Người và đời ở trại Hồng Ca

Người và đời ở trại Hồng Ca
TP - Cán bộ Trại cải tạo Hồng Ca - Cục V26, Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bái hầu hết ở nhà cấp 4. Nhưng 8 năm nay, ở đây không có nạn “đại bàng”, rất ít phạm nhân trốn trại.
Người và đời ở trại Hồng Ca ảnh 1

Nơi đây, sương mù tan vào 10 giờ sáng, và lại dâng lên từ 3 giờ chiều. Đất pha sỏi không trồng được rau, lũ quét ào về phá tan ao cá, mùa hè nắng chết cỏ, mùa đông rét cắt da. 

Khó nhọc và nguy hiểm

Nghề quản lý trại giam, yêu cầu quan trọng nhất không để phạm nhân trốn trại. Đại úy Trần Trọng Vượng là người lập nhiều thành tích nhất Trại Hồng Ca trong việc… truy bắt phạm trốn.

Công việc “bắt nã” (bắt can phạm trốn trại, có lệnh truy nã) vừa mất nhiều công sức, vừa nguy hiểm. Nhưng nó là danh dự của người làm nghề này.

Đại úy Vượng cùng đồng đội từng “lang thang” hàng tháng trời ở Đăk Lăk, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh…, trong tay là lệnh truy nã và những thông tin ít ỏi ban đầu về những kẻ trốn trại.

Có trường hợp phải dùng sức, như vụ bắt tên Nguyễn Văn Bắc tức Bắc “Què”. Hắn trốn trại, được đồng bọn ngoài xã hội chở bằng xe máy. Đại uý Vượng phóng Win 100 rượt theo, khoảng cách mỗi lúc một ngắn lại.

Thấy nguy, Bắc hô đồng bọn bỏ đường cái, rẽ vào đường mòn. Rồi hắn vọt xuống, chạy thục mạng về phía rừng. Vượng cũng nhảy khỏi xe, đuổi theo. Tên Bắc nhỏ thó nhưng chạy thoăn thoắt, nếu hắn vào được đến rừng thì xong!

Vượng vừa chạy vừa rút súng bắn chỉ thiên, hắn vẫn không dừng, buộc anh bắn thẳng. Viên đạn trúng bắp chân, Bắc ngã quỵ ngay bìa rừng. Đưa về trại, hắn có biệt danh Bắc “Què” từ ngày ấy.

Lại có vụ phải dùng mưu, như vụ bắt tên Đỗ Văn Thiện. Sau khi trốn trại, tên này lỉnh vào hồ Thác Bà. Hồ rộng mênh mông với hàng ngàn hòn đảo, hắn lại bơi lặn giỏi như rái cá.

Thoáng thấy bóng ca nô cảnh sát là hắn “lặn” mất tăm. Vượng và anh em điều tra, biết hắn có cô bồ bán hàng ở ven hồ. Anh em tổ chức phục kích. Mấy hôm yên yên, Thiện mò lên với bồ tranh thủ hú hí, bị tóm sống.

Song vụ “bắt nã” mệt nhọc nhất, nguy hiểm nhất đối với Vượng, cũng như cán bộ toàn trại, là vụ truy bắt tên Sồng A Páo. Hắn trốn trại, cắt rừng đi bộ, một tuần thì về đến nhà ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La. Về đến quê, hắn tót lên một hang núi rất hiểm trở, mang theo khẩu súng săn do Mỹ sản xuất và hơn 20 viên đạn.

Thuyết phục hắn ra hàng không đem lại kết quả. Phương án tiêu diệt được bàn thảo, trước giờ nổ súng thì nhận lệnh của lãnh đạo Cục V26 là tuyệt đối không được “dùng biện pháp mạnh”…

Người và đời ở trại Hồng Ca ảnh 2
Đại úy Vượng đang ôn lại chuyện cũ với phạm nhân Páo

Đã gần 1 tháng, anh em người nào cũng râu tóc xồm xoàm, gầy sút đi mấy cân. Nắm được Páo sắp di chuyển đến hang mới, Vượng và anh em tổ chức phục kích.

Trong đêm tối, anh nhảy vào quật tên Páo ngã sấp. Hắn lồng lộn chống trả, cắn vào tay Vượng. Nhờ đồng đội hỗ trợ, Vượng còng được tay tên Páo. Tên tội phạm nguy hiểm được giải đi ngay trong đêm, đề phòng đồng bọn của hắn đánh tháo…

Một phần nhờ cương quyết truy bắt những phạm nhân trốn trại, đã 8 năm nay, Trại Hồng Ca rất ít phạm nhân bỏ trốn. Bởi họ biết, nếu có trốn cũng không thể nào thoát!

“Được về ăn tết cùng vợ con!”

Đến Hồng Ca, tôi được gặp gã tù khá đặc biệt. Mặt vuông, mày rậm, người chắc lẳn, ánh mắt lạnh lùng. Với phạm nhân, những điều này không lạ.

Điều đặc biệt ở Đào Minh Cường tức Cường “Chai”, anh ta tù lần này là “tăng” ba (chưa kể một “tăng” trường giáo dưỡng khi còn vị thành niên), và cả 3 “tăng” Cường đều thụ án ở đúng… Trại Hồng Ca.

Hai “tăng” trước, Cường không được giảm án lấy một ngày. Thích làm “đại bàng”, thường xuyên “quậy”. Thế nhưng đến “tăng” ba này, Cường cải tạo tốt. Bởi như nhiều phạm nhân khác ở Trại Hồng Ca, anh ta đã xác định chỉ có vậy mới sớm được về với xã hội, với vợ con.

Trộm cắp, cướp giật, gây thương tích, buôn bán ma túy… đã đến lúc chôn vào dĩ vãng. Chả lẽ trọn một đời chỉ sống bằng những trò ấy và đi tù? “Ăn bao nhiêu cái Tết ở Trại rồi, anh Cường?”. “Dạ, thưa nhà báo” - Cường vừa đáp vừa cười ngượng - “17 cái rồi ạ”.

“Những kỷ niệm đáng nhớ, anh kể lại được không?”. “Tù thì lắm chuyện buồn. Không giấu gì nhà báo, buồn nhất là mỗi lần quay lại đây, gặp lại cán bộ. Xấu hổ lắm.

Lần nào được về, cũng hứa thế này, thế nọ… Còn niềm vui không phải không có. Đó là những khi vợ con lên thăm. Vui nhất là lần đầu tiên nghe đọc kết quả xét giảm án, có tên Đào Minh Cường, được giảm 3 tháng”.

“Tăng” ba này, Cường lĩnh 7 năm tù về tội buôn bán ma túy. Nhờ cải tạo tốt, hăng hái lao động sản xuất, tham gia Hội đồng tự quản của phạm nhân, Cường được xét giảm nhiều lần, tổng cộng 2 năm.

Tết này, Cường được tha sớm, về ăn Tết cùng vợ con. Mùa Xuân gợi lên khát vọng sum họp, và là lúc người ta hay nghĩ về những gì sẽ đến.

Cặp mắt sắc lạnh bỗng ánh lên những tia ấm áp, Cường tâm sự: “Nhà tôi ở TP Yên Bái, nhưng quê vợ tôi ở Phú Thọ. Có lẽ ra tù lần này, tôi bỏ TP, về thôn quê sống với vợ con, may ra cách ly được đám bạn bè em út cũ”.

Niềm vui của người quản giáo

Ở Trại Hồng Ca, Tết này có nhiều phạm nhân được mãn hạn tù sớm, về ăn Tết cùng vợ con như Đào Minh Cường. Niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của những cán bộ quản giáo, trong đó có Thiếu tá Vũ Minh Nguyện.

Thiếu tá Nguyện sinh năm 1967, mới được đề bạt Phó giám thị, anh chính là cán bộ trẻ nhất trong Ban giám thị Trại. Trưởng thành từ cảnh sát bảo vệ, rồi sang cán bộ quản giáo, Nguyện có rất nhiều kinh nghiệm của nghề quản lý trại giam.

“Mỗi khi tiễn một phạm nhân được ra trại sớm do cải tạo tốt, cán bộ, chiến sĩ của Trại đều cảm thấy rất vui” - Nguyện kể - “Song vui nhất là những khi gặp lại phạm nhân cũ, thấy họ đã thực sự hoàn lương.

Cái nghề của bọn tôi rất lạ. Với phạm nhân, mình phải luôn nghiêm khắc, thậm chí phải kỷ luật thật nặng mỗi khi họ sai phạm. Thế nhưng khi đã ra trại, họ lại dành cho mình rất nhiều tình cảm.

Đã rất nhiều lần đi công tác, ở bến xe, ở chợ, hoặc đang đi trên phố, tôi bất ngờ được gặp một người nào đó chạy đến chào “thầy”. Những lúc như vậy, mình thấy ấm lòng lắm”.

Nguyện kể, nhiều người sau khi hết án, đã quay trở lại thăm Trại. Thường là vào dịp trước hoặc sau Tết. Cá biệt có những người sau khi hoàn lương, chịu khó làm ăn, trở thành chủ doanh nghiệp. Họ trở lại thăm cán bộ Trại bằng ô tô riêng…

“Bên cạnh việc buộc họ phải lao động để cải tạo, khơi gợi khát vọng hoàn lương ở những phạm nhân chính là cái tâm của nghề quản giáo” – Nguyện cho biết – “Tết chính là dịp cán bộ Trại động viên, khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình. Đêm 30, cán bộ sẽ đi từng buồng, chúc Tết phạm nhân.

Các ngày mùng Một, mùng Hai, mùng Ba, phạm nhân được nghỉ lao động. Ngoài khẩu phần ăn tăng gấp 5 lần ngày thường, có đủ bánh chưng, hoa quả, Trại tổ chức cho họ kéo co, đánh cờ, thi đấu cầu lông, bóng chuyền. Qua mỗi dịp Tết, phạm nhân trở lại lao động rất hăng hái”.

MỚI - NÓNG