị Thủy yêu cầu gia đình phải thi hành án đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Toàn án nhân dân tỉnh Nghệ An và Tòa án nhân dân tối cao ở Hà Nội để giao ngôi nhà đó cho vợ chồng ông Thái và bà Luân một cách hết sức vô lý. Sau đó, ông Thái và bà Luân đã bán ngôi nhà này cho một người khác có tên là Nguyễn Thị Ơn(trú ở khối 12, phường Quang Trung) một cách sai nguyên tắc?.

Chị Thủy nói trong nước mắt, những ngày đi tù, hai con gái của chị phải sống hết sức cơ cực. Gia đình sạt nghiệp. Con gái lớn chưa học hết cấp hai, ngày ngày đi học về cháu lại phải tranh thủ đi rửa xe thuê cho người ta để kiếm tiền. Từ ngày bị bắt cho đến lúc mãn hạn tù, và những ngày chưa được minh oan nhiều người xa lánh, hàng xóm dị nghị và cho rằng; chị Thùy là con người lừa đảo. Vì tủi hổ với bạn bè, không ít lần hai cô con gái chị đòi bỏ học. Còn chị Thủy thì ngày đêm mòn mỏi bỏ công, bỏ của chạy đến hết cơ quan này, cơ quan khách để đòi lại công lý.

Minh oan sau 13 năm

Sau nhiều năm can trường đi đòi công lý, ngày 10/12/2007, Quyết định của Giám đốc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao do ông Trương Hòa Bình thay mặt Hội đồng thẩm phán, Chánh án- Chủ tọa phiên tòa kết luận: “Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 139 ngày 22/7/1998 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần quyết định tội danh, hình phạt, án phí hình sự phúc thẩm đối với Nguyễn Thị Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.

Hủy bản án hình sơ thẩm số 11.HSST ngày 21/1/1998 của tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An phần quyết định về tội danh, hình phạt, bồi thường dân sự đối với Nguyễn Thị Thủy về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại vụ án.

Chị Thủy được cơ quan công quyền xin lỗi vì oan sai
Chị Thủy được cơ quan công quyền xin lỗi vì oan sai.

Sau thời gian điều tra lại, ngày 22/3/2009, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An thông báo quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với chị Nguyễn Thị Thủy với lý do: đã hết thời hạn điều tra mà không chúng minh được chị Thủy có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Còn đối với ngôi nhà trên đất của chị Thủy, hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên giao cho ông Thái và bà Luân, ngày 2/6/2000, Cơ quant hi hành án dân sự tỉnh Nghệ An ra quyết định cưỡng chế nay không còn hiệu lực.

Hơn 13 năm mòi mỏi đi đòi công lý chị Thủy mới được minh oan. Ngày 6/11/2009, tại trụ sở UBND phường Quang Trung, TP Vinh, có mặt đông đảo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân phường Quang Trung(TP Vinh) Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tổ chức công khai xin lỗi, công khai cải chính đối với chị Nguyễn Thị Thủy là người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Cùng với xin lỗi, chị Thủy còn được Tòa án nhân dân tối cao bồi thường theo quy định của Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều đáng nói, từ ngày được Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao có kết luật hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm; rồi Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An có quyết định đình chỉ vụ án và Tòa án nhân dân tối cao đã công khai xin lỗi, công khai cải chính đối với chị Thủy, nhưng từ đó đến nay, căn nhà trên đất ở khối 13, phường Quang Trung của chị bị cưỡng chế oan để giao cho vợ chồng ông Phạm Văn Thái và bà Đậu Thị Luân dù nhiều lần viết đơn gửi các cơ quan thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được trả lại cho chính chủ của nó.

Một sự việc khác cũng liên quan đến người phụ nữ ngồi tù oan này, đó là ngày 20/9/1995, vợ chồng ông Phạm Văn Đệ và bà Phạm Thị Hoa, trú ở phường Nghi Hải (TX Cửa Lò) mang chiếc xe khách 5 chỗ ngồi (có BKS 37K 08- 68) kèm theo một số giấy tờ liên quan đến chiếc xe này đến thế chấp cho vợ chồng chị Thủy để vay nợ 86,4 triệu đồng. Sau đó, Ngân hàng Công thương Nghệ An- Chi nhánh ở Cửa Lò đã báo với Công an thị xã nội dung mất chiếc xe nói trên là tài sản thế chấp vay vốn Ngân hàng Công thương, để nghị công an truy tìm để Ngân hàng có điều kiện thu hồi vốn cho Nhà nước.

Sau đó, Công an thị xã Cửa Lò đã tìm thấy chiếc xe ở nhà vợ chồng chị Thủy. Ngày 29/11/1995, Công an tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật để phục vụ công tác điều tra. Kể từ đó, Công an thị xã Cửa Lò không một lần thông báo cho gia đình chị Thủy biết kết quả điều tra hoặc: gia đình đến làm việc. Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG